Chủ tịch WB: Hàn Quốc quê tôi cũng như Việt Nam, từng bị cho là không có cơ hội phát triển

25/02/2016 14:48 PM |

“Rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi từng nghĩ rằng Hàn Quốc là một trường hợp vô vọng, không có cơ hội phát triển. Hàn Quốc thậm chí còn không được hưởng khoản hỗ trợ tài chính từ IDA vì WB nghĩ trường hợp này là vô vọng…”

Đây là những trải lòng của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim khi đến thăm Việt Nam nhân sự kiện công bố Báo cáo Việt Nam 2035.

Ông kể: Trên đường bay từ Mỹ tới Việt Nam, có bay qua Seoul (Hàn Quốc), ông nhớ lại một giai đoạn nước Hàn đã được WB hỗ trợ rất nhiều. Rất nhiều đồng nghiệp làm việc tại WB khi đó đã nghĩ rằng: Hàn Quốc là một trường hợp vô vọng.

“Họ nghĩ Hàn Quốc không có cơ hội phát triển. Hàn Quốc lúc đó thậm chí còn không được hưởng IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế - một đơn vị thuộc WB, chuyên cung cấp các khoản tài chính cho các quốc gia nghèo – PV), vì họ nghĩ Hàn Quốc lúc này là vô vọng”, ông Kim kể lại.

“Tương tự, cách đây 25 năm với tỷ lệ nghèo đói ở mức 50%, mọi người không nghĩ có hy vọng gì ở Việt Nam. Nhưng chúng ta đã thấy một câu chuyện kỳ diệu khác”.

Chủ tịch WB nhận định, những gì Việt Nam đã làm được trong 20 năm qua rất đáng kể: Tăng trưởng kinh tế đạt trung bình xấp xỉ 7%/năm. Từ quốc gia nghèo nhất thập kỷ 80s, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước trung bình trong một thế hệ, giảm tỷ lệ nghèo từ mức 50% cách đây 25 năm còn khoảng 3%/năm…

Nhiều nước có thể học tập kinh nghiệm của Việt Nam

Ông Kim cũng cho rằng: Có 2 bài học kinh nghiệm mà rất nhiều nước trên thế giới có thể học tập từ Việt Nam.

Một là, chú trọng theo cơ chế thị trường và tranh thủ cơ hội trong hội nhập toàn cầu.


Hai là, chú trọng sớm phát triển nguồn nhân lực và sử dụng cam kết quốc tế cho những cải cách về cơ cấu.

Việt Nam không muốn ngủ quên trong quá khứ mà tự thúc mình đi xa hơn nữa...

“Tháng 7/2014, tôi gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội. Thủ tướng đã mời nhóm WB cùng Chính phủ xây dựng báo cáo thể hiện khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 và tìm con đường thực hiện giải pháp đó”, ông Kim nói.

Báo cáo Việt Nam 2035 cho thấy một Việt Nam thành công trong vòng 20 năm tới thế nào. Khát vọng đến 2035 được nêu lên là: Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 – khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương năm 2011 - so với 2.052 USD năm 2014 – khoảng 5.370 USD tính theo sức mua tương đương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch WB cũng cảnh báo: “Vẫn còn thách thức đối với Việt Nam. Năng suất lao động đã suy giảm trong một thập kỷ vừa qua có thể làm ảnh hưởng tới sự bền vững của tăng trưởng kinh tế.

Thể chế Nhà nước đang chật vật để theo kịp được nền kinh tế thị trường năng động và theo kịp khát vọng của một tầng lớp trung lưu đang mạnh”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM