Chọn tạo giống đậu nành ứng dụng công nghệ cao như thế nào?

15/11/2015 09:06 AM |

Công nghệ di truyền phân tử sẽ tạo ra giống đậu nành mới cho năng suất 3 tấn/ ha vào năm 2018, cao gần gấp đôi năng suất hiện tại.

Những công nghệ mới nhất trong việc chọn tạo giống đậu nành năng suất cao thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho việc bảo toàn và phát triển đậu nành Tây Nguyên” diễn ra ở Cư Jut, Đắk Nông đầu tháng 11 mới đây.

Tại Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Nông nghiệp và Công nghệ sinh học từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri (NCSB), Đại học Cần Thơ và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy cùng chia sẻ những ứng dụng công nghệ mới nhất trong việc chọn tạo giống cũng như thiết lập hệ thống canh tác đồng bộ để phát triển bền vững vùng nguyên liệu đậu nành Tây Nguyên.

Ứng dụng công nghệ cao cho chọn tạo giống đậu nành không biến đổi gen.

Giống là nhân tố quyết định cho việc nâng cao năng suất và chất lượng của hạt đậu nành. Vì vậy, chọn tạo giống là trọng tâm hàng đầu của Trung tâm. Sau hai năm nghiên cứu, đơn vị này cùng Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ đã chọn thuần thành công giống đậu nành Cư Jut hoa trắng cho năng suất tăng 10-15% so với trước đây và đã trồng trong vụ II/2015 tại Cư Jut và Đắk Mil.

Tiến một bước xa hơn, hiện nay các chuyên gia đang ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để chọn tạo ra các giống đậu nành mới, bảo toàn được phẩm chất quý của giống đậu nành địa phương đồng thời nâng cao được năng suất, chất lượng của hạt đậu nành.

Hệ thống canh tác đồng bộ cho đậu nành Tây Nguyên

Song song với việc chọn tạo giống, suốt 2 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy cũng đã khảo nghiệm nhiều hệ thống canh tác theo đặc điểm của các vùng nguyên liệu khác nhau ở Tây Nguyên bao gồm: làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch trên các công cụ cơ giới hóa phù hợp.

Đặc biệt, Trung tâm cũng đã liên kết với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu chọn các loại vi khuẩn từ đất ferralsols Tây Nguyên để chế tạo ra phân sinh học nhằm tăng nốt rễ (nốt sần) và tăng hiệu quả sử dụng phân lân cho cây đậu nành

Đến năm 2018, cùng với giống mới, hệ thống canh tác đồng bộ và những ứng dụng phân sinh học, phân hữu cơ sẽ nâng năng suất của đậu nành Tây Nguyên đạt 3 tấn/hecta, tương đương với năng suất đậu nành bình quân trên thế giới, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế góp phần ổn định đời sống của người nông dân, đồng thời chất lượng hạt đậu nành sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa các sản phẩm.

Ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy khẳng định: “Hướng đi phát triển vùng nguyên liệu Tây Nguyên góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp đậu nành Việt Nam. Sự lớn mạnh của vùng nguyên liệu Tây Nguyên sẽ tạo điều kiện cho Vinasoy có nguồn đậu nành trong nước dồi dào, tươi mới, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng”.

Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy được thành lập vào ngày 13/11/2013 từ sự hợp tác chiến lược cùng hai Trung tâm hàng đầu thế giới về đậu nành: Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri (NCSB) và Trung tâm nghiên cứu Đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Illinois (NSRL).

Trung tâm có mục tiêu nghiên cứu ứng dụng các thành quả khoa học tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực chọn tạo giống, canh tác, cơ giới hóa, chế biến và bảo quản sau khi thu hoạch cũng như đa dạng hóa sản phẩm từ đậu nành và truyền thông dinh dưỡng đậu nành cho cộng đồng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo thống kê nghiên cứu thị trường của The Nielsen Việt Nam - tháng 08/2015, Vinasoy hiện đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành tại Việt Nam với 83,3% thị phần toàn quốc.

Thùy Dung

Cùng chuyên mục
XEM