"ASIAD là cái cớ phát triển hạ tầng nhanh hơn"

09/11/2012 23:01 PM |

Ý tưởng đăng cai ASIAD có từ rất lâu, bắt đầu được đặt ra sau khi Việt Nam đăng cai thành công SEA Games 22.


Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng cho rằng ASIAD 18 không chỉ là sự kiện thể thao quốc tế quan trọng, mà còn mang ý nghĩa văn hóa lớn và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.

- Ông đón nhận tin Việt Nam lần đầu tiên giành quyền đăng cai ASIAD như thế nào?

Đầu tiên là cảm giác vui và tự hào, tiếp đó là lo lắng tràn đến. Vui vì Việt Nam được OCA tín nhiệm, tạo vị thế và cơ hội quảng bá qua việc đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, thúc đẩy thể thao Việt Nam phát triển. Nhưng lo lắng vì để tổ chức thành công ASIAD đòi hỏi một khối lượng công việc khổng lồ phải được hoàn thành như chuẩn bị cơ sở vật chất, cán bộ, hoàn thành công tác tổ chức, chuyên môn, hậu cần, an ninh trật tự... Đặc biệt là chuẩn bị một lực lượng VĐV mạnh, giành thành tích tốt tại ASIAD. Đây là những nhiệm vụ nặng nề và hết sức khó khăn.

- Ý tưởng đăng cai ASIAD tại Việt Nam và quá trình biến nó trở thành hiện thực diễn ra như thế nào?

Ý tưởng đăng cai ASIAD có từ rất lâu, bắt đầu được đặt ra sau khi Việt Nam đăng cai thành công SEA Games 22. Quá trình phát triển thể thao sau đó bắt đầu hướng dần về mục tiêu ASIAD từ việc tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo VĐV, xin đăng cai tổ chức Asian Indoor Games năm 2009 để tăng cường tập dượt.

Đến năm 2008, ngành thể thao bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020, trong đó đề cập đến việc xin đăng cai ASIAD 2019. Chiến lược này được Thủ tướng thông qua năm 2010. Ngày 21/5/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định đồng ý cho Ủy ban Olympic Việt Nam vận động đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 và ASIAD 2019.

Tại ASIAD Quảng Châu 2010, Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tổ chức ASIAD 2019. Đề án đăng cai đã được Chính phủ thông qua ngày 31/8/2012 và giành thắng lợi sau cuộc bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể Hội đồng Olympic châu Á ngày 8/11.

- Tổ chức ASIAD trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, liệu đây có phải là một sự lãng phí?

Trên thế giới, các nước chủ nhà sử dụng các Đại hội thể thao như một cái cớ để thúc đẩy sự phát triển. Chẳng hạn như London tổ chức Olympic tại khu vực phía Đông ít phát triển để thu hút đầu tư và tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, phát triển bất động sản. Quảng Châu bỏ hàng tỷ USD xây dựng một thành phố mới bên ngoài trung tâm thành phố cũ và dùng ASIAD 2010 để hút đầu tư và quảng bá cho khu đô thị mới này. Tổ chức các đại hội thể thao lớn đều phải gắn với kế hoạch phát triển của quốc gia.

Với Việt Nam cũng vậy, ASIAD 18 ngoài ý nghĩa là một sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, thì đây còn là cơ hội hút đầu tư, là cái cớ để phát triển nhanh hơn về hạ tầng cơ sở vật chất mà người dân sẽ được hưởng.

Những gì SEA Games 22 mang lại đến vẫn còn để lại dấu ấn lớn trong xã hội. Ví dụ ở Hà Nội, vùng đất ruộng đồng hoang vu ở Mỹ Đình sau SEA Games đã lột xác thành một khu đô thị trung tâm hành chính phát triển của thủ đô. Hay khu nhà thi đấu Ninh Bình nay đã trở thành một cụm dân cư đông đúc, một trung tâm mới của thành phố.

- Ông cho biết phương châm tổ chức ASIAD của Việt Nam?

Chắc chắn là chúng tôi sẽ phải làm theo phương châm "hoành tráng mà tiết kiệm" bởi đây là một sự kiện thể thao lớn nhất châu lục. Việt Nam phải bảo đảm được việc tổ chức đúng theo yêu cầu của OCA, đồng thời phải xứng tầm với một đất nước đang phát triển. Nhưng việc bám sát kinh phí dự trù và chi tiêu hợp lý cũng sẽ là nhiệm vụ đặt ra cho ngành thể thao và ban tổ chức Đại hội.

- Dư luận cho rằng kinh phí dự trù 150 triệu USD là không đủ để đăng cai ASIAD, ông đánh giá như thế nào?

Tôi cho rằng suy nghĩ này không có cơ sở. Nhiều người nói kinh phí xây dựng cơ bản của thể thao cho sự kiện SEA Games 22 lên đến 5.000 tỷ đồng, điều này không đúng. Chúng tôi tính toán kinh phí xây dựng và nâng cấp tất cả các công trình ở tất cả các thành phố đăng cai chỉ chừng 1.700 tỷ đồng. Những kinh phí còn lại bị cộng đều là từ các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia.

Con số 150 triệu USD mà ngành thể thao đưa ra là kinh phí tổ chức, cộng với việc xây dựng thêm một số công trình cần thiết và nâng cấp sửa chữa các nhà thi đấu còn lại, mua sắm trang thiết bị thi đấu còn thiếu hoặc hỏng hóc.

Cơ sở vật chất của thể thao được để lại từ sau SEA Games đến nay vẫn còn rất tốt. Những công trình ở Hà Nội đều trong tình trạng sạch đẹp vì mới được tu bổ năm 2009 để phục vụ Đại hội thể thao châu Á trong nhà. Đoàn khảo sát của OCA đánh giá tốt hệ thống cơ sở vật chất thể thao của Việt Nam. Tất nhiên tới năm 2019, các công trình cũng cần được tu bổ vì trải qua thêm 7 năm nữa.

Về xây mới, tốn kém nhất là sân đua xe đạp lòng chảo. Hiện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch làm việc với đối tác Hàn Quốc để liên doanh xây dựng và khai thác. Còn lại chúng tôi dự kiến chi 72 triệu USD (tương đương hơn 1.700 tỷ đồng) xây dựng các công trình cần thiết khác ở Khu liên hợp thể thao Xuân Trạch như sân bóng chày, sân Hockey, sân bóng bầu dục, sân đua ngựa và 5 môn phối hợp, tổ hợp 13 sân tennis đạt tiêu chuẩn ATP.

Theo Anh Hoàng
vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM