Đủ 'chiêu' lừa hàng đại hạ giá cuối năm

22/01/2014 10:33 AM |

Sản phẩm lỗi mốt, chất lượng kém được nâng giá rồi gắn mác xả hàng, thanh lý cuối năm... là những “chiêu” đánh lừa người tiêu dùng hám rẻ.

Nội dung nổi bật:

- Những ngày cận Tết, nhiều con phố bán quần áo ở Hà Nội: Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Nguyễn Lương Bằng... trưng đủ loại biển hấp dẫn: “Xả hàng cuối năm”, “xả hàng Tết giá sốc”, “mua 1 tặng 1”, “giảm giá 70%”.

- Nhiều cửa hàng giảm giá “sốc”, nhưng kỳ thực mặt hàng đều dễ dàng tìm thấy ở ngoài chợ với chất lượng như nhau (chỉ khác mỗi giá cả). 

- Hiện nay, tâm lý người Việt Nam không mặn mà với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, vì vậy nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ nước này được gắn mác Việt Nam.



Vừa khai trương đã treo biển “xả hàng”

Cách đây vài ngày, một video clip cho thấy khung cảnh hỗn độn khi hàng trăm người la hét, quẫy đạp để giành giật quần áo giảm giá tại một của hàng “giảm giá sốc” trên đường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên). Cảnh tượng này cũng không lạ trên một số tuyến phố ở Thủ đô.

Những ngày cận Tết, nhiều con phố bán quần áo ở Hà Nội: Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Nguyễn Lương Bằng... trưng đủ loại biển hấp dẫn: “Xả hàng cuối năm”, “xả hàng Tết giá sốc”, “mua 1 tặng 1”, “giảm giá 70%”... 

Người dân lựa chọn quần áo giảm giá cuối năm trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Như ý

Để tìm hiểu các sản phẩm khuyến mại, PV Tiền Phong đã tới hàng loạt cửa hàng treo biển “xả hàng dịp Tết” trên đường Cầu Giấy. Cửa hàng rộng chừng 20m2 với 2 nhân viên nữ bán hàng. Quần áo chia làm nhiều loại gắn giá tiền cụ thể.

Một nhân viên nữ đon đả mời: “Giá tại cửa hàng này đảm bảo rẻ nhất Hà Nội. Chị chấp nhận bán lỗ để sang năm nhập hàng mới. Đây là dịp cuối cùng xả hàng, mua chậm sẽ hết, không còn hàng đẹp”.

Vô lý nhất, có không ít cửa hàng, vừa khai trương đã treo biển “xả hàng”, “bán lỗ thu hồi vốn”... Một khách hàng nữ vào cửa hàng, tay mân mê chiếc áo len cổ tím màu đỏ được gắn 2 giá, giá cũ 260.000 đồng, giá mới 170.000 đồng.

Chất liệu áo len không có gì đặc biệt, xuất xứ được nhân viên cho biết nguồn Trung Quốc buôn từ Lạng Sơn. Vị khách này sau khi mua áo “hàng xả” đã cùng PV Tiền Phong lên chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) so sánh.

Chủ cửa hàng bán quần áo Nguyễn Thị Hoa (tầng 1 tại chợ) cho biết, giá bán buôn: 120.000 đồng/chiếc với ba màu: Xanh, đỏ, kem và không bán mặc cả; giá bán lẻ: 140.000 đồng/chiếc. Quầy bán hàng của chị không treo biển giảm giá, khuyến mại.

Tôi buôn bán ở đây 10 năm. Tiểu thương các chợ, cửa hàng trên phố đều nhập về bán. Ngoài chợ thường bán rẻ hơn cửa hàng bởi tiền thuê cửa hàng, nhân viên rẻ hơn...”, chị Hoa nói.

Như vậy, với chiếc áo len, dù cửa hàng trên phố gắn xả hàng, nhưng vẫn đắt hơn ngoài chợ Đồng Xuân 30.000 đồng. Không ít người sau khi mua loại xả hàng về, giặt vài nước chỉ có thể dùng làm giẻ lau nha.

“Của rẻ là của ôi”

Mùa này, phố Chùa Bộc (Hà Nội) được mệnh danh là “thủ phủ” quần áo giảm giá. Nhiều cửa hàng bày sản phẩm giảm giá la liệt trên vỉa hè. Tại cửa hàng quần áo treo biển “Giảm giá cuối năm” gần Học viện Ngân hàng, PV Tiền Phong nhìn mác gắn giảm giá lên tới 70% với chiếc áo dạ. 

Theo đó, chiếc áo này có giá cũ hơn 1 triệu đồng, sau khi giảm giá chỉ còn 300.000 đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, đây là loại lỗi mốt, kiểu dáng xấu, đường chỉ may lệch. Người bán hàng mách nước với khách mua: “Loại hàng này mua về tặng các cụ ở quê rất hợp. Kinh tế khó khăn, tiền đâu mà mua đồ xịn. Vẫn là quần áo mới, nhưng giá đại hạ đấy thôi. Không nói ra, ai biết”.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, nhiều cửa hàng giảm giá “sốc”, nhưng kỳ thực mặt hàng đều dễ dàng tìm thấy ở ngoài chợ với chất lượng như nhau (chỉ khác mỗi giá cả)

“Để đánh vào tâm lý của khách hàng ưa hàng giảm giá, nhiều cửa hàng dùng chiêu trò giảm giá để kích cầu. Người tiêu dùng nên thận trọng bởi các cụ vẫn thường có câu của rẻ là của ôi”

Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Một nhân viên bán thuê tại cửa hàng giảm giá trên phố Chùa Bộc tiết lộ: “Cửa hàng thuê với giá 20 triệu đồng/tháng, lương nhân viên 2,5 triệu đồng/tháng/người do đó biển quảng cáo giảm giá chỉ là chiêu trò để thu hút khách hàng tới mua. Nhiều khách mua một lần và không quay lại. Đa số khách hàng đến mua là sinh viên nên không thắc mắc nhiều”.

Chiều 21/1, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết: Hiện nay, tâm lý người Việt Nam không mặn mà với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, vì vậy nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ nước này được gắn mác Việt Nam.

Để hấp dẫn khách hàng, nhiều cửa hàng treo biển quảng cáo giảm giá các kiểu. Người tiêu dùng nên cảnh giác.

“Để đánh vào tâm lý của khách hàng ưa hàng giảm giá, nhiều cửa hàng dùng chiêu trò giảm giá để kích cầu. Người tiêu dùng nên thận trọng bởi các cụ vẫn thường có câu của rẻ là của ôi”, ông Hùng nói.


Theo Ngọc Mai- Quỳnh Nga

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM