Có một 2013 đã qua đời

04/01/2014 11:51 AM |

Năm 2013, sinh tháng 1/2013 mất tháng 12/2013, đã sống một cuộc sống ngắn ngủi và ý nghĩa. Nhưng liệu 2013 có ra đi mà để lại lời trối trăn tiếc nuối nào không?

Tất nhiên là 2013 đã sống một cuộc sống có ý nghĩa. 2013 đã làm được nhiều điều mà 2012 và những năm trước nó vẫn còn chưa làm được. 
 

2013 là năm chứng kiến Đờn ca Tài tử Nam Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; Lạm phát của 2013 cũng thấp nhất trong 10 năm qua; Kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay; Hiến pháp sửa đổi được thông qua; tất nhiên sẽ có cả những người tin rằng chính sách với thị trường vàng của Thống đốc Bình cũng là một thành công; hoặc trong một SEAGames nhiều tranh cãi thì thành công của VĐV bơi lội Ánh Viên vẫn sáng rực như là kết quả của một quá trình đầy kỳ công và khoa học...
 

Nhưng 2013 cũng để lại những lời trăn trối khẽ khàng trước khi nó vĩnh viễn ra đi. 

Chính thời khắc mà 2013 để lại gia sản cho 2014, đêm ngày 31/12/2013, người ta nhìn thấy lời trăn trối. Đó chính là 2 lễ hội đếm ngược Chào năm mới ở Hà Nội và TP.HCM. Sau khi những biển người ngột ngạt vô tổ chức, tưởng như là một cuộc thi chen lấn xô đẩy cấp quốc gia, tan đi, một khung cảnh tan hoang để lại, đầy rác rến.

Chuyện này đã quá cũ rồi. Nhưng chính vì nó cũ nên mới khiến 2013 qua đời trong tiếc nuối. Hóa ra là trong một năm mà bao nhiêu tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân được sinh ra, một năm mà hàng vạn đầu sách tinh túy được xuất bản bằng tiếng Việt, thì những biểu hiện văn hóa vẫn đâu đóng đấy.

Còn những gì nữa? 2013 cũng bất lực trong nhiều việc. Nó giúp người ta khui ra những câu chuyện đau lòng phía sau cánh cổng trường học, nào là bị nhốt trong lớp vì không đóng tiền xem xiếc, bị nhốt ngoài cổng trường vì không đóng tiền ăn, bị cắt dép vì không có tiền mua giày, bị đánh đập. Nhưng mấy chuyện đó cũng cũ rồi. Không biết 2013 “xuống dưới kia” thì ăn nói thế nào với 2012 và các bậc tiền bối khác.
 
 
Ảnh minh họa

2013 cũng chỉ làm tồi tệ thêm bức tranh về ngành y tế và quản lý hành chính. Nó có thể trách năm 2008, cái tay đàn anh ăn hại này tạo ra khủng hoảng làm nó phải gánh chịu những áp lực cơm áo gạo tiền rất nặng nề. Đạo đức cũng vì thế mà tha hóa đi?

Và tất nhiên là sẽ không ai quên rằng 2013, các thương lái Trung Quốc vẫn cứ làm tình làm tội người nông dân nước ta như một câu chuyện nghìn lẻ một đêm không bao giờ kết. Và còn rất nhiều chữ “và” rất cũ nữa.

“2012 ơi, em có lỗi với anh” – hãy tưởng tượng, nó có thể nói vậy khi gặp lại tiền bối – “Hoàn cảnh ngặt nghèo quá, em đã cố rồi nhưng không thể khá hơn được, tất cả là lỗi của 2008”. “Mày có cố thật không?” – 2012 hỏi, hay là chính chúng ta hỏi. Vẫn có đầy những điều xấu xí cũ kỹ còn nguyên sau khi 2013 qua đi, và có những điều còn tồi tệ thêm.
 

Theo tập quán thông thường thì chúng ta có thể nhờ một thày nào đó gọi 2013 lên để mà hỏi lại những điều còn chưa rõ. Nhưng chính 2013 đã vạch mặt nhiều thày, thức tỉnh đám đông. Coi như thêm một việc tốt nữa nó đã làm được; nhưng cũng vì thế mà người ta sẽ không biết 2013 thực sự đã làm những gì và đã cố gắng hay chưa.

2014 im lặng tiếp quản đám di sản ấy. Nó có thể đang tính nhẩm, như một người thừa kế của gia đình giàu có sẽ làm trong đám tang của phụ huynh. Những điều tốt đẹp mà 2013 để lại cho nó có vẻ vẫn ít hơn những điều xấu xí. 

2014 đang tính toán gì, nó có muốn sửa chữa những điều mà 2013 vẫn chưa làm được không, hay có nhiệm kỳ một năm thì cũng cố trục lợi cho nhanh rồi còn biến?

thuydtt

Cùng chuyên mục
XEM