Doanh nghiệp “ngạt thở” vì trần chi phí quảng cáo

13/04/2013 17:46 PM |

So với luật hiện hành, dự thảo Luật thuế thu nhập DN sửa đổi đã điều chỉnh mức khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi từ 10% lên 15% và bỏ các khoản chi phí chiết khấu thanh toán… dự kiến sẽ trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 5/2013.

Nhưng tại hội nghị lấy ý kiến về luật này, các DN cho rằng mức này vẫn chưa hợp lý và cần phải dỡ bỏ hoàn toàn mức giới hạn này, bởi “trần” quá thấp khiến DN ngạt thở.

Về bản chất chi phí quảng cáo, khuyến mãi hoàn toàn giống với các chi phí bán hàng khác

Mức tính này được các DN gọi là “một mình một chợ” vì kết quả khảo sát của Bộ Tài chính tại 50 nước trên thế giới cho thấy, chỉ có VN và Trung Quốc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… 

Tuy nhiên, mức khống chế này ở Trung Quốc là 15% trên tổng doanh thu hằng năm nhưng một số ngành như: mỹ phẩm, dược, nước giải khát… được phép khấu trừ tối đa 30% doanh thu hằng năm. Số vượt mức khống chế có thể được chuyển sang khấu trừ vào các năm tiếp theo

Lợi bất cập hại

Phần lớn các DN khi được lấy ý kiến đều cho rằng, việc khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi là “lợi bất cập hại” đối với cả DN lẫn người tiêu dùng và nền kinh tế. Tác hại dễ nhìn thấy nhất là làm hạn chế DN xây dựng và quảng bá thương hiệu, VN sẽ rất khó có được những thương hiệu lớn, mang tầm quốc tế. Bên cạnh đó, trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm của các Cty trong nước sẽ bị thua nhiều nhãn mác hàng hóa cùng loại do DN FDI sản xuất ngay tại thị trường trong nước.

Nhà nước có khống chế thì DN FDI vẫn thực hiện quảng cáo, tiếp thị theo chiến lược chung của Cty mẹ. Trong khi đó, với các DN trong nước muốn vươn ra nước ngoài, việc khống chế sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường vì khó cạnh tranh với các DN FDI không bị khống chế chi phí này. 

Ngoài ra, việc khống chế chi phí quảng cáo còn làm hạn chế cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Trong khi đó, với nền kinh tế chính sách này gây ra nhiều tác hại, đó là hạn chế năng lực cạnh tranh quốc gia và ảnh hưởng khả năng thu hút FDI…

Chưa kể, mỗi một ngành kinh tế có nhu cầu quảng cáo khác nhau, chẳng hạn ngành hàng bán lẻ, ngân hàng , hàng tiêu dùng (dệt may, điện tử, thực phẩm…) cần quảng cáo nhiều hơn và thường xuyên hơn so với các ngành công nghiệp nặng như sắt thép, xi măng... Vì vậy quy định chung một mức khống chế là không phù hợp với thực tế của các ngành khác nhau.

Hơn nữa, trong khi VCCI và các Hiệp hội ra sức tổ chức các khóa đào tạo nâng cấp cho DN về quản trị kinh doanh trong cơ chế thị trường, trong đó nhấn mạnh quảng bá, tiếp thị... là khoản đầu tư để thúc đẩy doanh thu bán hàng và xây dựng thương hiệu trên thị trường. Trong khi đó quy định của Nhà nước lại liệt khoản này vào chi phí và bị khống chế theo % của chi phí chứ không phải doanh thu. Do vậy, rất khó đổi mới nếu chế tài của Nhà nước không đổi mới theo.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng, về bản chất chi phí quảng cáo, khuyến mãi hoàn toàn giống với các chi phí bán hàng khác. 

Hơn nữa, theo theo quy định trong các thông tư hiện hành, một số khoản chi phí cũng mang tính chất quảng cáo, giới thiệu sản phẩm như: chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tổ chức hội chợ, triển lãm… lại không chịu mức khống chế nói trên trong khi về mặt bản chất lại không khác nhau nhiều các khoản chi khuyến mãi, quảng cáo, tiếp thị…  “Đây là sự phân biệt đối xử cần phải hạn chế, nhất là trong tiến trình hội nhập quốc tế” - ông Tuấn nói.

Ông Preben Hjorlund, Chủ tịch Eurocham còn cho rằng: “Việc tháo bỏ trần chi phí quảng cáo sẽ khuyến khích DN FDI đầu tư sản xuất ở VN thay vì NK hàng thành phẩm, bởi rào cản về hạn chế mức khấu trừ thuế các chi phí quảng cáo, tiếp thị làm chi phí sản xuất trong nước cao hơn so với NK hàng thành phẩm…”.

Nên để DN tự quyết định

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI, việc "trói" DN bằng chi phí quảng cáo như trên sẽ là một trong những điểm mấu chốt khiến các DN không tiếp cận được thị trường. Bởi việc khống chế trần chi phí quảng cáo có thể hợp lý vào thời điểm trước để bảo vệ những DN "siêu nhỏ" nhưng khi VN gia nhập WTO, việc đảm bảo tài chính cho các DN để cạnh tranh là cần thiết.

"Việc giữ quy định như hiện hành khiến DN có sức ỳ vì họ thấy không được trừ chi phí quảng cáo nên sẽ quảng bá yếu ớt và ít khuyến mãi kích cầu" - bà Hằng nói.

Đồng tình, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN cho rằng, cần bãi bỏ mức giới hạn này hoặc mức khống chế phải được nâng lên 15 – 20% tổng doanh thu của DN kèm theo lộ trình dỡ bỏ hoàn toàn. “Những quy định tại dự thảo lần này tuy có “nới” hơn so với quy định hiện hành, tuy nhiên cộng đồng DN vẫn khá thất vọng với những con số nêu trên” - bà Loan chia sẻ.

Thực tế  trên thế giới các DN càng lớn và có nhiều kinh nghiệm kinh doanh càng chi phí nhiều cho quảng cáo. Ví dụ, năm 1997 General Motors chi 3 tỉ USD (chiếm 2% doanh số của hãng trong năm này), hãng Sears chi 1,2 tỉ USD (chiếm 3% doanh số)… Còn ở VN, doanh thu hàng năm từ ngành quảng cáo trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng cũng lên tới hàng ngàn tỉ. Lấy ví dụ trên để thấy rằng, quảng cáo, tiếp thị là một phần rất quan trọng trong sự phát triển của một DN hay thương hiệu. Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN cần có quyền chủ động với chi phí thực tế, xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu để tăng sức mạnh.

Cùng quan điểm, PGS TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP cho rằng, VN là một trong ít nước trên thế giới có quy định về mức khống chế đối với quảng cáo và khuyến mãi. Do vậy, nếu bỏ giới hạn mức chi phí hợp lý thì vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của DN, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác.

Thiết nghĩ, chính sách thuế của một đất nước không nên hạn chế DN chi tiêu cho các khoản chi về quảng cáo và khuyến mãi. Vì vậy, đã đến lúc gỡ bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi, điều này có thể làm cho ngân sách nhà nước giảm một khoản thu thuế từ thu nhập DN trong ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ được bù đắp qua các nguồn thu khác chẳng hạn như: quảng cáo, in ấn, dịch vụ phụ trợ thiết kế, trưng bày giới thiệu sán phẩm… 

Do vậy, không nên tiếp tục theo đuổi chính sách tận thu mà DN cần những chính sách, biện pháp cởi mở để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN phát triển.
 
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT, Cty cổ phần quốc tế Sơn Hà: 
Nên bỏ dần theo lộ trình

Tôi không hiểu tại sao lại cho rằng phải khống chế mức phí quảng cáo, khuyến mãi, nếu bảo rằng các DN sẽ dồn các chi phí vào chi phí quảng cáo làm cho chi phí này tăng cao, ảnh hưởng tới người tiêu dùng là điều không đúng, vì suy cho cùng chi phí quảng cáo cũng là một chi phí. Các DN bây giờ được tự do cạnh tranh, nếu DN này bán cao thì sẽ không cạnh tranh được với các DN khác, cạnh tranh nhau bằng chất lượng tốt hơn, dịch vụ rẻ hơn và giá thành rẻ hơn.Luôn luôn là như vậy.

Chúng ta nên tạo một sân chơi lành mạnh, minh bạch, chuyên nghiệp và công bằng cho tất cả các thành phần. Khi đó tất cả các DN sẽ cạnh tranh sòng phẳng theo đúng mong muốn của nhà quản lý. Vì vậy, tôi cho rằng không nên khống chế khoản này, nếu vẫn còn những lo ngại thì các nhà chính sách có thể cân nhắc, nới dần khoảng 15-20% trên doanh thu chứ không phải trên chi phí. Tuy nhiên phải có lộ trình để đến một thời điểm nào đó có thể bãi bỏ hoàn toàn định mức vô lý này.

Ông Đinh Trịnh Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: 
Sau 2-3 năm có thể bỏ “mức rào”

Nhà nước rất quan tâm tới các DN, nhất là các DNNVV, 3 năm gần đây nhất khi nền kinh tế khó khăn, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn xem xét miễn, giảm, dãn thuế cho các DN.

Có lẽ là phải định nghĩa lại về chi phí quảng cáo, cần phải có những giải pháp để quản lý khoản chi phí này hiệu quả, tránh việc đẩy lợi nhuận của DN sang khoản phí quảng cáo.Tạm thời gạt bớt phần nào không phải là quảng cáo ra ngoài, còn chi phí quảng cáo chưa quản lý được chúng ta phải chấp nhận ở mức 15%. Theo đó sẽ phải có lộ trình, kiến nghị có lộ trình trong khoảng 2-3 năm thì bỏ “mức rào” này. Nếu cơ quan quản lý chuẩn bị đủ các giải pháp để quản lý được thì có thể bỏ, lúc đó sẽ minh bạch hơn.

Chúng tôi tiếp thu những kiến nghị của các hiệp hội DN. Nguyên tắc sửa đổi luật vẫn được quán triệt là phải khắc phục được nhược điểm luật đã ban hành, cụ thể, đơn giản và dễ hiểu.

Ông Trần Đức Chính - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Dược VN: 
“Rào cản” phát triển DN

Việc giảm thuế, bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo sẽ làm Luật thuế VN giống Luật thuế của các nước khác, tạo sự bình đẳng và tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Vì vậy, sẽ thu hút thêm được đầu tư FDI và khuyến khích DN FDI đã đầu tư vào VN mở rộng quy mô đầu tư. Bên cạnh đó, nó còn khuyến khích đầu tư sản xuất tại VN thay vì nhập khẩu hàng thành phẩm, tăng khả năng sinh lợi nhuận cho DN từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách. Phát triển lĩnh vực mới của nền kinh tế đó là quảng cáo, do vậy tăng thêm việc làm cho ngành truyền thông, quảng cáo và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước ở lĩnh vực này.

Theo tôi, nên xóa bỏ mức trần này, bởi nếu để ở mức 15%, có thể có DN năm nay không sử dụng hết trần cho phép là 15% nhưng ở giai đoạn khác, với sản phẩm chiến lược, chủ lực của DN thì trần 15% lại trở thành rào cản, trở thành nỗi bức xúc của DN.

Theo Quốc Anh

duchai

Cùng chuyên mục
XEM