Ai thôn tính Dự án khu 'đất vàng' Zone 9?
Dự án tại khu “đất vàng” Zone 9 với tổng diện tích 11.227m2 hiện do Công ty CP Đầu tư phát triển Bình An là chủ đầu tư, tuy nhiên, sở hữu công ty này lại là một nhóm công ty khác.
Zone 9 được biết đến như là một tụ điểm vui chơi, giải trí ấn tượng của giới trẻ, tuy nhiên, vụ việc hỏa hoạn xảy ra vào cuối năm 2013 dẫn đến 6 người thiệt mạng, qua đó lộ rõ nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng đất đai của chủ đầu tư là Công ty Bình An, bên cạnh đó, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết khu “đất vàng” này còn được quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư một dự án bất động sản tầm cỡ.
Trao tay nội bộ?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dự án bất động sản tầm cỡ này trong những năm qua luôn biến động với những thương vụ chuyển nhượng, sang tay cổ phần Công ty Bình An liên tục diễn ra.
Được biết, 11.227m2 đất (Zone 9) nằm tại số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội có nguồn gốc là cơ sở sản xuất của Công ty Dược phẩm Trung ương 2 quản lý, năm 2007 được Chỉnh phủ cho phép di dời lên KCN Quang Minh (Vĩnh Phúc) và xin lập dự án đầu tư ở khu đất này.
Một công ty được lập ra để thực hiện dự án vào năm 2009 là Công ty Bình An, giữa Dược phẩm 2 và các đối tác khác. Năm 2010, Bình An được phê duyệt chủ trương là chủ đầu tư dự án. Theo Giấy chứng nhận kinh doanh, Bình An hoạt động kinh doanh BĐS, sơ sợi, xăng dầu,…năm 2011 vốn điều lệ là 580 tỷ đồng.
Năm 2011, nhằm thôn tính dự án này, Ocean Group thông qua công ty thành viên là Công ty CP khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH) mua lại phần vốn góp của CTCP Đầu tư và thương mại VNECO Hà Nội, CTCP sản xuất Nhật Minh và CTCP Đầu tư tài chính Đất Việt để có quyền sở hữu 54,52 triệu cổ phần, tương đương 94% vốn điều lệ của Bình An.
Trong đó OCH nhận từ VNECO Hà Nội là 27.332.500 cổ phần tại Bình An trị giá 146,3 tỷ. Theo báo cáo tài chính của OCH năm 2011 (đã kiểm toán), OCH và VNECO Hà Nội đã ký biên bản thanh lý hợp đồng để chuyển giao toàn bộ rủi ro, quyền và nghĩa vụ liên quan đến số lượng cổ phần này.
Tháng 4/2011, OCH nhận chuyển nhượng 20,59 triệu cổ phần Bình An, nâng lượng nắm giữ lên 40,89 triệu cổ phiếu, nắm 70,5% vốn tại Bình An. Số cổ phần này được OCH thông báo nhận từ Đất Việt. Sau đó, OCH đã chuyển số cổ phần này cho Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí VN (PVR) cũng ngay trong năm 2011, lãi từ thương vụ này hơn 79 tỷ đồng.
Đến 2012, OCH đã trả được phần tiền mua cổ phần cho VNECO Hà Nội, tuy nhiên, khoản 20 tỷ mua cổ phần từ Nhật Minh và hơn 45 tỷ từ Đất Việt OCH vẫn chưa trả xong.
Mặc dù Ocean Group đã thoái vốn dự án này cho PVR, tuy nhiên, theo quan sát của giới đầu tư thì bản chất Ocean Group vẫn đang có tầm ảnh hưởng chi phối dự án này. Bởi, Ocean Group đang trực tiếp nắm 19,27%, Công ty TNHH VNT sở hữu 15,7%, và Quỹ chứng khoán Hapaco nắm 24,05% (nhận ủy thác từ Oceanbank) tại PVR, với số cổ phần chi phối này, những đơn vị liên quan đến Ocean Group vẫn đang chi phối PVR, công ty nắm phần lớn dự án số 9 Trần Thánh Tông.
Được biết, năm 2011, PVR đã tính toán đầu tư dự án này (cao 9 tầng và 3 tầng hầm, chức năng là nhà ở, văn phòng và thương mại), với chi phí khoảng 2.114 tỷ đồng, trong đó có chi phí tiền sử dụng đất hơn 401 tỷ, tiền nhận chuyển nhượng dự án khoảng 480 tỷ và 803 tỷ là chi phí xây dựng.
Để triển khai dự án, năm 2011 PVR đã có hạn mức vay trên 315 tỷ từ Oceanbank, đến 3/2012, OCH và PVR đã ký một phụ lục hợp đồng, theo đó OCH sẽ thực hiện trả toàn bộ nợ phát sinh từ Hợp đồng tín dụng số 0062/2011/HDTD-OCEANBANK01 cho PVR do khoản vay này phục vụ cho Dự án số 9 Trần Thánh Tông. Được biết khoản vay có lãi suất 20%/năm tại thời điểm giải ngân, đến 30 tháng 06 năm 2013, số dư khoản vay này là hơn 128 tỷ và lãi suất tiền vay là 19%/năm.
Tương lai thế nào?
Mới đây, tháng 9/2013 HĐQT của PVR ra một Nghị quyết liên quan đến dự án số 9 Trần Thánh Tông. Theo đó, PVR quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (70,5% cổ phần) của mình tại Bình An cho đối tác khác.
Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Lê Huy Giang, Giám đốc PVR, cho biết Đại hội cổ đông PVR vào giữa 2012 đã có chủ trương thu hồi vốn tại Bình An, đến tháng 9/2013 HĐQT đã có nghị quyết chuyển nhượng 70,5% vốn tại dự án này, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được đối tác, và PVR cũng không có ý định bán hết số cổ phần trên. Cũng theo thông tin từ lãnh đạo PVR, cho đến nay công ty này mới chỉ giải ngân cho dự án số 9 Trần Thành Tông khoảng 6,5 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí hoàn thành thủ tục dự án.
TP Hà Nội mới đây cũng đã ra quyết định điều chỉnh lại chức năng dự án này thành tổ hợp văn phòng và trung tâm giới thiệu sản phẩm cao 7 tầng và 4 tầng hầm, vào tháng 5/2013. Việc kinh doanh tại Zone 9 cũng đã chính thức đóng cửa vào 23/12/2013 mới đây.
Một trong những thông tin mới nhất liên quan đến dự án này là lãnh đạo TP đã quyết định lập đoàn thanh tra toàn diện dự án này. Với động thái này, theo ông Lê Huy Giang rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ khởi động dự án vào quý 1/2014 sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Kiều Thuật