Giá dầu thô 'xuyên thủng' đáy 5 năm
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô đã giảm 4,2% xuống còn 63,05USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Theo đó, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1-2015 trên thị trường Mỹ sụt 2,79 USD, xuống chỉ còn 63,05 USD/thùng, mức thấp kỷ lục kể từ cuối tháng 7-2009.
Giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 1 trên thị trường Anh hạ 2,88 USD xuống còn 66,19 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 9-2009.
Mới đây, Ngân hàng Morgan Stanley cảnh báo giá dầu có thể giảm xuống tới 43 USD/thùng vào năm 2015.
"Khi OPEC không can thiệp, thị trường trở nên mất cân bằng, tình trạng dôi dư nguồn cung có thể kéo dài tới quý II/2015", Morgan Stanley nhận định.
Giá dầu vừa rớt khỏi mức giá 65.66 USD - đáy của 5 năm
Dầu thô đang trong thị trường giá xuống, khi có nhiều dấu hiệu cho thấy sản lượng khai thác của Mỹ đang tăng, bất chấp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng quyết định không giảm mục tiêu sản xuất trước đó. 12 thành viên nhóm này hiện đóng góp 40% nguồn cung thế giới.
Trước sự ảnh hưởng của giá dầu giảm, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng đã bị mất điểm mạnh trong phiên ngày hôm qua. Giá dầu mỏ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua đã đẩy cổ phiếu ngành năng lượng Mỹ đồng loạt rớt giá.
Chỉ số S&P ngành năng lượng của Mỹ giảm 3,9% và giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013, do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu của các công ty trong ngành này trước dự báo thị trường sẽ tiếp tục dư thừa nguồn cung trong năm 2015.
Giảm mạnh nhất trong số các cổ phiếu ngành năng lượng là cổ phiếu của công ty dầu mỏ Exxon Mobil và Chevron, lần lượt giảm 2,3% và 3,7%, xuống 91,7 và 106,8 USD/cổ phiếu.
Ngoài ra, tình hình tăng trưởng kinh tế yếu kém của Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang làm gia tăng mối lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Các số liệu vừa công bố cho thấy kinh tế Nhật Bản quý 3/2014 giảm mạnh hơn số liệu công bố trước đó, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 11 là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng chậm lại.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã có phiên sụt giảm hơn 100 điểm, tương ứng 0.59%
Kết thúc phiên, chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 106,31 điểm (0,59%) xuống 17.852,48 điểm, S&P 500 mất 15,06 điểm (0,73%), còn 2.060,31 điểm và Nasdaq Composite giảm 40,06 điểm (0,84%), xuống 4.740,69 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 khép lại phiên 8/12 với mức giảm 0,7%, xuống còn 1.395,44 điểm.
>> Giá dầu giảm mạnh và mối lo ngân sách 2015
Vương Nguyên