Đến 'Thành phố vì hòa bình', nơm nớp lo mất cắp
10/05/2013 13:38 PM
|
Lợi dụng sơ hở của du khách nước ngoài và rào cản ngôn ngữ, đối tượng xấu đã móc túi, lấy đi tài sản lớn, đặc biệt là cả giấy tờ tùy thân khiến không ít du khách khổ sở.
Từ lâu, khu vực hồ Gươm luôn là điểm thu hút du khách trong nước và ngoài nước. Với đặc thù không gian mở, nên trong nội quy được niêm yết tại 10 điểm xung quanh hồ quy định “cấm bán hàng rong”.
Tuy nhiên, nơi đây những người bán hàng rong vẫn có thể qua lại. Một trong những thủ đoạn của những đối tượng móc túi là giả dạng bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch. Thậm chí, mới đây, tờ TTR Weekly của Thái Lan đã đăng tải một bài viết có tiêu đề: “Những bàn tay tàng hình ở phố cổ Hà Nội”, phản ánh tình trạng du khách bị những người hàng rong móc túi.
Câu chuyện mất hộ chiếu của một người phụ nữ Scotland là một ví dụ. Đứng bên phố cổ Hà Nội, chị vừa khóc vừa la to bằng tiếng Anh: “Ai lấy hộ chiếu của tôi vui lòng trả lại hoặc chỉ cho tôi cách nào lấy được. Tôi sẽ đưa thật nhiều tiền. Làm ơn! Có ai đó giúp tôi với!”.
Trên tay cô ấy là mấy tờ một trăm đôla Mỹ. Mọi người tụ tập rất đông nhưng không thấy ai nói năng hay giúp đỡ gì. Mặc dù biết nhóm người phụ nữ đã lấy hộ chiếu của mình nhưng chị không có cách nào nói chuyện được vì không biết tiếng Việt.
Cũng tại khu vực phố cổ, Tổ tuần tra công an phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bắt quả tang hành vi móc túi khách nước ngoài của đối tượng Lê Thị Bình. Bị hại là anh Koji Tanabe (sinh năm 1983, quốc tịch Nhật). Anh này đang đi trên đường thì Bình lao vào ôm chầm, khiến anh thanh niên người ngoại quốc ngỡ ngàng. Lợi dụng lúc anh này mất cảnh giác, Bình dùng tay móc trộm 1 điện thoại di động trị giá 4 triệu đồng.
Cách đây không lâu, công an phường Hàng Bạc đã tóm gọm đối tượng móc túi của du khách người Hàn Quốc. Vụ việc xảy ra ở phía trước nhà hát múa rối nước Thăng Long, chị Chin Umi cùng bạn là chị Jo Yuongmi đang chuẩn bị mua vé xem múa rối thì bất ngờ bị một thanh niên móc túi lấy cắp điện thoại iPhone 4S, rồi bỏ chạy. Chị Chin Umi chỉ biết hô hoán.
Tại nhiều thành phố du lịch của Việt Nam, tình trạng mất cắp cũng diễn biến phức tạp. Trước đó, công an TP. Huế cho biết vừa bắt giữ nhóm đối tượng chuyên trộm cắp tài sản người nước ngoài.
Cụ thể, trước đó, cơ quan này nhận tin báo của một du khách người Pháp tên là Juan Hercent bị kẻ gian móc túi lấy 600 Euro, trị giá khoảng 18 triệu đồng. Vị khách cho biết, khi đang rảo bước trên đường Chu Văn An, TP. Huế thì các đối tượng trên xúm lại mời ông mua bưu thiếp du lịch. Sau khi trả tiền xong, ông kiểm tra lại ví thì phát hiện mình đã bị kẻ gian móc túi lấy mất.
Bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách nước ngoài ở Hà Nội (ảnh ANTĐ)
Với thủ đoạn tương tự, trước đó, tại số 30 Phạm Ngũ Lão, TP. Huế, chúng đã móc trộm của một du khách khách nước ngoài lấy 91 USD.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ quan công an cũng đã bắt được nhóm người chuyên đi đến các khách sạn, quán bar trên địa bàn TP.Vũng Tàu để tìm khách nam người nước ngoài rủ vào khách sạn, nhà nghỉ để bán dâm và sau đó móc túi, chiếm đoạt tài sản của khách.
Còn ở TP HCM, theo thống kê của công an thành phố, trong năm 2011, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 56 vụ cướp giật tài sản của khách nước ngoài, tăng 21 vụ so với năm 2010. Riêng địa bàn quận 1, nơi tập trung nhiều du khách, chiếm tới 61% số vụ. Còn những vụ thực hiện không thành và những vụ không được du khách khai báo cũng lên đến hàng trăm vụ...
Không chỉ vậy, ngay cả những sự kiện lớn có lực lượng an ninh bảo vệ, tình trạng móc túi vẫn xảy ra. Đơn cử vụ việc Đại sứ Argentina bị kẻ gian móc túi lấy cắp điện thoại di động tại Festival Huế 2012. Kẻ móc túi đã lách vào đứng giữa ngài đại sứ và phu nhân, một tay giả vờ chụp ảnh còn tay kia móc điện thoại.
May mắn lúc đó, ngài Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ nước Cộng hoà Venezuela tại Việt Nam đứng ở phía đối diện, trong lúc lia máy chụp ảnh lễ hội đã tình cờ chụp được khoảnh khắc tên trộm thò tay móc điện thoại. TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo đối tượng 2 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”.
Hay vụ kẻ gian giật dây chuyền của các du khách Ấn Độ và móc hàng chục điện thoại di động tại Giải Cờ vua thế giới Vũng Tàu 2008 cũng đã làm mất hình ảnh Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế.
Có thể nói, nạn mất cắp tài sản của khách du lịch nước ngoài đã làm xấu đi hình ảnh này, gây bức xúc và mất thiện cảm đối với du khách; và hơn thế nữa, những hành động tiêu cực nêu trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch Việt Nam.
Chính vì thế, các địa phương mới đây mạnh tay đẩy mạnh trấn áp các đối tượng này. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản yêu cầu công an quận chỉ đạo các đội nghiệp vụ và công an các phường phối hợp với Ban quản lý khu vực Hồ Gươm, UBND các phường kiểm tra và xử lý kiên quyết, dứt điểm theo quy định của pháp luật các trường hợp người bán hàng rong đeo bám, “chặt chém” và tình trạng trộm cắp, móc túi khách du lịch, đồng thời bố trí lực lượng duy trì thường xuyên.
Trong văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, quận liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự du lịch, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công an thành phố tăng cường triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường trung tâm nơi du khách tham quan và kiểm soát gắt gao vào thời điểm đông khách để ngăn chặn kịp thời các hành vi móc túi, bắt chẹt khách, nhất là tại các quận 1, 3, 5; xây dựng quy chế phối hợp với Sở VH-TT&DL trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực du lịch.
Ðể khắc phục tình trạng này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh doanh du lịch cần có thêm các biện pháp bảo vệ và cảnh báo trước cho du khách nước ngoài để họ có ý thức đề phòng, nâng cao cảnh giác tự bảo vệ mình và tài sản.
Theo D.Anh
Theo Vietnamnet
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!