Chủ tịch HĐQT NH Nam Á: Nam A Bank không sở hữu bất kỳ cổ phần nào của Eximbank
“Thương vụ” Nam A Bank – Eximbank được cho là đã kết thúc khi gần đây rộ lên thông tin rằng Nam A Bank chính thức rút khỏi phương án sáp nhập với Eximbank.
Công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo Đề án 254 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 đang bước vào chặng “nước rút”. Hoạt động tái cơ cấu được cả hệ thống đẩy nhanh chưa từng có, cùng với đó là những thông tin hết sức bất ngờ về tình hình của các nhà băng.
Chẳng hạn như DongABank bị kiểm soát đặc biệt, NHNN thay ông Trầm Bê thực hiện toàn bộ quyền cổ đông tại Sacombank và Southern Bank; VNCB, GP.Bank và OceanBank bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng/cổ phần, chuyển thành ngân hàng thuộc sở hữu của NHNN; ngân hàng thương mại nhà nước MHB sáp nhập vào BIDV; PGBank sáp nhập vào VietinBank, MDB xóa tên khỏi hệ thống khi về một nhà với MaritimeBank…
Trước đó, một loạt các ngân hàng yếu kém cũng đã bị tái cơ cấu bắt buộc như sáp nhập SCB –TinNghiaBank – Ficombank; TrustBank đổi tên thành VNCB; WesternBank sáp nhập vào PVFC rồi đổi tên thành PvcomBank; Habubank nhập vào SHB; TienPhongBank gọi vốn từ Doji rồi đổi tên thành TPBank; Navibank tìm được nhà đầu tư, tự tái cơ cấu và đổi tên thành NCB…
Với con số 37 ngân hàng thương mại cổ phần và 5 ngân hàng thương mại nhà nước từ khi bắt đầu thực hiện Đề án 254, đến nay hệ thống đã được co hẹp đáng kể với số ngân hàng thương mại cổ phần chỉ còn 30 và 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Không nằm trong số các ngân hàng yếu kém, nhưng các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ cũng đang nỗ lực tự tái cơ cấu, nhiều ngân hàng tự đi tìm đối tác để tính đến phương án sáp nhập, tuy nhiên không phải nhà băng nào cũng thành công, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Phần lớn các trường hợp này chưa từng một lần công bố rộng rãi trước cổ đông hay thị trường, mà hầu hết đều ở dưới dạng “tin đồn”. Có thể kể đến vài cái tên như ABBank (tin đồn với DongA Bank), Saigonbank (tin đồn với Vietcombank) hay NamABank (được cho là nhận sáp nhập Eximbank).
Thương vụ ABBank và DongA Bank như vậy là đã bất thành khi DongA Bank rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, NHNN chỉ định đại diện từ cơ quan quản lý sang làm chủ tịch HĐQT từ ngày 27/8. Còn trường hợp SaigonBank và Vietcombank cũng đang dần đi vào quên lãng khi không còn được thị trường chú ý. Trong khi đó Nam A Bank và Eximbank vẫn “nổi như cồn” thời gian qua với “nghịch lý” là Nam A Bank lại nhận sáp nhập Eximbank – một ngân hàng từng nằm trong top những NHTMCP hàng đầu Việt Nam.
“Tin đồn” Nam A Bank và Eximbank xuất hiện từ đầu năm nay khi ngân hàng Nam Á được đánh giá là ngân hàng nhỏ nhưng có lượng tài sản khá lớn và thực chất, cùng với “tham vọng” trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Thông tin được phần nào trở nên có cơ sở hơn khi hai trụ cột của ngân hàng này là nguyên Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ và nguyên Phó TGĐ Trần Ngọc Tâm bất ngờ từ nhiệm, rồi ứng cử vào Hội đồng quản trị của Eximbank.
Cũng lại là tin đồn, nhưng thông tin gần đây trên thị trường cho biết Nam A Bank đã rút khỏi thương vụ với Eximbank, và đằng sau đó cũng có nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề nhân sự.
Chia sẻ với người viết một dịp gần đây, một lãnh đạo của Ngân hàng Nam Á cho biết, trên thực tế không thể gọi đó là thương vụ, vì từ trước tới nay Nam A Bank chưa hề đề cập đến chuyện sẽ sáp nhập với một ngân hàng khác, chứ đừng nói đến cái tên cụ thể như Eximbank. Vị này cũng khẳng định, Nam A Bank vẫn tự tái cơ cấu theo con đường đã chọn và đã được NHNN phê duyệt từ năm trước.
Đem thông tin này đi hỏi vị lãnh đạo cao nhất của ngân hàng là ông Phan Đình Tân, chủ tịch HĐQT ngân hàng, người viết cũng nhận được câu trả lời tương tự. Ông Tân cho biết, Nam A Bank đang đi đúng lộ trình tự tái cơ cấu đã thông qua với cổ đông và kết quả đạt được tương đối khả quan.
Đề cập đến câu chuyện Nam A Bank đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu ở Eximbank, ông Tân cho biết thực tế Nam A Bank không sở hữu bất cứ một cổ phần nào của Eximbank, vì vậy không có chuyện ngân hàng Nam Á “thâu tóm” Eximbank như tin đồn bấy lâu nay.
Về sự hiện diện của hai nguyên lãnh đạo ngân hàng trong danh sách ứng cử viên vào HĐQT Eximbank hồi tháng 4, ông Phan Đình Tân cho biết, ông Phúc Vũ và ông Ngọc Tâm từ nhiệm ở Nam A Bank vì lý do cá nhân, và thông tin này đã được công bố rộng rãi. Sau khi rời khỏi ngân hàng, không riêng gì hai vị này, mà cả các nguyên lãnh đạo các ngân hàng khác, họ tham gia công tác ở ngân hàng nào khác thì đó là quyền của họ, không liên quan hay đại diện cho ngân hàng cũ.
Lần đầu tiên chia sẻ với báo giới trên cương vị là chủ tịch HĐQT, ông Phan Đình Tân chia sẻ thêm, với các tiềm năng cũng như cơ hội phát triển hiện nay, đặc biệt là những nội lực của ngân hàng và đội ngũ lãnh đạo trẻ, nhiệt huyết, Nam A Bank chắc chắn sẽ thành công trên con đường đã chọn.