Kinh doanh cám heo: "Cỗ máy" kiếm tiền mới của tập đoàn Masan
Đáng chú ý nhất trong việc đóng góp vào mức tăng 52% doanh thu thuần của tập đoàn trong nửa đầu năm 2015 là việc ghi nhận doanh thu từ công ty con Masan Nutri-Science.
Mới đây, tập đoàn Masan công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 đạt kỷ lục cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong đó, doanh thu kinh doanh tiêu dùng nội địa tăng 52%, lợi nhuận thuần tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Masan cho biết doanh thu 2015 đang trên đà tăng gấp đôi, ước tính đạt trên 30.000 tỷ.
Báo cáo của tài chính hợp nhất của tập đoàn này cho thấy mảng kinh chiếm tỷ trọng lớn nhất hiện nay của tập đoàn này vẫn là lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, đạt 5.881 tỷ đồng, chiếm 56,47% tỷ trọng. Tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm 2014, tốc động tăng trưởng của lĩnh vực này chỉ đạt mức 3,1%.
Kết quả tài chính hợp nhất của tập đoàn Masan 6 tháng đầu năm 2015.
Bên cạnh mảng thực phẩm và đồ uống, lĩnh vực tài nguyên và chế biến giá trị gia tăng đem về 1.201 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 11,53% doanh thu thuần của tập đoàn với mức tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ 2014.
Đáng chú ý nhất trong việc đóng góp vào mức tăng 52% doanh thu thuần của tập đoàn trong nửa đầu năm 2015 là việc ghi nhận doanh thu từ công ty con Masan Nutri-Science.
Đây là công ty được thành lập từ thương vụ mua lại công ty Sam Kim của tập đoàn Masan. Sam Kim là doanh nghiệp nắm giữ 52% vốn cổ phẩn của CTCP sản xuất thưc ăn gia súc Việt Pháp (“Proconco”) và 70% cổ phần của CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (“Anco”).
Thương vụ này đưa Masan lên vị thế công ty sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất và công ty sản xuất thức ăn gia súc nói chung lớn thứ 2 Việt Nam.
Trong vòng 2 tháng, Masan Nutri-Science đã đóng góp 3.331 tỷ đồng doanh thu thuần và 217 tỷ đồng lợi nhuận thuần proforma vào báo cáo 6 tháng đầu năm của tập đoàn Masan. Biên lợi nhuận của công ty con này đạt 19,1% nửa đầu năm 2015, một trong những tỷ lệ lợi nhuận cao nhất trong ngành.
Việc tập đoàn Masan đầu tư vào lĩnh vực đạm động vật: Masan Nutri-Science nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư vào mô hình chuỗi thực phẩm khép kín 3F (Feed-Farm-Food) vốn đang được chi phối chủ yếu bởi các doanh nghiệp ngoại.
"Mua lại Proconco đặt nền móng cho Masan Consumer tham gia vào phân khúc thị trường cung cấp chất đạm (thịt, cá, hải sản) đầy tiềm năng tăng trưởng, dựa trên cơ sở gia tăng của dân số Việt Nam và mức độ tiêu thụ đạm/đầu người ngày càng gia tăng", báo cáo từ Masan Consumer - công ty con và là đơn vị nhận chuyển giao 40% cổ phần của Proconco từ Masan Group hé lộ động cơ thương vụ.