Đà Nẵng: Nhiều dự án lớn dậm chân tại chỗ
Tại Đà Nẵng, nhiều dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy gây khốn đốn cho người dân trong vùng dự án và chính quyền sở tại.
Bánh vẽ “thung lũng silicon”
Ở huyện Hòa Vang, tại dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung TP Đà Nẵng (Khu CNTTTT) do Tập đoàn Rocky Lai & Asscociates (Mỹ) làm chủ đầu tư, khung cảnh thật hoang tàn vì nhà dân bị đập phá ngổn ngang để nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, công trường không có lấy một bóng công nhân, không máy móc nào hoạt động. Chỉ có một máy múc, một máy ủi nằm phơi sương được đơn vị thi công tháo bình điện gửi nhờ nhà dân.
Ông Trần Bê (thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên) nói: “Bốn đội thầu thi công đã bỏ chạy vì chủ đầu tư không trả tiền cho họ. Có đơn vị phải bán cả xe để trả tiền lương cho công nhân. Công nhân phải bỏ tiền túi cầm cự chờ lương nhưng chịu không nổi đã bỏ đi hết”.
Dự án 278 triệu USD này chiếm hơn 340 ha được khởi công đầu năm 2013 với kỳ vọng là Khu CNTTTT mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên của Đà Nẵng vì nhà đầu tư vẽ lên bức tranh “sẽ là một thung lũng silicon của Đà Nẵng. Nó sẽ thu hút các nhà khoa học, kỹ sư, doanh nghiệp… nước ngoài đến làm việc”. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chỉ là bánh vẽ.
Dự án “thung lũng silicon” của Đà Nẵng giậm chân tại chỗ.
Dự án khu dân cư: Nợ ngập đầu!
Về dự án bất động sản, ở Đà Nẵng còn có hai dự án lớn của Tân Cường Thành là dự án khu dân cư Liên Chiểu và dự án khu đô thị Thien Park. Thế nhưng cả hai dự án này đều đang rơi vào cảnh nợ nần.
Khác với nét bề thế, khang trang do công ty này vẽ ra, phần lớn dự án đang bị bỏ không, cây dại mọc um tùm… Có mặt tại dự án Khu đô thị Thien Park (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), chúng tôi nhận thấy cả trăm hecta đất bị bỏ hoang từ lâu. Hệ thống đầu tư hạ tầng không có gì ngoài những con đường nhỏ đổ sỏi dăm và mấy bệ bê tông.
Theo quảng cáo của đơn vị chủ đầu tư (Công ty CP Tân Cường Thành), dự án có tổng diện tích hơn 150 ha được chia làm ba phân khu chính, trong đó có khu biệt thự hạng sang. Tổng vốn đầu tư cho dự án này hơn 1.600 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư từ các địa phương khác như Hà Nội, TP.HCM… đổ xô về đây mua đất. Nhưng ba năm qua, nhiều người mua đã đóng tiền mà vẫn mỏi mòn ngóng giấy đỏ.
Theo tìm hiểu, từ năm 2011, dù đã bán đất, thu tiền của người dân nhưng công ty không nộp tiền sử dụng đất (từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sang đất ở) cho TP Đà Nẵng. Số tiền mà doanh nghiệp nợ lên đến hơn 92 tỉ đồng. Vì thế cuối tháng 8-2014, TP Đà Nẵng đã hủy bỏ toàn bộ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với gần 80 ha thuộc dự án Khu dân cư Tân Hải Doanh ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cho Công ty Tân Cường Thành.
Khu nhà điều hành dự án khu đô thị Thien Park hoang phế suốt thời gian dài.
Dân lãnh đủ, chính quyền gặp khó
Trên công trường đang bỏ hoang của dự án Khu CNTTTT, ông Trần Bê kể: Năm 2011, nhà bị giải tỏa nhường đất cho dự án. Cầm số tiền bồi thường chỉ đủ mua lại nền tái định cư, xây nhà mới và cầm cự thời gian ngắn là hết sạch. “Cứ ngỡ cuộc sống sẽ khá hơn nhưng giờ lại quá tệ. Phải đi mót gạch (tại những ngôi nhà bị đập bỏ nhường đất cho dự án) kiếm sống” - ông Bê nói.
Ông Trần Đá, bạn mót gạch cùng ông Bê, cho biết: “Xuống khu tái định cư được hội nông dân chỉ cách làm nấm nhưng chẳng ai mua. Chúng tôi kéo nhau về nhà cũ cuốc đất trồng rau, dựng tạm cái chuồng nuôi bò, nuôi vịt kiếm cái ăn”.
Còn ông Bùi Hữu Huỳnh (57 tuổi, thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên), cựu chiến binh chiến trường Campuchia lại cho biết: “Sau ba năm cầm mấy trăm triệu đồng tiền bồi thường, giờ nghèo vẫn hoàn nghèo. Ở khu tái định cư chẳng biết làm gì nên ban ngày quay về nhà cũ thả gà, nuôi vịt. Tối lại quay về nhà ở tái định cư ở như ở trọ!”.
Còn với dự án nhà ở của Tân Trường Thành, vì chủ đầu tư “găm” giấy đỏ trong ngân hàng nên nhiều người dân đã đóng tiền mua đất dự án không thể xây nhà vì chưa có giấy đỏ. Có người làm liều xây chui trên đất của mình và nơm nớp lo sợ vì ban quản lý của dự án này đã bỏ chạy; văn phòng đại diện cũng đóng cửa. Không chỉ người dân mà chính quyền TP Đà Nẵng cũng chưa biết xử lý quyền lợi của người dân thế nào…
Quản lý lỏng lẻo?
Lý giải sự tháo chạy của các dự án bất động sản, TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, cho rằng thị trường bất động sản ở Đà Nẵng đã bắt đầu bão hòa, nhiều dự án không thu hút được nhà đầu tư. Ngoài ra do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên các dự án lớn cũng bị ảnh hưởng, doanh nghiệp không có vốn để triển khai. Với các trường hợp như Tân Cường Thành, cơ quan quản lý cần kiểm soát, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp gom tiền của dân, nợ thuế của Nhà nước rồi tìm đường tháo chạy.
Về Khu CNTTTT, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, thông tin: Nhà đầu tư đang gặp khó khăn về vốn cho nên gần như hoãn tiến độ. Đà Nẵng không sợ nhà đầu tư bỏ chạy vì làm như thế họ sẽ mất gần 30 tỉ đồng đầu tư san lấp và mất uy tín, cơ hội tạo ra lợi nhuận, còn TP Đà Nẵng chỉ mất cơ hội để tạo ra không gian phát triển CNTT. “Tôi lo là dự án bị thu hồi trong khi cần phải xem xét bối cảnh để cứu giúp nhà đầu tư. Còn nhà đầu tư muốn chuyển giao dự án cho ai phải được phép của phía chính quyền nên không lo việc chủ đầu tư sang tay dự án kiếm lời” - ông Sơn nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sự quản lý lỏng lẻo, không kiểm định chính xác năng lực tài chính của các nhà đầu tư khiến nhiều dự án bị “treo”, không thực hiện.
>> Đà Nẵng khánh thành Trung tâm hành chính hơn 2.300 tỷ
Theo Lê Phi - Tấn Tài