Canon kiến nghị coi tài sản thanh lý như... rác

30/10/2014 10:11 AM |

Đại diện Canon kiến nghị với các Bộ, ngành coi tài sản thanh lý của doanh nghiệp như... rác để được hưởng thuế suất ưu đãi khi thanh lý, chuyển nhượng tài sản.

Canon Việt Nam cho rằng, một trong những vướng mắc của doanh nghiệp là thu nhập phát sinh từ nguồn phát thải được coi như nguồn thu nhập hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, thu nhập từ việc chuyển nhượng tài sản hoặc thanh lý tài sản của doanh nghiệp lại buộc phải cho là thu nhập khác.

Rác chúng ta vẫn cho là thu nhập chính đáng của doanh nghiệp, mà tài sản cố định là tài sản đương nhiên hình thành trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp lại được coi là tài sản khác thì chúng tôi thấy chưa hợp lý. Chúng tôi kiến nghị tài sản thanh lý cũng được coi như rác để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi”, bà Đào Thị Thu Huyền – Chánh Văn phòng cấp cao – Văn phòng Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Canon Việt Nam kiến nghị tại sự kiện Ngày nhà máy FDI hội tụ 28/10.

Điều 3 Khoản 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: Thu nhập khác gồm 14 loại thu nhập, trong đó bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác.

Trong khi đó, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp được áp dụng thuế suất ưu đãi khi sử dụng nguồn tài chính để giải quyết những vấn đề chống ô nhiễm môi trường. Trong đó, thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải lần đầu của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải thuộc diện được miễn thuế.

Đây là một trong 7 kiến nghị đại diện Canon Việt Nam gửi lên các Bộ, ngành tại sự kiện trên, đề nghị sửa đổi luật pháp để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Các kiến nghị khác Canon Việt Nam gồm: nới tiêu chí được hưởng ưu đãi khi đầu tư mở rộng cho doanh nghiệp; ưu đãi không chịu thuế nhà thầu khi mua hàng hóa từ kho hải quan phục vụ cho các doanh nghiệp chế xuất để xuất khẩu ra nước ngoài; xem xét lại việc buộc nhà thầu nước ngoài lập đại diện thương mại tại Việt Nam; giảm một số thủ tục hải quan; và đối với quy định máy móc thiết bị sử dụng năng lực hiệu suất thấp phải loại bỏ, không được nhập, cần quy định rõ tiêu chí và công thức tính thế nào cho doanh nghiệp thực hiện.

Đại diện Canon Việt Nam cho biết, bản kiến nghị của Canon Việt Nam còn tương đối nhiều và sẽ gửi bằng văn bản tới các Bộ, ngành để được hỗ trợ cụ thể.

Công ty TNHH Canon Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 với vốn đầu tư 306,7 triệu USD. Hiện Canon Việt Nam có hơn 24.000 công nhân viên đang làm việc tại 3 nhà máy Thăng Long, nhà máy Quế Võ và nhà máy Tiên Sơn.

>> Canon kêu khổ vì 'cuộn băng dính cũng phải nhập'

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM