Gas 'đội' giá do trung gian?

03/12/2013 08:53 AM |

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, hệ thống phân phối gas hiện qua nhiều khâu trung gian, nên giá cả tới tay người tiêu dùng bị đội lên.

Nội dung nổi bật:

- Từ 1/12, giá gas bán lẻ tăng 70.000-80.000 đồng/bình 12 kg, lên mức 480.000-510.000 đồng/bình 12kg, đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.

- Thứ trưởng Bộ Công thương lý giải: việc kiểm soát không chỉ do đầu vào tăng giá, mà hệ thống phân phối gas hiện qua nhiều khâu trung gian nên giá cả tới tay người tiêu dùng bị đội lên.

- Kết thúc năm 2013, KNXK cả nước có thể đạt khoảng 133,5 tỷ USD (tăng 16,6% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm) và kiểm soát nhập siêu có thể quanh mức 300 triệu USD.



Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Tới đây, cần kiểm soát giá gas trong nước ngay từ khâu phân phối, giảm khâu trung gian, giảm đầu cơ, không để lũng đoạn thị trường ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Quá nhiều trung gian

Bắt đầu từ ngày 1/12, giá gas bán lẻ trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối đồng loạt điều chỉnh “đẩy” lên tăng từ 70.000-80.000 đồng/bình 12kg. Đây là mức tăng kỷ lục kể từ tháng 2/2012 đến nay. Mức giá “khủng” này khiến dư luận trong nước rất bức xúc.

Lý giải về giá gas tăng mạnh, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, nguyên nhân giá gas tăng chủ yếu chịu áp lực từ thị trường thế giới.

Trong khi đó, thị phần gas sản xuất trong nước đang chiếm khoảng 57,68%, còn lại là nhập khẩu, tính trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng 52.160 tấn gas để bù vào nguồn cung thiếu hụt.

Ước tính giá gas trên thị trường thế giới tại thời điểm hiện nay đang chào bán ở mức trên 1.000 USD/tấn, tăng khoảng 274 USD/tấn so với hồi đầu tháng 11. Với mức giá tăng mới này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên 480.000-510.000 đồng/bình 12kg (tùy từng thương hiệu gas - PV), đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.

Theo ông Quyền, mặt hàng khí hóa lỏng (LPG) tuy thuộc danh mục bình ổn, có kê khai giá, đăng ký giá, nhưng lại do thị trường quyết định. Do vậy, khi biến động các thông số đầu vào, doanh nghiệp đầu mối chỉ trình liên bộ Tài chính - Công thương xem xét, nếu đảm bảo đúng quy định thì giá sẽ được điều chỉnh. “Thuế nhập khẩu mặt hàng này đang ở mức 5% nếu điều chỉnh giảm sẽ hỗ trợ giá tốt hơn cho người tiêu dùng trong thời điểm này”, ông Quyền kiến nghị.

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, việc kiểm soát giá gas trong nước phải xuất phát từ chính khâu phân phối chứ không thể chỉ quản lý giá đầu vào. Bà Thoa cho rằng, hệ thống phân phối gas hiện qua nhiều khâu trung gian nên giá cả tới tay người tiêu dùng bị đội lên.

Chính vì vậy, ngoài yếu tố bất khả kháng là đầu vào tăng, bà Thoa yêu cầu Vụ Thị trường trong nước làm việc với Bộ Tài chính và Cục Quản lý thị trường để kiểm soát chặt giá phân phối đảm bảo mức giá hợp lý đến tay người tiêu dùng. “Cần kiểm soát giá gas trong nước ngay từ khâu phân phối, giảm khâu trung gian, giảm đầu cơ, không để lũng đoạn thị trường gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng”, bà Thoa nói.

Xuất khẩu lập kỷ lục mới

Đánh giá bức tranh xuất nhập khẩu 11 tháng qua, lãnh đạo Bộ Công thương nhận định, xuất khẩu vẫn còn nhiều cơ hội để bứt phá và đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Ước tính tháng 12, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) có khả năng đạt 12,5 tỷ USD.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kết thúc năm 2013, KNXK cả nước có thể đạt khoảng 133,5 tỷ USD (tăng 16,6% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm) và kiểm soát nhập siêu có thể quanh mức 300 triệu USD.

Theo ông Chinh, đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm và mức tăng trưởng trong 11 tháng qua đạt tới 3% (trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức tăng 0,8%). Đặc biệt, lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối dần đi vào quỹ đạo ổn định, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.


kyanh

Cùng chuyên mục
XEM