Cẩn trọng khi mua sắm qua truyền hình
17/06/2013 12:49 PM
|
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa phát đi thông điệp cảnh báo người tiêu dùng hãy cẩn trọng với hình thức mua bán hàng qua kênh truyền hình đang nở rộ.
Thời gian gần đây, rất dễ nhận thấy xu hướng quảng cáo và bán hàng trên các kênh truyền hình đang phát triển nở rộ cả về số lượng và tần suất phát sóng. Hầu như hãng truyền hình nào cũng có kênh truyền hình dành riêng cho chuyên mục quảng cáo và bán hàng.
Các mặt hàng được quảng cáo trên sóng truyền hình cũng rất đa dạng, từ vật dụng trong nhà, thực phẩm dinh dưỡng đến thiết bị điện tử, y tế, chăm sóc sức khỏe và đồ trang sức… Chất lượng của các mặt hàng này luôn được các nhà quảng cáo ca ngợi và đảm bảo ở mức độ tốt nhất, trong khi giá thành sản phẩm luôn được nhấn mạnh là “vô cùng hợp lý”.
Rất nhiều người tiêu dùng đã bị choáng ngợp trước các tính năng và vẻ đẹp long lanh của sản phẩm, lại thêm “giá hấp dẫn” đi kèm các hình thức giao hàng và chăm sóc khách hàng cực kỳ thuận tiện và chuyên nghiệp… nên đã nhanh chóng đặt mua sản phẩm mà bỏ qua giai đoạn tìm hiểu, so sánh giá cả và chất lượng của hàng hóa.
Hệ lụy của những quyết định mau chóng này là nhiều trường hợp người mua phải ngậm ngùi tiếc nuối vì hàng kém chất lượng mà giá thì lại… trên trời.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Cục này đã nhận nhiều ý kiến phản ánh của người tiêu dùng cho rằng họ bị lừa dối, thiệt hại khi mua các sản phẩm bán qua kênh truyền hình, tập trung vào một số hình thức: bán hàng kém chất lượng, không đúng quảng cáo; đơn vị bán hàng đề nghị người tiêu dùng đặt cọc tiền mua rồi không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng; không thực hiện trách nhiệm bảo hành cho khách hàng; thổi phồng giá sản phẩm rồi quảng cáo bán hàng giảm giá đặc biệt.
Ví dụ, có sản phẩm máy mát xa nhập từ Trung Quốc giá khoảng 8 USD (chưa đến 170.000 đồng), sau khi “thổi phồng” công hiệu trên các kênh truyền hình, chúng được bán ra gần 2 triệu đồng.
Có sản phẩm máy mát xa nhập từ Trung Quốc giá khoảng 8 USD (chưa đến 170.000 đồng), sau khi “thổi phồng” công hiệu trên các kênh truyền hình, chúng được bán ra gần 2 triệu đồng |
Kiểm tra kỹ trước khi đặt mua
Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng nên lưu ý trước một số vấn đề khi quyết định mua hàng qua kênh truyền hình. Đầu tiên là nên lựa chọn các kênh truyền hình uy tín thông qua việc tham khảo ý kiến bạn bè, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai là kiểm tra lại thông tin về hàng hóa, doanh nghiệp và các chính sách bán hàng trước khi quyết định đặt hàng. Thứ ba, cần kiểm tra kỹ thông tin về người bán, như gọi điện đến đài truyền hình để kiểm tra thông tin về người bán hay yêu cầu được đến trực tiếp cửa hàng để xem sản phẩm…
Thông qua các ý kiến phản ánh của người tiêu dùng, thời gian vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã bước đầu xem xét một số công ty chuyên quảng cáo và bán điện thoại di động có dấu hiệu không rõ nguồn gốc trên một số kênh truyền hình.
Khi cố gắng liên hệ với các công ty này thông qua số điện thoại quảng cáo và đề nghị được đến cửa hàng để xem sản phẩm thì các công ty đều đưa ra lý do là cửa hàng chỉ bán hàng trực tuyến (online), khách không thể đến xem trực tiếp sản phẩm (?!). Vì vậy đây là những người bán không đáng tin cậy.
Mô hình bán hàng qua sóng truyền hình nhằm hướng tới đối tượng chính là các bà nội trợ. Đặc điểm của nhóm người tiêu dùng này là thời gian ở nhà nhiều, ít có điều kiện cập nhật thông tin về giá cả một số mặt hàng (ngoại trừ lương thực, thực phẩm là những thứ các bà, các chị mua bán hằng ngày) và thời gian tiếp xúc, xem ti vi khá nhiều.
Các bà nội trợ vốn ít thời gian lựa chọn lại sẵn tâm lý tính toán mua hàng tiết kiệm, không muốn dành nhiều thời gian đi lại mua bán nên dễ dàng thực hiện giao dịch mua bán với các công ty bán hàng qua truyền hình. Do vậy, khi tiếp nhận một thông tin quảng cáo từ các kênh truyền hình, người tiêu dùng cần luôn cảnh giác và phải có sự đối chiếu, so sánh thông tin trước khi giao dịch, mua bán.
Theo Mai Phương
Theo Thanh niên
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!