Hợp đồng bảo hiểm: Bút sa... tiền mất
Không có quy định nào yêu cầu công ty bảo hiểm phải tổ chức khám sức khỏe cho khách hàng trước khi chấp thuận bảo hiểm.
Phó thác vào tư vấn viên bảo hiểm, đặt bút ký khi chưa nắm rõ hết các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm với các quy định rất phức tạp, nhiều khách hàng đã rất bức xúc nhưng cũng phải chấp nhận cách giải quyết của DN bảo hiểm khi phát sinh sự kiện…
Từng có trường hợp một khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm với một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, đã đóng phí được hơn 2 năm với số tiền gần 30 triệu đồng. Vì khó khăn tài chính nên khách hàng này không thể tiếp tục đóng phí. Khi tất toán hợp đồng, khách hàng này đã rất bức xúc khi chỉ được nhận lại gần 2 triệu đồng.
Đây không phải là trường hợp cá biệt trên thị trường bảo hiểm Việt
Mới đây, một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài cũng “dính” phải một vụ kiện cáo khi từ chối bồi thường cho khách hàng vì khách hàng đã khai thông tin không đúng. Trưởng Bộ phận Maketing của công ty này cho biết, hầu như tháng nào, Công ty cũng phải xử lý những vụ tranh chấp kiểu này. Hầu hết những vụ như vậy, nếu chiểu theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì khách hàng sai. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà Công ty có cách giải quyết khác nhau sao cho hợp tình hợp lý.
Trong trường hợp tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm nói trên, phía công ty bảo hiểm cho rằng, do việc kê khai thông tin không đúng về bệnh tật trong Giấy yêu cầu bồi thường bảo hiểm nên Công ty tuyên hợp đồng vô hiệu, không bồi thường và chỉ chi trả giá trị hoàn lại trên hợp đồng.
Theo công ty bảo hiểm này, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào yêu cầu công ty bảo hiểm phải tổ chức khám sức khỏe cho khách hàng trước khi chấp thuận bảo hiểm.
Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty bảo hiểm có thể yêu cầu khách hàng kiểm tra sức khỏe trước khi phát hành hợp đồng. Việc khám sức khỏe có chính xác hay không còn tùy thuộc vào việc kê khai đầy đủ và trung thực về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm.
Vì vậy, nguyên tắc tuyệt đối trung thực trong khai báo thông tin sức khỏe của người được bảo hiểm được đặt lên hàng đầu. Đây là cơ sở pháp lý để hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực…
Để tránh những thiệt hại khi mua bảo hiểm, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, người mua bảo hiểm cần xem xét rất kỹ các quy định trong hợp đồng.
Theo ông Lộc, trước khi mua bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm đưa cho giấy yêu cầu bảo hiểm để khách hàng điền nội dung (như tên, tuổi, địa chỉ, yêu cầu bảo hiểm…), giấy này cũng ghi rõ sau khi đọc rõ các quy tắc, điều khoản bảo hiểm chấp nhận tham gia bảo hiểm.
Như vậy, vô tình người tham gia bảo hiểm đã chấp nhận toàn bộ quy tắc, điều khoản mà doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Những vấn đề mà người tham gia bảo hiểm chưa rõ thì có thể hỏi tư vấn và bắt buộc tư vấn phải trả lời.
Điều này đã được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nếu tranh chấp xảy ra, người mua bảo hiểm không thể vin cớ là người tư vấn không giải thích thấu đáo hoặc tư vấn sai vì lúc này không có bằng chứng cho những hành vi nói trên.
“Trên giấy yêu cầu bảo hiểm, người mua bảo hiểm đã khẳng định đã đọc kỹ các quy tắc, điều khoản bảo hiểm mà DN bảo hiểm đưa ra. Do vậy, khi phát sinh tranh chấp, người mua không thể đổ tại lý do chưa rõ về các điều khoản được...”, ông Lộc chia sẻ.
Tuy nhiên, với hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các điều khoản, quy định rất phức tạp, người mua bảo hiểm không dễ để hiểu được tất cả mọi điều khoản. Do vậy, khách hàng bảo hiểm cần được tư vấn viên/đại lý bảo hiểm giải thích kỹ càng…
Vấn đề cần đặt ra là trách nhiệm của tư vấn/đại lý đến đâu khi khách mua bảo hiểm mà vẫn chưa được tư vấn kỹ, bởi hiện nay, hầu hết khách hàng mua bảo hiểm trông cậy vào sự tư vấn của đại lý. Dù công ty bảo hiểm nào cũng có bộ phận tư vấn thêm cho khách hàng trong thời gian 21 ngày tự do xem xét nhưng thực tế vai trò của người tư vấn đầu tiên vẫn là quan trọng nhất.
Theo Ngọc Lan
ĐTCK