Khuyến nghị nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi
23/08/2013 08:19 AM
|
Ngày 22/8, tại Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố báo cáo “Dự báo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và các khuyến nghị pháp lý”. ILO khuyến cáo nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo tính bền vững của quỹ này.
Nguy cơ vỡ quỹ từ áp lực già hóa dân số
Một nước được gọi là dân số già khi số người trên 60 tuổi chiếm 10% và trên 65 tuổi chiếm 7,5%. Năm 2008, Việt Nam đã ngấp nghé ngưỡng già hóa khi tỷ lệ người trên 60 tuổi là 9,5% và năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Tốc độ già hóa dân số của nước ta tăng một cách chóng mặt là do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm.
Nếu như trong 50 năm qua, tuổi thọ bình quân của người dân trên thế giới tăng 20 tuổi (từ 48 lên 68) thì tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi lên 73 tuổi, đạt được mức gia tăng gấp khoảng 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới.
"Trong giai đoạn 2020-2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số có thể ở mức cao nhất châu Á. Vì thế, ILO dự báo về việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và các khuyến nghị pháp lý sẽ tạo cơ sở cho Việt Nam hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng”. Ông Phạm Minh Huân Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội |
Già hóa thì sức lao động giảm, trong khi hệ thống công ăn việc làm, an sinh xã hội cho nhóm này vẫn chưa đáp ứng được. Hơn nữa, 70% người già lại sống ở khu vực nông thôn, không có lương hưu và phải phụ thuộc vào con cái. Khi số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng”, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt.
Luật hiện nay quy định mọi công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên đều được tham gia bảo hiểm xã hội nhưng trên thực tế, hiện nay chỉ có 1/5 lực lượng lao động có bảo hiểm. Do đó, ILO khuyến cáo Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034 nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.
Theo ILO, những thay đổi về chính sách phải rất kịp thời bởi Việt Nam đang có những thay đổi lớn về cơ cấu dân số, tỷ lệ người lao động có bảo hiểm thấp và thực thi luật còn hạn chế. Luật Bảo hiểm xã hội đang được sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua trong năm 2014, nhưng “cải cách bảo hiểm xã hội giống như chèo lái con thuyền lớn, thuyền trưởng không thể chờ đến phút cuối mới hành động.
Con thuyền đó phải được xoay chuyển trước khi tiến đến quá sát chướng ngại vật. Đáng quan ngại là, chướng ngại vật đó đang đến gần, do đó Chính phủ Việt Nam, người sử dụng lao động và người lao động cần khẩn trương tìm ra phương thức đảm bảo việc chi trả lương hưu cho hiện tại và lâu dài” - ông Gyorgy Sziracki, Giám đốc ILO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Nâng độ tuổi nghỉ hưu
Để đảm bảo tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội, ILO khuyến cáo Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65. Bởi thực tế là tuổi thọ đang và sẽ được nâng lên đáng kể và tỷ lệ số người đóng bảo hiểm xã hội trên số người hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng mạnh do tỷ lệ suy giảm và tuổi thọ gia tăng. Do vậy, rất cần tăng dần tuổi nghỉ hưu để cân đối đóng và hưởng bảo hiểm xã hội trong tương lai.
Khi nâng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam sẽ đối mặt với vấn đề giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi năm, nhưng ILO đánh giá đây chỉ là vấn đề cần ưu tiên trong ngắn hạn, quá trình già hóa dân số nhanh chóng của Việt Nam đặt ra thách thức nghiêm trọng mới là vấn đề cần giải quyết lâu dài.
Ngoài đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, ILO đề xuất phương thức bảo vệ được người lao động khi về hưu bằng cách đảm bảo rằng cả người sử dụng lao động và người lao động đóng góp bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập, thay vì lương cơ bản, theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi. Đồng thời, phải thực hiện công bằng giữa khối công nhân viên chức nhà nước và người lao động trong khối tư nhân. Bên cạnh đó, cũng cần tăng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm hưu trí và phát triển các chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Theo Hải Quỳnh
Theo Giao thông vận tải
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!