5 tháng đầu năm 2014, mới cổ phần hóa được 17 doanh nghiệp

16/06/2014 17:39 PM |

Năm 2014 - 2015 phải cổ phần hóa (CPH) xong 432 doanh nghiệp (DN). Gần 1/4 thời gian đã trôi qua, nhưng theo Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm 2014 mới CPH được 17 DN.

Doanh nghiệp cần

Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN được kỳ vọng sẽ là căn cứ quan trọng hỗ trợ việc thoái vốn của các DNNN. Tuy nhiên, đến nay hơn 3 tháng đã trôi qua nhưng chưa thấy có những hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính. 

Các bên liên quan, đặc biệt là một số DNNN đang có các khoản đầu tư thuộc diện phải thoái vốn cũng như các NHTM Nhà nước bắt đầu cảm thấy “sốt ruột” về vấn đề này.


Cho phép thoái vốn dưới mệnh giá và TTCK sôi động kỳ vọng sẽ giúp các DNNN đẩy nhanh tái cơ cấu và CPH

Tại Hội thảo “Phát huy vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” do Đảng ủy Khối DNTW và Ban Kinh tế TW Đảng tổ chức mới đây tại Hà Nội, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nêu rõ, việc thoái vốn ra khỏi lĩnh vực không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính trong điều kiện thị trường không thuận lợi, phải bảo toàn vốn và trước áp lực tất cả các DNNN đều phải thoái vốn hiện nay là rất khó khăn. PVN đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể.

Cùng đưa ra kiến nghị này, đồng thời Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTELL) nêu yêu cầu bổ sung không áp dụng quy định tại Điều 21, Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012, trong đó yêu cầu hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Bởi, nếu chiếu theo quy định này thì công ty mẹ VNSTELL và một số công ty con sẽ không thoả mãn được. 

Có thể hiểu ý của VNSTELL cũng như các DNNN khác ở đây là việc thoái vốn sẽ chỉ tuân theo Nghị quyết 15 và các văn bản hướng dẫn liên quan, chứ không còn gắn với các văn bản quy định khác trước đó để tránh những mâu thuẫn có thể nảy sinh trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, VNSTELL cũng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện CPH đối với các DN trực thuộc của công ty Nhà nước đã CPH, vì hiện mới chỉ có hướng dẫn cho công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn Nhà nước, để thúc đẩy CPH các DN này.

Ngân hàng muốn

Theo Nghị quyết 15/NQ-CP, các NHTM Nhà nước là những bên có thể mua lại các phần vốn thoái tại các công ty tài chính, NHTM mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang nắm giữ trong trường hợp các DNNN này không tự thoái được. 

Là những đối tượng có chuyên môn, nguồn nhân lực để tham gia quản lý các NHTM, công ty tài chính mà DNNN cần thoái vốn, các NHTM Nhà nước cũng chính là những chủ thể có nguồn lực tài chính để tham gia vào quá trình này. Tuy nhiên, quy trình thủ tục như thế nào? nguyên tắc xác định giá ra sao, trách nhiệm của từng bên là gì... là những vấn đề cần nhanh chóng phải làm rõ.

Điều mà các NHTM Nhà nước cần nhất hiện nay chính là các cơ chế, quy định, hướng dẫn cụ thể để thực hiện. “Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các hướng dẫn cụ thể về cơ chế để các NHTM có thể mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước”, đại diện BIDV kiến nghị. Và như ông Phạm Xuân Cảnh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy PVN thẳng thắn chỉ ra: Tiến độ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN còn chậm, thể hiện ở nhiều khâu, nhiều cấp.

Đặt trong lộ trình CPH 432 DNNN từ nay đến cuối năm 2015 thời gian cho các DNNN thoái vốn thực sự còn rất ngắn.
Lo ngại cảnh dồn ép khi tình trạng “hàng hóa” quá nhiều mà người mua ít và giá sẽ không thuận lợi là lo ngại của chính các DNNN hiện nay.

Đã vậy, nhiều DNNN cứ cố gắng xây dựng đề án để đảm bảo tiến độ trình lên cấp trên nhưng thực sự chưa lường hết được những khó khăn, bất cập nảy sinh phải tháo gỡ. DNNN đã biết là khó, là vướng rồi nhưng “cứ trình đã rồi chỉnh sửa sau”. Cách làm này làm nảy sinh thêm điểm nghẽn. “Phải nói là làm được như trong ngành giao thông vận tải vừa qua là hiếm có”, ông Cảnh thẳng thắn thừa nhận.

>> TS Trần Du Lịch: Đụng đến lợi ích nên họ không muốn cổ phần hóa

Theo Đỗ Lê

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM