Hiệu suất công nghệ của Việt Nam ở mức dưới chuẩn khá xa

07/11/2014 17:46 PM |

Trong khi chuyên gia nước ngoài cho rằng giá trị của hiệu suất công nghệ ở các nước đang phát triển dao động trong khoảng 60 – 70%, tại Việt Nam, hiệu suất công nghệ trong năm vừa qua chỉ ở mức xấp xỉ 40%.

Theo báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố, nhóm tác giả nghiên cứu do GS. John Rand – ĐH Copenhagen – làm trưởng nhóm cho rằng: Thị trường ở Việt Nam đang thể hiện sự “dễ dãi” hơn đối với các doanh nghiệp có hiệu suất công nghệ thấp so với mong muốn trước đó.

Mức hiệu suất công nghệ ước tính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam không cùng mức với hiệu suất công nghệ mà Tybout (2000) đưa ra.

Theo nghiên cứu, tác giả Tybout đã tìm ra một phần bằng chứng không đáng kể ủng hộ quan điểm rằng thị trường ở các nước đang phát triển là nơi có các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và giá trị của hiệu suất công nghệ dao động trong khoảng 60 – 70% so với mức hiệu quả nhất.

Theo kết luận của nhóm nghiên cứu, nếu một doanh nghiệp hoạt động với công suất tối đa có thể được kỳ vọng là có hiệu suất công nghệ bằng 1, thì hiệu suất công nghệ trung bình tính được dựa trên 2 phép đo của nhóm lần lượt là 0,4 và 0,41, tương đương 40% và 41% so với hiệu suất tối đa.

Hiệu suất công nghệ trung bình theo hai phương pháp tính của nhóm nghiên cứu.

Hiệu suất công nghệ trung bình theo hai phương pháp tính của nhóm nghiên cứu.

Theo đối chiếu, hiệu suất công nghệ trung bình của năm 2013 thấp hơn so với hiệu suất công nghệ của năm 2009.

Lý giải cho thực tế hiệu suất công nghệ ở các DNNVV ở mức rất thấp, nhóm nghiên cứu cho rằng có 2 khả năng:

Một là, đa số các doanh nghiệp Việt Nam được điều tra có thể đang hoạt động trong các thị trường ngách – nơi ít hấp dẫn đối với các doanh nghiệp tiên tiến hơn. Điều này cho phép các doanh nghiệp này có thể tồn tại được mặc dù hoạt động với hiệu suất công nghệ thấp.

Hai là, tăng trưởng nhanh của các doanh nghiệp có thể khiến các doanh nghiệp này phải liên tục đổi mới công nghệ sản xuất. Điều này có thể không cho phép các doanh nghiệp có được lợi ích đầy đủ từ việc học hỏi qua quá trình kinh doanh để sản xuất ngày càng hiệu quả hơn.

Cũng theo báo cáo, các doanh nghiệp quy mô vừa có hiệu quả công nghệ cao hơn các doanh nghiệp có nhóm quy mô nhỏ hơn. Các doanh nghiệp ở nông thôn có hiệu suất công nghệ cao hơn khoảng 2% so với các doanh nghiệp thuộc khu vực thành thị.

Tỷ lệ các doanh nghiệp mua công nghệ mới đã giảm 6,6%, từ 13% năm 2011 xuống 6,4% năm 2013. “Đây là tỷ lệ doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ mới thấp nhất kể từ điều tra năm 2005 và gần tương đương tỷ lệ quan sát được năm 2007”, nhóm nghiên cứu cho biết trong báo cáo.

Tỷ lệ sử dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp theo quy mô và khu vực.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp theo quy mô và khu vực.

 

Hai cách tính hiệu suất công nghệ của nhóm nghiên cứu:

- Theo cách tính thứ nhất, hiệu suất công nghệ được đo thông qua giá trị gia tăng thực là đầu ra, tổng số lao động toàn thời gian và giá trị thực của vốn vật chất (hữu hình) là đầu vào.

- Cách tính thứ hai về hiệu suất công nghệ sử dụng tổng doanh thu thuần như là đầu ra của doanh nghiệp và tổng lao động toàn thời gian, giá trị thực vốn vật chất và tổng giá trị hàng hóa trung gian là đầu vào.

 

Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013” dựa trên các thông tin thu thập được từ cuộc điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ 5, sau các cuộc điều tra vào năm 2005, 2007, 2009 và 2011. Cuộc điều tra được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, và Khoa Kinh tế - Đại học Copenhagen (Đan Mạch).

>> Vì sao các tỷ phú công nghệ thường đầu tư có lãi hơn các tỷ phú tài chính?

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM