9 sự kiện kinh tế vĩ mô tiêu biểu 2012

31/12/2012 11:29 AM |

CPI tăng thấp, xuất siêu, phanh phui những vụ chuyển lỗ, trốn thuế...là những điểm sáng 2012. Tuy nhiên, nỗi lo kinh tế đình trệ, tiêu thụ kém, tồn kho cao vẫn trĩu nặng.

1. CPI 2012 chứa đựng nhiều bất ngờ

Nhìn lại năm 2012, CPI chỉ tăng 6,81% so với tháng 12/2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011. Nhưng, năm nay là năm chỉ số giá có nhiều biến động bất thường.

CPI tăng không quá cao vào 2 tháng đầu năm nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm.

Nhiều lo ngại cho rằng, CPI năm nay tăng thấp một phần lớn là do sức mua cạn kiệt, sản xuất đình trệ. Sức cầu yếu, dẫn đến chỉ số CPI giảm.

CPI 3 năm 2010 - 2012 (Tính theo tháng)

2. Việt Nam bất ngờ xuất siêu lần đầu sau 19 năm

Không chỉ CPI thấp bất ngờ, cán cân thương mại thặng dư 2012 cũng không phải là điều các chuyên gia dự đoán đầu năm nay. Cả năm 2012 Việt Nam đã xuất siêu 284 triệu USD.

Tuy nhiên, mặt trái của hiện tượng xuất siêu năm nay là xuất siêu ở khu vực FDI đến 12 tỷ USD còn khu vực trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD. Xuất siêu ở mảng hàng gia công, lắp ráp khiến bức tranh xuất siêu năm nay không được như kỳ vọng. 

Một điểm nữa là xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu tăng chậm hơn xuất khẩu. Sự đình đốn trong hoạt động của các doanh nghiệp trong nước khiến nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị giảm đáng kể.

3. Hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản

2012 là năm chứng khiến hàng loạt doanh nghiệp giải thể, phá sản. Bên cạnh việc tái cơ cấu, M&A, không ít các doanh nghiệp gặp khó khăn phải tìm đến con đường giải thể, phá sản.

Năm nay sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể. Tuy rằng số doanh nghiệp thành lập mới cũng lên tới con số 65.000 doanh nghiệp, nhưng phân tích của các chuyên gia cho thấy, 10.000 doanh nghiệp “ròng” bao gồm cả những doanh nghiệp trên thực tế đã “chết” nhưng chuyển sang đăng ký thành lập mới nhằm mục đích vay vốn chứ không phải là mới hoàn toàn.

Con số thực tế doanh nghiệp giải thể 11 tháng đầu năm là 48.473 doanh nghiệp. Cũng trong 11 tháng đầu năm 2012, đã có 65.091 thành lập mới, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2011 về số lượng doanh nghiệp và giảm 8,4% về số vốn đăng ký.

4. Năm "hạn" của ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản

Chứng khoán, ngân hàng và bất động sản đã qua thời hoàng kim và thực sự bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn trong năm nay. Nợ xấu, nợ khó đòi, nợ dây dưa trong lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống ngân hàng.

Ngấm khó khăn từ các doanh nghiệp, hàng loạt ngân hàng ghi giảm lợi nhuận. Bất động sản cũng không khá khẩm hơn. Cuối năm hàng loạt dự án được bán tháo, giải phóng tồn kho. Không ít các dự án được các nhà đầu tư rao bán và chấp nhận lỗ.

2012 cũng chứng kiến một loạt các công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản, giải thể. Theo số liệu quý 3/2012, đã có 56/100 công ty chứng khoán báo lỗ. Thị trường chứng khoán lao dốc, giá trị giao dịch sụt giảm khiến các công ty chứng khoán lâm vào cảnh thu không đủ bù chi. Đã có 3 công ty chứng khoán tự nguyện xin rời sân chơi, rút khỏi tư cách thành viên của hai sở HNX và HSX.

5. Phanh phui những vụ chuyển lỗ, trốn thuế

Những tháng cuối năm, dư luận xã hội “nóng” lên với những vụ “chuyển lỗ”, trốn thuế quy mô từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Coca-cola, Adidas, Pepsico, Keangnam - Vina là những vụ đầu tiên, và có thể chưa dừng lại ở đó. Việc quản lý các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một lần nữa được đặt ra những câu hỏi lớn.

Vấn đề đặt ra ở đây, theo kết luận sơ bộ của cơ quan Thuế, hành vi chuyển lỗ, trốn thuế thực tế đã kéo dài từ mấy năm nay. Đến gần đây, dư luận mới thực sự dấy lên sự lo ngại, nghi ngờ về những đóng góp thực sự của những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

6. Dòng vốn ngoại chảy chậm lại

Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, dòng vốn FDI sau khi đã giảm 26% và ODA giảm nhẹ so với năm 2010 lại tiếp tục giảm trong năm 2012.

Tuy dòng vốn ngoại vào Việt Nam đang chảy chậm lại nhưng điểm sáng là đã đi vào thực chất hơn khi dòng tiền đổ vào công nghiệp chế biến chế tạo và tiền giải ngân giảm không đáng kể.

Vốn FDI thực hiện năm 2012 đạt 10,46 tỷ USD, giảm 4,9% so với năm 2011, trong khi vốn đăng ký 12,72 tỷ USD, giảm mạnh 22,39%. 

Cam kết ODA cho năm 2013 chỉ còn 6,5 tỷ USD, giảm mạnh 12,2% so với 2012, tương đương 901 triệu USD.

Điểm sáng là dòng kiều hối lại được dự báo có khả năng tăng. Dự kiến kiều hối cả năm 2012 có thể lên tới 10 – 11 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với 2011. Trong khi đó mức tăng bình quân của những năm trước đây chỉ ở mức 10 – 15%. Kiều hối về Việt Nam thời gian qua chủ yếu chảy về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều lao động xuất khẩu. 

7. Điểm sáng đề án tăng lương, giảm thuế TNCN thông qua

Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng và điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu, thực hiện từ ngày 1/7/2013.

Từ ngày 1/1/2013 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Việc “chốt” mức khởi điểm chịu thuế TNCN 9 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/người cũng được đông đảo người dân đồng tình.

8. Doanh nghiệp nhà nước loay hoay tái cấu trúc

Tính chung cả hệ thống Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ROE 2011 đạt khoảng 18,57%. Các doanh nghiệp nhà nước bên cạnh vai trò “đầu tàu” kinh tế, mang lại an sinh xã hội đã lộ rõ nhiều bất cập. Nhiều nghìn tỷ đồng đầu tư rủi ro tập trung vào ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư thất bại gây thất thoát ngân sách không nhỏ.

Tính đến cuối năm 2011, nợ phải trả của khối doanh nghiệp nhà nước lên đến 1.292 nghìn tỷ đồng trong đó PVN 287 nghìn tỷ, EVN 275 nghìn tỷ và Vinacomin 71 nghìn tỷ.

EVN lỗ 2.589 tỷ đồng, Petrolimex lỗ 2.390 tỷ đồng và Vinalines lỗ 791 tỷ đồng là con số lỗ lớn điển hình của các doanh nghiệp nhà nước năm 2011 vừa được công bố cuối năm nay. Thậm chí, Viseri và Vinawaco đã âm vốn chủ sở hữu.

Bức tranh tình hình kinh doanh u ám với số nợ khổng lồ khiến công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước loay hoay tìm lối thoát và không tránh khỏi đánh đổi, trả giá. Việc tái cấu trúc không thể thực hiện ngày một, ngày hai. Bước đầu, Nhà nước đã yêu cầu tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty, yêu cầu thoái vốn khỏi những dự án đầu tư ngoài ngành, và thậm chí “hạ cấp” các tập đoàn thành Tổng công ty như Sông Đà, HUD. EVN buộc phải trở về kinh doanh chính là điện và các dịch vụ liên quan.

Kiến nghị giảm thuế TNDN từ 25% xuống 23% cũng đang được Bộ Tài chính gấp rút lấy ý kiến và dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2014.

9. Chính phủ quyết tâm vực dậy nền kinh tế

Kỳ họp quốc hội khóa XIII đã thẳng thắn nhìn nhận nhiều vấn đề. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đứng lên xin lỗi vì những yếu kém trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Vấn đề lợi ích nhóm được công nhận là “có tồn tại” và đưa ra mổ xẻ. Việc lấy phiếu tín nhiệm với những lãnh đạo cấp cao được đưa ra, tham nhũng bị trả giá đắt…

Việc tăng lương cơ bản, giãn, giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp, nâng mức thu nhập chịu thuế trong điều kiện ngân sách thâm hụt, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012, gia hạn 9 tháng thời gian nộp thuế đối với thuế TNDN từ năm 2011 trở về trước…thể hiện những cố gắng và quyết tâm của Chính phủ trong việc vực dậy nền kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô.

Ban Biên tập

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM