Chính phủ đóng cửa là tốt cho nước Mỹ?

01/10/2013 10:50 AM |

Chỉ còn vài giờ nữa để các chính trị gia của nước Mỹ đi đến thống nhất.

Nội dung nổi bật:

- Theo Goldman, sự kiện chính phủ đóng cửa sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong cuộc chiến trần nợ. 

- Ngoài ra còn 3 lập luận bổ sung: 
. Là cách tốt để kiểm tra thị trường tài chính sẽ phản ứng tiêu cực đến mức nào nếu vấn đề trần nợ công không được giải quyết.
. Đảng Cộng hòa sẽ phải chịu áp lực phải giải quyết vấn đề này trước khi nước Mỹ chạm trần nợ.
. Sẽ tạo nên áp lực buộc những người hiện đang đứng ngoài cuộc phải can thiệp và thuyết phục đảng Cộng hòa tiến tới thỏa thuận.



Trừ trường hợp phép màu xảy ra, chính phủ Mỹ đang cận kề với kịch bản phải đóng cửa vào trưa nay (1/10 - theo giờ Việt Nam). Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ Đảng Cộng hòa ở Hạ viện (House GOP) đã thông qua ngân sách không bao gồm Obamacare. Đảng Dân chủ sẽ không đồng ý và như vậy nước Mỹ rơi vào đường cụt.

Kịch bản đóng cửa càng tới gần hơn khi Thượng viện Mỹ vừa bác dự thảo luật ngân sách có sửa đổi của Hạ viện sau một cuộc bỏ phiếu vào rạng sáng nay và gửi lại dự thảo luật này xuống cho Hạ viện. Với tỉ lệ 54 phiếu chống và 46 phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ điều khoản trì hoãn 1 năm luật y tế Obamacare, vốn trước đó đã được Hạ viện bổ sung vào dự luật ngân sách.

Các thị trường đồng loạt giảm điểm sau thông tin này. Tuy nhiên, có những lý do để nghĩ rằng chính phủ đóng cửa là một điều tốt. Thứ sáu tuần trước (27/9), Goldman đã đưa ra những nhận định hữu ích cho khách hàng: 

Theo Goldman, sẽ là sai lầm nếu diễn giải việc đóng cửa là sự kiện nguy hiểm hơn so với khủng hoảng về trần nợ. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu thị trường phản ứng quá tiêu cực trong khi sự việc này chỉ có ít ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô. Goldman nhận định có thể giới đầu tư nhìn nhận chính phủ phải đóng cửa là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng nước Mỹ không thể nâng trần nợ. 

Tuy nhiên, nếu chính phủ Mỹ đóng cửa, những nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Quốc hội sẽ không muốn mạo hiểm thêm một lần nữa chỉ trong vài tuần sau đó. Do đó, sự kiện chính phủ đóng cửa sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong cuộc chiến trần nợ. 

Goldman đưa ra 3 lập luận bổ sung cho nhận định này: 

Thứ nhất, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm liên tiếp trong những phiên gần đây do lo ngại chính phủ sẽ đóng cửa. Người ta thường nói các chính trị gia sẽ không hành động cho đến khi họ nhìn thấy TTCK sụp đổ. Chính phủ đóng cửa là một cách tốt để kiểm tra thị trường tài chính sẽ phản ứng tiêu cực đến mức nào nếu như vấn đề trần nợ công không được giải quyết. Dù nợ của Mỹ sẽ chạm trần trong một vài tuần tới, áp lực đã sớm xuất hiện. 

Thứ hai, người ta sẽ đổ lỗi cho đảng Cộng hòa. Các khảo sát đều cho thấy phần lớn người dân cho rằng đảng Cộng hòa là bên có lỗi trong sự kiện này. Bởi vậy, đảng Cộng hòa sẽ phải chịu áp lực phải giải quyết vấn đề này trước khi nước Mỹ chạm trần nợ. 

Thứ ba, chính phủ đóng cửa sẽ tạo nên áp lực buộc những người hiện đang đứng ngoài cuộc phải can thiệp và thuyết phục đảng Cộng hòa tiến tới thỏa thuận. Trong các cuộc chiến ngân sách từ trước tới nay, các chủ doanh nghiệp, phố Wall, cử tri và thậm chí là nhiều học giả đều cho rằng hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ tranh luận, phàn nàn và đổ lỗi cho nhau nhưng vẫn đi đến thống nhất ngay trước khi chính phủ đóng cửa hoặc vỡ nợ. Nếu chính phủ Mỹ đóng cửa trong vài giờ tới, sự kiện này chứng tỏ nhận định trên là sai. Các nhóm trên sẽ phải tạo áp lực buộc các chính trị gia tìm ra hướng giải quyết trước khi nước Mỹ vỡ nợ. 

Mặc dù vậy, không phải ai cũng có cùng quan điểm với Goldman. Trong bài báo đăng tải trên tờ The Atlantic, tác giả Molly Ball lập luận rằng không có lý do gì để cho rằng chính phủ Mỹ đóng của có thể giúp "hạ cơn sốt". Nhiều người cũng đã dự đoán rằng đảng Cộng hòa cuối cùng cũng phải chịu lún nhưng thực tế không phải như vậy. 

Theo Thu Hương

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM