Dồi dào hàng hóa phục vụ Tết

19/01/2016 08:37 AM |

Sau nhiều tháng tích cực chuẩn bị, đến nay các doanh nghiệp (DN) sản xuất, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng nguồn hàng hóa với giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp trước, trong và sau tết Bính Thân 2016.

Để bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của không chỉ 7 triệu người dân Thủ đô và khoảng 4 triệu lượt người từ các tỉnh, thành phố khác về tham quan, mua sắm, Sở Công thương Hà Nội đã chủ động chỉ đạo, phối hợp các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 20% so với năm trước.

Các DN SXKD bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, sữa… dự trữ lượng hàng hóa trị giá khoảng 6.748 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố SXKD các nhóm hàng hóa phục vụ Tết như nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo… với tổng giá trị hơn 2.081 tỷ đồng. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 21.610 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, các đơn vị thuộc Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 5% so với Tết năm trước, trong đó tập trung vào những mặt hàng truyền thống, thiết yếu như giò, chả, bánh chưng, gà ta, gạo đặc sản, dầu ăn, nước mắm, rượu bia…

Ngoài ra, Hapro sẽ tổ chức 70 điểm bán hàng bình ổn giá trong hệ thống bán lẻ tại Hà Nội từ ngày 4/1 đến ngày 23/1/2016, đồng thời chỉ đạo các DN thành viên thực hiện nghiêm chương trình bình ổn giá. Mọi điều chỉnh về giá bán các nhóm mặt hàng tham gia bình ổn đều phải báo cáo và được Tổng công ty chấp thuận mới được phép thực hiện.

Trong những ngày giáp Tết, các địa điểm kinh doanh của Hapro sẽ tăng giờ bán hàng, phục vụ đến 22h. Trong các ngày mùng 1, 2, 3 Tết, Hapro sẽ mở 4-5 điểm bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Mùng 4 Tết, tất cả các cửa hàng mở cửa trở lại bình thường.

Hệ thống siêu thị Co.opmart đã chuẩn bị hơn 95.000 tấn hàng hóa phục vụ Tết, tăng 2-3 lần so với bình thường. Lượng hàng bình ổn giá tăng 5-30% tùy nhóm hàng, các mặt hàng còn lại tăng 10-20%.

Hệ thống siêu thị Big C cũng đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phong phú tăng hơn 15% so với năm trước, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ như giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp…

Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho biết, từ ngày 15/12/2015 đến ngày 7/2/2016, Big C tiếp tục triển khai cam kết "khóa giá" với tất cả mặt hàng tiêu dùng (trừ các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh, sữa, rượu, bia…) và các sản phẩm dệt may, điện máy, đồ gia dụng.

Những mặt hàng này hiện chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa tại siêu thị. Công ty CP Bánh kẹo Tràng An đã chuẩn bị nguồn hàng các loại, phong phú, bảo đảm hàng hóa dồi dào phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và cam kết không có biến động về giá.

Sở Công thương đã chỉ đạo các DN trên địa bàn tổ chức dự trữ và bán ra thường xuyên, liên tục các mặt hàng thiết yếu tại 1.165 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố; triển khai 179 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân tại 18 huyện ngoại thành; đồng thời, phối hợp với các quận, huyện khảo sát, giới thiệu 59 điểm tại 12 quận, huyện để các DN khảo sát và tổ chức bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân.

Sở Công thương cũng đã phối hợp với các sở, ngành chức năng cấp phép cho 103 xe ô tô chuyên chở các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu được hoạt động 24/24h trong khu vực nội thành để bảo đảm vận chuyển kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân Thủ đô trong dịp tết Nguyên đán 2016.

Tại hội nghị về công tác cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2015 và tết Nguyên đán Bính Thân 2016 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để bảo đảm tốt an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và bảo đảm cung ứng hàng hóa trong dịp Tết trên địa bàn Thủ đô, từ nhiều tháng qua, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt.

Ngoài việc chuẩn bị tốt lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp trước, trong và sau Tết, thành phố còn dành hơn 400 tỷ đồng hỗ trợ những người có công, các gia đình chính sách, các hộ nghèo trên địa bàn thành phố đón Tết truyền thống của dân tộc vui tươi, đầm ấm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, các DN phải cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng, xuất xứ rõ ràng; mở rộng mạng lưới bán hàng, trong đó ưu tiên khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc, các khu công nghiệp… tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau xanh, điện, nước, ga.

Sở Công thương, Giao thông - Vận tải, Công an thành phố cần tạo thuận lợi để DN cung ứng kinh doanh hàng Tết; không để xảy ra tình trạng kiểm tra tràn lan, không có căn cứ, gây phiền hà cho DN. Sở Công thương cần chú trọng liên kết với các tỉnh, thành phố để hỗ trợ DN Hà Nội tìm kiếm, khai thác hàng hóa phục vụ nhân dân; đồng thời, hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ hàng hóa.

Cùng chuyên mục
XEM