Hơn 11.000 tỉ đồng cho bảo tàng lớn nhất Việt Nam?

27/07/2015 14:48 PM |

Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày...

Điều kiện kinh tế khó khăn

Cổng thông tin điện tử chính phủ cho biết Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Xây dựng làm việc với các Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính lập kế hoạch vốn đầu tư cho dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đồng thời tổng hợp các khoản chi phí cấp bách phải chi trong năm 2015 báo cáo thường trực Chính phủ.

Bộ Kế hoạch - đầu tư cùng Bộ Tài chính phối hợp hướng dẫn Bộ Xây dựng lập kế hoạch vốn bảo đảm khả thi.

Ngày 19-12-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nguồn vốn đầu tư cho công trình này được xác định là vốn ngân sách nhà nước cùng với sự huy động từ nhiều nguồn vốn hợp pháp khác.

Anh Phan Thanh Nhàn (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho rằng: “Mức vốn đầu tư quá lớn. Với kinh phí đó có thể thực hiện bao nhiêu công trình phúc lợi xã hội khác”.

Theo anh Nhàn, ở nước ta hầu như địa phương nào cũng có bảo tàng và ở các TP số lượng bảo tàng lại càng nhiều hơn. Tuy nhiên, tất cả đều hoạt động chưa hiệu quả.

Chị Hoàng Lam (TP.HCM) bức xúc: “Thời buổi kinh tế khó khăn, bội chi ngân sách, thắt lưng buộc bụng, nợ công tăng, cần đầu tư phục vụ các yêu cầu cấp thiết dân sinh. Bảo tàng Hà Nội xây dịp 1.000 năm Thăng Long cũng to, đẹp, “ngốn” hơn 2.000 tỉ đồng nhưng rồi có mấy ai vào tham quan, để đó chờ…tu sửa”.

“Kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói nợ công gần chạm ngưỡng an toàn. Cứ đeo theo những công trình quy mô như vậy thì đất nước sẽ càng thêm khó khăn”, ông Đình Bá (Q.6, TP.HCM) lo lắng.

Trong khi đó, anh Hoàng Dũng (30 tuổi) so sánh việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia với sự kiện VN đăng cai Asiad 18. “Với Asiad, chúng ta đã kịp thời dừng lại. Ta sẵn sàng chịu phạt để đảm bảo lợi ích lâu dài hơn cho đất nước. Vậy với bảo tàng này thì sao? Phải hết sức cân nhắc”, anh Dũng đặt câu hỏi.

Cân nhắc việc tiếp tục xây dựng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hình thành trên cơ sở sưu tập các tài liệu, hiện vật và đội ngũ cán bộ của Bảo tàng Lịch sử VN và Bảo tàng Cách mạng VN.

Theo đề án xây dựng, bảo tàng là một công trình văn hóa hiện đại xứng tầm với lịch sử dân tộc, một bảo tàng lớn nhất VN.

Công trình có ý nghĩa to lớn về chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa VN, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, cung cấp kiến thức về lịch sử, di sản văn hóa…

Theo lộ trình, thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2016. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng từ tháng 7-2016.

Tuy nhiên, anh Bùi Nghĩa (Hà Nội) bức xúc: “Ban đầu dự kiến bảo tàng này khánh thành vào năm 2012 giờ hoãn lại thành 2016. Nhưng nay đã hơn nửa năm 2015 rồi mà vẫn chưa thấy gì. Không biết dự án rồi về đâu?”.

“Bảo tàng ở VN chưa phát huy hiệu quả. Chỉ số ít có khách đến thăm, chủ yếu là một số người nước ngoài hoặc đoàn học sinh, sinh viên đi theo diện nhà trường tổ chức. Nhiều bảo tàng nhỏ rồi mà lại xây bảo tàng lớn sẽ dẫn đến tình trạng lớn sống, nhỏ chết và ngược lại”, anh Ngô Tấn Anh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) phân tích.

Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu - giảng viên khoa văn hóa học (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) - cho rằng mục đích xây dựng bảo tàng là tốt, mang ý nghĩa nhân văn nhưng ở thời điểm hiện tại, khi nguồn vốn đầu tư lấy từ ngân sách thì đất nước sẽ càng thêm nặng gánh.

“Người dân có thể cùng chung tay xây dựng một Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đầu tư cho văn hóa - lịch sử là đầu tư mang tính lâu dài, đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế còn khó khăn, hệ thống bảo tàng hiện có vẫn chưa phát huy giá trị thì việc tiếp tục xây dựng một công trình quy mô là chưa cần thiết”, ông Hiếu khẳng định.

 

TS Lý Tùng Hiếu cho biết nên có một cuộc khảo sát ý kiến người dân về việc tiếp tục xây dựng công trình này nhằm đảm bảo hợp lòng dân.

Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng đồng quan điểm. Ông Nhã cho biết bên cạnh kinh phí xây dựng cần quan tâm đến cách thức hoạt động của bảo tàng làm sao để thu hút người dân, khách du lịch. Có như vậy, việc đầu tư với mức kinh phí cao mới mang lại ý nghĩa thực sự. Nếu không đây sẽ là sự lãng phí rất lớn.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha. Gồm bốn hạng mục xây dựng: tòa nhà chính; khu tưởng niệm danh nhân; khu trưng bày ngoài trời; hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh, cảnh quan.

Riêng tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất hơn 20.000m2, có một tầng hầm và sáu tầng nổi, bao gồm kho lưu giữ hiện vật qua các thời kỳ; trung tâm bảo quản và phục chế; hội trường, các phòng hội thảo, chiếu phim phục vụ công tác nghiên cứu, học tập…

Bộ Xây dựng được Chính phủ giao làm chủ đầu tư. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch là chủ quản lý sử dụng và chủ đầu tư dự án thành phần (gồm nội dung và hình thức trưng bày).

Theo VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

Cùng chuyên mục
XEM