Hai tội danh đặc biệt của Chu Vĩnh Khang
Thông tin bắt giữ cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang khiến truyền thông và chuyên gia Trung Quốc xôn xao bàn tán hai tội danh là lộ bí mật nhà nước và thông gian với nhiều phụ nữ.
Tân Hoa xã liệt kê đầy đủ bảy trọng tội của “con hổ lớn” Chu Vĩnh Khang mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đưa ra.
Ðó là vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, tổ chức và bảo mật của đảng, lợi dụng chức vụ để trục lợi phi pháp cho người khác, nhận các khoản hối lộ khổng lồ, lạm dụng chức quyền giúp đỡ người thân, tình nhân, bạn bè để thực hiện các phi vụ kinh doanh thu lợi lớn, khiến nhà nước thiệt hại tài sản nghiêm trọng.
Ngoài ra, ông Chu còn bị truy tố về tội rò rỉ bí mật của đảng và nhà nước, vi phạm nghiêm trọng quy định tự kỷ luật, trực tiếp hoặc thông qua người thân nhận số tài sản khổng lồ, thông gian với nhiều phụ nữ, dùng quyền và tiền để đổi lấy sắc dục.
Trên thực tế, từ khi có công bố quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang, nhà chức trách Trung Quốc đã liên tục thẩm vấn những người đẹp bị tình nghi dính líu tới cựu chủ tịch Ủy ban Chính pháp trung ương.
28 người tình
Theo Ðài truyền hình Phượng Hoàng, đối tượng đầu tiên bị “soi” là chị em Giả Hiểu Diệp. Cô Giả là phát thanh viên đài CCTV, được cựu thứ trưởng Bộ Công an Lý Ðông Sinh “tiến cử” cho ông Chu.
Năm 2000, ông Chu ly hôn với người vợ từ thuở hàn vi là Vương Thục Hoa để cưới cô Giả. Chẳng bao lâu sau, bà Vương chết một cách bí ẩn trong một tai nạn ôtô. Nhiều giả thuyết cho rằng Chu chính là chủ mưu thực hiện vụ giết người.
Hai tài xế (đều là cảnh sát) gây ra vụ tai nạn bị xử 10 năm tù. Tuy nhiên, cả hai được thả sau ba năm thụ án và được cất nhắc lên chức vụ quan trọng trong các công ty dầu khí nhà nước.
Sau khi trở thành Chu phu nhân, Giả Hiểu Diệp từ bỏ công việc ở CCTV. Theo báo Tài Tân, chị gái của Giả Hiểu Diệp là Giả Hiểu Hà lại trở thành một doanh nhân thành đạt trong ngành dầu khí Trung Quốc.
Nhiều nguồn tin khẳng định Giả Hiểu Hà cũng quan hệ xác thịt với ông Chu.
Ông Chu còn có quan hệ ngoài luồng với rất nhiều người đẹp khác. Trong số đó, nổi tiếng nhất là hai người dẫn chương trình Diệp Nghênh Xuân và Thẩm Băng của CCTV.
Từ sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008, cô Thẩm Băng rời khỏi CCTV và trở thành phó chủ nhiệm trung tâm tin tức thuộc Ủy ban Chính pháp trung ương của ông Chu. Còn Diệp Nghênh Xuân nổi tiếng xinh đẹp bất ngờ biến mất từ tháng 9-2013.
Cả Giả Hiểu Diệp, Thẩm Băng và Diệp Nghênh Xuân đều đang bị nhà chức trách Trung Quốc điều tra. Nhật báo Bình Quả dẫn nguồn tin cơ quan điều tra tiết lộ ông Chu là tay chơi có hạng, có ít nhất 28 tình nhân do các quan chức cấp dưới “cống nạp”.
Cùng với cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai, ông Chu còn cặp kè với một nữ ca sĩ quân đội tài sắc, được mệnh danh là “tình nhân công cộng” của các quan chức cấp cao.
Xét xử kín
Xâm hại phụ nữ
Vào thời điểm Bạc Hi Lai bị ngã ngựa, truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Bạc đã “cống nạp” cho ông Chu nhiều tình nhân, trong đó bao gồm một số ca sĩ và diễn viên có tiếng.
Tại Bắc Kinh, ông Chu có tới sáu địa điểm khác nhau để “hẹn hò” với tình nhân. Trong danh sách người tình của ông Chu còn có nữ doanh nhân nổi tiếng Lưu Nghênh Hà ở Cáp Nhĩ Tân và bà Lý Giai, bí thư thành phố Tư Dương ở tỉnh Tứ Xuyên.
Nhật báo Bình Quả còn tiết lộ ông Chu từng xâm hại tình dục nhiều phụ nữ khi làm bí thư tỉnh Tứ Xuyên.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm ở Bắc Kinh nhận định tội danh “rò rỉ bí mật nhà nước” sẽ là cái cớ vững chắc để chính quyền Trung Quốc không xét xử công khai Chu Vĩnh Khang.
Chuyên gia Chương cho biết nếu xử công khai như trường hợp Bạc Hi Lai thì chính quyền Trung Quốc có thể đối mặt với nhiều rắc rối nếu ông Chu không chịu hợp tác.
“Ở Trung Quốc, rất khó xác định đâu là bí mật quốc gia. Với tư cách là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, bất cứ điều gì Chu vô tình nói cho những người xung quanh đều có thể là bí mật quốc gia” - ông Chương đánh giá.
Giáo sư Trần Ðạo Ngân thuộc Học viện Chính pháp Thượng Hải cho rằng các bí mật quốc gia mà ông Chu làm lộ có thể liên quan đến những cuộc thảo luận nội bộ về việc sắp xếp nhân sự ở Bộ Chính trị.
Giáo sư Trương Minh thuộc ÐH Nhân Dân ở Bắc Kinh nhận định nhiều khả năng ông Chu sẽ bị tuyên án tử hình treo. Ðây là hình phạt thường được chính quyền Trung Quốc giảm thành án chung thân.
Từ trước đến nay, phần lớn quan chức cấp cao ở Trung Quốc bị truy tố đều chỉ lãnh mức án cao nhất là tử hình treo rồi giảm xuống chung thân. Dù vậy đây là mức án nặng hơn những gì Bạc Hi Lai phải nhận.
Các nhà phân tích cho rằng vụ xét xử Chu Vĩnh Khang còn là phép thử đối với cam kết thực hiện pháp trị của chính quyền Trung Quốc.
Theo chuyên gia Chu Chí Quần, giám đốc Học viện Trung Quốc thuộc ÐH Bucknell, phiên tòa xử ông Chu không đơn giản chỉ là việc xử lý nội bộ trong Ðảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn là trường hợp điển hình cho tuyên bố cải cách bộ máy tư pháp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra.
>> Tài sản của gia tộc Chu Vĩnh Khang đến từ đâu?
Theo Đông Phương