Hàng xa xỉ lao đao vì Trung Quốc chống tham nhũng
24/09/2012 13:52 PM
|
Từ ngày 1/10 tới, quan chức Trung Quốc sẽ bị cấm nhận quà đắt tiền, cấm dùng công quỹ để tổ chức đại tiệc hay mua ôtô sang.
Những năm gần đây, nhiều nhãn hàng xa xỉ trên thế giới đã coi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ yếu đi trông thấy khi Trung Quốc tích cực phòng chống tham nhũng.
Ngày 1/10 tới, Chính phủ Trung Quốc chính thức áp dụng nguyên tắc "làm việc tiết kiệm" đối với các quan chức nhà nước. Theo đó, họ sẽ bị cấm dùng tiền công quỹ để tổ chức đại tiệc hay mua ôtô sang. Các món quà đắt tiền như trang sức hay rượu cũng nằm trong danh sách cấm nhận. Tặng quà từ lâu đã được coi là biểu tượng của sự tôn trọng trong văn hóa Trung Quốc, đồng thời là nguồn thu ổn định cho các nhãn hàng xa xỉ tại nước này.
Tuy nhiên, một loạt scandal gần đây như con trai một quan chức cấp cao lái Ferrari gây tai nạn, hay lãnh đạo chính phủ khoe số đồng hồ giá trị gấp nhiều lần lương bổng đã khiến người dân Trung Quốc giận dữ. Tờ Chinda Daily bình luận: "Quan chức nhà nước không thể mua được những mặt hàng đó với mức lương chỉ 5.000 NDT (16,5 triệu đồng) mỗi tháng. Họ cần đưa ra lời giải thích thuyết phục nguồn tiền đó ở đâu ra".
Các nhãn hàng xa xỉ tại Trung Quốc vẫn đang vật lộn với việc kinh tế giảm tốc. Vì vậy, giới chuyên gia dự đoán việc Bắc Kinh siết chặt chi tiêu của quan chức nhà nước sẽ càng làm nhu cầu hàng xa xỉ giảm mạnh, kể cả khi kinh tế nước này hồi phục vào cuối năm.
Ngày 11/9, nhãn hàng thời trang Burberry cho biết tăng trưởng doanh thu tại Trung Quốc chậm hơn nhiều so với các nhà đầu tư dự đoán. Việc này đã làm dấy lên nhiều lo ngại rằng thị trường hàng xa xỉ ở đây đang tụt dốc.
Đối thủ của hãng này - Prada cũng vừa công bố lợi nhuận nửa đầu năm. Phần lớn các nhà phân tích dự đoán triển vọng của hãng sẽ tốt lên nhờ thị phần tăng và độ nhận diện thương hiệu tốt. Tuy nhiên, sau thông báo của Burberry, cổ phiếu Prada thậm chí sụt giảm tới 7,5%.
Tại Hong Kong, điểm mua sắm hàng xa xỉ ưa thích của người Trung Quốc đại lục, doanh thu tháng 7 chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ, chậm hơn so với 11% của tháng 6. Số liệu chính thức của tháng 8 sẽ được công bố vào ngày 4/10 tới.
Quan chức Trung Quốc không được phép nhận các món quà xa xỉ như rượu đắt tiền, trang sức hoặc tham gia tiệc của lãnh đạo doanh nghiệp. Kể từ khi Bắc Kinh tăng cường điều tra tham nhũng, nhu cầu hàng cao cấp như đồng hồ hay rượu đã giảm mạnh.
Jebsen - một nhà phân phối các nhãn hàng cao cấp tại Trung Quốc cho biết doanh thu xe Porches của họ vẫn ổn định khi tăng 28% trong tháng 8 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, rượu Bordeaux lại giảm 25% về doanh thu và 6% về số lượng.
Theo Hà Thu
vnexpress/CNBC