EVN vẫn 'mạnh tay' chi khen thưởng dù thua lỗ hàng nghìn tỷ

08/10/2013 11:27 AM |

Tổng công ty truyền tải điện công bố thua lỗ hàng nghìn tỷ nhưng đơn vị thành viên vẫn trích quỹ khen thưởng hàng tỷ đồng.

Nội dung nổi bật:

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, EVN đã thực thi nhiều hoạt động sai quy định: 

- Tính khấu hao tài sản sớm, dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất điện.

- Hạch toán nguồn vốn khấu hao cơ bản sang nguồn vốn do phát hành trái phiếu doanh nghiệp của EVN, làm tăng chi phí sản xuất điện.

- Xác định nhiều hạng mục đất, nhà ở, biệt thự vào chi phí của dự án. Mua xe ô tô quá số tiền quy định với đơn vị.

- Tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi dù kinh doanh lỗ dẫn đến không trả được, thậm chí chịu lỗ cho cả doanh nghiệp nước ngoài.



Thậm chí gánh lỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được EVN xem như yếu tố để tăng giá thành điện.

Làm tăng chi phí sản xuất điện

Kết luận thanh tra nêu rõ theo quy định của Bộ Tài chính, thời điểm trích khấu hao đối với tài sản là thời điểm tài sản sẵn sàng sử dụng. 

Tuy nhiên, tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện Sơn La được xác định thời điểm khấu hao tài sản là thời điểm kết thúc thử nghiệm mang tải 72 giờ; tổ máy số 2, 3, 4 của Nhà máy thủy điện Sơn La, các tổ máy của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak là thời điểm bắt đầu thí nghiệm đấu nối hòa đồng bộ tổ máy vào lưới điện quốc gia.

Theo quy định, các nhà máy thủy điện phải tiến hành thí nghiệm mang tải 72 giờ, chạy thử thách 30 ngày và khắc phục các tồn tại, nếu đạt yêu cầu mới chính thức được các bên ký biên bản nghiệm thu để vận hành và phát điện thương mại (thời điểm tài sản sẵn sàng sử dụng). 

Việc tính khấu hao tài sản sớm của các nhà máy trên đã dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất điện tại các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc.

Đáng chú ý, EVN đã hướng dẫn sáu đơn vị gồm Ban quản lý dự án thủy điện 1, 2, 4, 5, 6 và công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án điện đã hoàn thành, đang phát điện vào lưới điện quốc gia từ nguồn vốn khấu hao cơ bản sang nguồn vốn do phát hành trái phiếu doanh nghiệp của EVN với tổng số tiền trên 1.600 tỷ đồng. 

Do thay đổi nguồn vốn hình thành tài sản nên lãi trái phiếu tương ứng số tiền 223 tỷ đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm, làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhằm hoàn thành mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2015 đạt khoảng 194-210 tỷ kWh, năm 2030 đạt khoảng 695-834 tỷ kWh (kể cả nhập khẩu điện từ Trung Quốc), trong giai đoạn từ năm 2005 đến tháng 7/2012, EVN đã và đang đầu tư 42 dự án nguồn điện với tổng mức đầu tư trên 425.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai có 20 dự án chậm tiến độ dẫn đến thiếu nguồn điện cung cấp cho an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh và làm tăng chi phí đầu tư dự án. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc tăng giá thành điện khi dự án đi vào hoạt động.

Không những vậy, tại sáu dự án nguồn điện gồm Nhiệt điện Ô Môn 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Hải Phòng 1, Nhiệt điện Quảng Ninh 1 đều có hạng mục “Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nằm trong giá trị đầu tư của dự án. 

Tuy nhiên, đây là đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis... với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.

Tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), đơn vị này đã xác định giá trị tài sản trên đất, giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 90 Lý Thường Kiệt, phường 9, quận Tân Bình, tương ứng số tiền hơn 62 tỷ đồng để trích khấu hao là sai. Khu đất này trên thực tế là sử dụng để góp vốn dự án xây dựng cao ốc.

Tương tự, EVN HCMC được cơ quan có thẩm quyền giao đất đầu tư dự án bất động sản tại vị trí Nhà máy nhiệt điện Chợ Quán nhưng lại hạch toán các chi phí liên quan đến thực hiện dự án với số tiền gần 7,5 tỷ đồng vào chi phí sản xuất kinh doanh điện mà không tổng hợp, hạch toán vào chi phí đầu tư của dự án.

Đối với việc quản lý, sử dụng ô tô, Thanh tra Chính phủ xác định EVN đã mua hai xe Toyota LandCruise với giá trị gần 5,1 tỷ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chung. Tuy nhiên, theo quy định thì EVN chỉ được mua ôtô hai cầu với mức giá tối đa là 1,04 tỷ đồng/xe. Như vậy, EVN mua ôtô vượt mức quy định hơn 3 tỷ đồng.

Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã mua sáu xe Toyota Camry 2.4G để phục vụ hoạt động kinh doanh, vượt giá quy định hơn 2,2 tỷ đồng.

Chỉ trong thời gian ngắn, giá điện đã tăng bảy lần và EVN đưa ra lý do là thua lỗ, giá đầu vào tăng... Trong ảnh: Gắn điện kế cho khách hàng ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

Kinh doanh thua lỗ vẫn trích thưởng

Theo Thanh tra Chính phủ, việc xây dựng kế hoạch tiền lương hằng năm được EVN tiến hành vào cuối năm thực hiện, trong khi đó theo quy định phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền vào quý 1 hằng năm. EVN xây dựng định mức lao động chưa chính xác, chậm sửa đổi nên có sự chênh lệch lớn giữa lao động định mức và lao động thực tế sử dụng.

Cụ thể, cuối năm 2009 EVN trình với cơ quan có thẩm quyền số lao động vượt 45% so với số thực tế sử dụng. Năm 2010, lao động mà EVN làm định mức cũng vượt 51,5%. Điều này dẫn đến việc xác định tổng quỹ lương kế hoạch và tổng quỹ lương thực hiện không chính xác.

Đối với thu nhập và tiền lương trong các năm 2010, 2011 của EVN và các đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ xác định do định mức lao động giữa kế hoạch và thực tế không chính xác, quy chế chia lương của EVN chưa phù hợp dẫn đến thu nhập của khối kinh doanh điện trong EVN có chênh lệch lớn.

Năm 2010, thu nhập của khối văn phòng EVN cao gấp 2,9 lần khối phát điện, 2,44 lần khối truyền tải và 3,78 lần khối phân phối.

Không những thế, tại các tổng công ty thành viên, mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn trích thưởng cho nhân viên.

Cụ thể, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng các đơn vị trực thuộc vẫn tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Do kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2011 nên không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng phúc lợi và bù đắp khoản chi này.

Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng tạm ứng quỹ gần 5,4 tỷ đồng khen thưởng nhưng do lỗ năm 2011 nên không có tiền bù đắp khoản chi quỹ.

Chịu lỗ cho cả doanh nghiệp nước ngoài

Đặc biệt hơn, EVN đã ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sắt thép, ximăng khi bán điện cho những đơn vị này với giá thấp hơn giá bán điện bình quân. Trong đó, giá bán bình quân cho ngành ximăng là 1.059,10 đồng/kWh và ngành sắt thép là 1.105,35 đồng/kWh.

Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân của EVN trong năm 2011 là 1.274,32 đồng/kWh, chênh lệch tăng so với giá bán bình quân cho ngành ximăng là 215,22 đồng/kWh và ngành thép là 168,97 đồng/kWh.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, EVN phải chịu lỗ thay cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép, ximăng (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) số tiền hơn 2.100 tỷ đồng.

Bảy lần tăng giá điện từ năm 2009

Theo EVN, năm 2012 tổng doanh thu bán điện của tập đoàn này lên tới trên 143.000 tỷ đồng (tức khoảng 7 tỷ USD), lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng.

Với lần tăng giá điện 5% từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân của VN lên mức 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, kể từ năm 2011, EVN đã tăng giá năm lần (hai lần tăng năm 2011, hai lần tăng năm 2012).

Nếu tính từ năm 2009, số lần tăng là bảy lần.

Đáng lưu ý, trong nhiều lần tăng giá EVN đều khẳng định giá điện vẫn thấp hơn giá thành. EVN phải chịu lỗ, gặp khó khăn lớn do giá các nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Như lần tăng giá từ 1/8/2013, EVN cho biết việc điều chỉnh giá là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng do tăng giá than và giá khí (giá than từ ngày 20/4/2013 tăng 37-41% tùy loại than).

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM