Công bố hàng loạt vi phạm trong vụ chặt cây xanh Hà Nội
Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo TP Hà Nội là một trong những kiến nghị tại kết luận thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố tại Hà Nội được công bố sáng 19-5.
Kết luận thanh tra do ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng - Chánh thanh tra Thành phố Hà Nội ký - nêu rõ đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND Thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian vừa qua.
Chưa rõ tiêu chí
Kết luật thanh tra đề nghị chỉ đạo kiểm kiểm và xử lý kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót.
Kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp có liên quan gồm: phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng là những đơn vị có liên quan trực tiếp để xảy ra những hạn chế, thiếu sót.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ đề án cải tạo, thay thế cây xanh chưa rõ tiêu chí để đánh giá, phân định và làm rõ số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế do có nguy cơ đổ gãy, cây khô chết, cây sâu mục, cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong tổng số 2.208 cây.
Đồng thời, việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây là không khoa học.
Về trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội, Thanh tra Thành phố kết luận có việc Sở Xây dựng cho phép các công ty không phải là đơn vị được giao thực hiện chặt hạ cây xanh nên trong giấy phép nhưng vẫn để các đơn vị này chặt cây.
Đặc biệt, Sở Xây dựng cũng không làm tròn trách nhiệm khi để việc trồng cây thay thế không đúng loại cây đã được cấp phép, trong đó có 103 cây không đúng giấy phép là chưa thực hiện nghiêm túc.
Nhiều hạn chế, thiếu sót
Thanh tra Thành phố Hà Nội khẳng định trong triển khai, tổ chức thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh tại Hà Nội đã có nhiều hạn chế, thiếu sót.
Thứ nhất, trong tổ chức thực hiện, việc khảo sát trước khi cấp phép chưa được thực hiện kỹ dẫn đến cấp giấy phép cho một số cây trồng thay thế, bổ sung không đảm bảo điều kiện để trồng, có 86 vị trí vướng công trình hạ tầng, trách nhiệm này thuộc tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì khảo sát, kiểm tra tình trạng cây trước khi cấp phép.
Thứ hai, về hồ sơ đề nghị cấp phép thay thế cây xanh, Thanh tra Thành phố chỉ rõ, Sở Xây dựng và phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm không thực hiện đầy đủ yêu cầu về hồ sơ cấp phép.
Thứ ba, theo Thanh tra Thành phố, hồ sơ đề nghị cấp phép dù có đơn đề nghị, ảnh chụp hiện trạng cây thể hiện vị trí, loại cây, kích thước cây, lý do chặc hạ, dịch chuyển, biên bản kiểm tra xác định tình trạng cây trước khi cấp phép.
Tuy nhiên trong biên bản không có thành phần xác nhận của UBND phường sở tại, việc làm trên là chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về hồ sơ cấp phép.
Theo đó, Thanh tra Thành phố kết luận trách nhiệm trên thuộc Sở Xây dựng, phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm.
Thứ tư, trong thực hiện theo giấy phép chặt hạ cây xanh cũng có sai sót. Đó là việc Sở Xây dựng cho phép Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An thực hiện chặt hạ 19 cây và Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Vĩnh An thực hiện chặt 20 cây trong khi 2 công ty trên không phải là đơn vị được giao thực hiện chặt cây xanh được nêu trong giấy phép.
Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng.
Đặc biệt, việc nghiệm thu, giám sát kết quả tổ chức thực hiện của 3 công ty gồm Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Vĩnh An thiếu thành phần xác nhận của UBND phường sở tại là chưa thực hiện đầy đủ thành phần quy định theo quy trình kỹ thuật cắt sửa, chặt hạ cây bóng mát.
Thứ năm, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh trồng 8 cây trên phố Huế khi chưa được cấp phép là chưa thực hiện nghiêm túc về quy trình.
Theo kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội, việc phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014-2015 là phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong thực hiện cũng chưa phát hiện thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc tổ chức thực hiện thay thế cây xanh.
Duyệt trồng cây vàng tâm, trồng cây mỡ
Kết luận thanh tra cũng khẳng định việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh được thực hiện theo kiểu duyệt một đằng làm một nẻo.
Theo đề án, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được xác định là một trong những tuyến thực hiện thí điểm việc cải tạo, thay thế cây xanh.
Khảo sát về hiện trạng cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh chủ yếu là cây keo lá tràm (81 cây) đã trồng gần 20 năm, là cây thân giòn, dễ gãy; cây hoa sữa trồng với mật độ rất dày gây mùi nồng nặc (181 cây), nhiều hộ dân sống ở gần từ lâu mong muốn được thay cây hoa sữa.
Ngoài ra có một số cây mục, không đúng chủng loại cây đô thị như cây bàng, dâu da.
Theo Thanh tra Thành phố, việc thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được cấp phép trồng cây vàng tâm. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy số cây xanh trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh lại là... cây mỡ.
Cụ thể, Thanh tra Thành phố dẫn kết quả giám định của Viện Khoa học lâm nghiệm (Bộ NN&PTNT) và xác minh từ nguồn gốc nơi cung cấp, xác định cây đã trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ.
Trách nhiệm này thuộc về đơn vị trồng cây là Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư HDL và đơn vị giám sát là Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội.
Chưa hết, Thanh tra Thành phố cũng xác định việc thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh và cấp phép trồng cây vàng tâm nhưng chưa tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân là việc làm nóng vội, giản đơn.
Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng. Còn trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội.
Theo Thanh tra Thành phố Hà Nội, sau khi đề án cải tạo, thay thế cây xanh tại Hà Nội được phê duyệt, trong triển khai đề án, công tác thông tin tuyên truyền không được đầy đủ, rõ ràng.
Tuyên truyền không đầy đủ, rõ ràng
Kết luận cũng cho rằng từ việc tuyên truyền không đầy đủ, rõ ràng về đề án đã dẫn đến việc báo chí và dư luận nhân dân hiểu lầm, bức xúc, hoang mang, lo lắng cho rằng TP Hà Nội có chiến dịch chặt hạ 6.708 cây xanh. Đồng thời, gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng…
Đặc biệt, đối với tuyến đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân), theo Thanh tra Hà Nội, tuyến đường này có dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông và đường hầm tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đang trong giai đoạn triển khai thi công tuyến.
Trước đó, Ban quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND TP xây dựng, lập phương án bảo vệ công trình dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Thực tế, tại đây, thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, tai nạn sập giàn giáo xây dựng gây chết người.
Mặt khác, hiện trạng một số cây trên tuyến đường đã bị sâu mục, che khuất tầm nhìn giao thông, các cây nằm giữa dải phân cách giữa làn đường xe thô sơ và làn đường ô tô làm thu hẹp làn đường, cản trở giao thông.
Theo Thanh tra Thành phố, loại cây trồng tại đây chủ yếu là xà cừ - loại cây rễ nông, ăn ngang, có chiều cao từ 15-20m, phát triển nghiêng về phía đường sắt trong khi khoảng các từ vị trí cây đến tuyến đường sắt khoảng 14m.
Nếu cây đổ do mưa bão sẽ gây mất an toàn cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khi đi vào hoạt động.
Vì vậy, căn cứ vào Luật Đường sắt về hành lang an toàn đường sắt, để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, việc tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc, giảm tai nạn và xây dựng tuyến đường đẹp, hiện đại thì việc chỉnh trang, cải tạo tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, trong đó có việc cải tạo, thay thế cây xanh dải phân cách và hai bên hè của tuyến đường là cần thiết.
Trong thực hiện UBND TP đã có các văn bản về triển khai tuyến phố trật tự văn minh đô thị, chỉnh trang hệ thống cây xanh đô thị, chỉnh trang kỹ thuật và tăng cường năng lực giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi, đảm bảo an toàn công trình đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Sở Xây dựng đã cấp 6 giấy phép cho phép chặt hạ, dịch chuyển và trồng thay thế, bổ sung.
Cần công khai, lấy ý kiến chuyên gia khoa học
Thanh tra Thành phố kết luận trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trong tuyên truyền trước hết thuộc Sở Xây dựng, Sở Thông tin - Truyền thông và các cơ quan truyền thông của Thành phố, các cơ quan chức năng được giao thực hiện.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ lãnh đạo UBND Thành phố cũng có phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thiếu sát sao.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, ngoài kiến nghị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, Thanh tra Thành phố Hà Nội kiến nghị khẩn trương rà soát đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị.
Từ kết quả rà soát, Thanh tra Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phải báo cáo đề xuất UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh đảm bảo việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng quy hoạch; phải thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và có cơ chế lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trước và trong quá trình triển khai.
Theo ĐÀ TRANG - XUÂN LONG