EVN tính sai tác động của giá điện?
26/08/2013 15:49 PM
|
Giá điện tăng, ngân sách 'bù' ngàn tỷ/năm, tỷ lệ nghèo vẫn tăng.
“Đối với người thu nhập thấp và người nghèo thì khi giá điện tăng, các đối tượng này không bị ảnh hưởng gì”, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói về tác động của đợt tăng giá điện gần đây nhất (đầu tháng 8/2013).
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì thực tế không hoàn toàn đúng như vậy.
Mô hình nghiên cứu của CIEM thực hiện mô phỏng theo 2 kịch bản điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện.
Kịch bản 1: giá xăng dầu tăng 10% và giá điện tăng 5%.
Dự tính mức trợ cấp để các hộ nghèo duy trì phúc lợi ban đầu lên tới 48.700 đồng/hộ/tháng trong ngắn hạn và 53.600 đồng/hộ/tháng trong dài hạn (theo đơn giá năm 2010).
Với số lượng khoảng 2 triệu hộ dưới chuẩn nghèo như hiện nay, chi phí trợ cấp bù đắp thiệt hại cho người nghèo do tăng giá điện và xăng ước khoảng 97,4 tỷ đồng/tháng (khoảng 1.168,8 tỷ đồng/năm) trong ngắn hạn, và khoảng 107,2 tỷ đồng/tháng (1.286,4 tỷ đồng/năm) trong dài hạn.
Kịch bản 2: giá xăng dầu và giá điện cùng tăng 10%.
Dự tính trợ cấp cho mỗi hộ nghèo lên tới 57.100 đồng/hộ/tháng trong ngắn hạn, và 62.900 đồng/hộ/tháng trong dài hạn.
Tính chung cho 2 triệu hộ dưới chuẩn nghèo, chi phí trợ cấp khoảng 114,2 tỷ đồng/tháng (tức 1.370,4 tỷ đồng/năm) trong ngắn hạn, và khoảng 125,8 tỷ đồng/tháng (tức 1.509,6 tỷ đồng/năm) trong dài hạn.
Thực chất, chi phí bảo đảm an sinh cho hộ nghèo thực chất chính là chi phí mà ngân sách nhà nước gián tiếp bù lỗ cho DN trong các ngành kinh doanh hàng hóa có vị thế độc quyền.
Chưa kể việc ngân sách bù đắp thu nhập cho hộ gia đình cũng không giúp họ đạt được phúc lợi ban đầu.
Trong kịch bản 1, khi giá tăng dù ngân sách bù đắp phúc lợi cho hộ nghèo thì tỷ lệ nghèo vẫn tăng khoảng 0,65 điểm phần trăm trong ngắn hạn, và 0,7 điểm phần trăm trong dài hạn.
Còn với kịch bản thứ hai, mức tăng tương ứng là 0,78 điểm phần trăm và 0,88 điểm phần trăm.
Dù ráo riết xây dựng các phương án tăng giá điện theo giá thị trường, song dường như bản thân EVN và các cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chưa có đủ thông tin (hay cố tình không tiếp nhận thông tin?!) để tính đúng, tính đủ tác động của giá điện tới đời sống xã hội.
Được biết, giữa tháng 9 tới đây, Bộ Công Thương dự kiến phối hợp với Hiệp hội Năng lượng tổ chức hội thảo lớn về giá năng lượng và những vấn đề có tính chất chiến lược trong vận hành giá năng lượng.
Theo Ngọc Khanh
Theo Thời báo ngân hàng
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!