20 năm qua, DN sản xuất lắp ráp ô tô được "nuông chiều" đến mức nào?
11/08/2014 07:16 AM
|
Hơn 10 năm được “đầu tư nghiêm túc” thương hiệu ngành công nghiệp ô tô vẫn là con số 0, và ưu đãi của Nhà nước bị lạm dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh lắp ráp, bán hàng.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014, toàn thị trường tiêu thụ 65.389 xe, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe con tăng 36%, xe tải tăng 24%. Lượng xe lắp ráp trong nước chiếm hơn 80%. Thaco dẫn đầu về số lượng xe bán ra, đóng góp hơn 32% sản lượng xe được bán ra trên thị trường trong kỳ với các thương hiệu xe Kia, Mazda, xe tải thương hiệu Hyundai.
Phải chăng đây là thành tựu đáng tự hào sau 10 năm ngành CN Ô tô Việt Nam được quy hoạch là ngành công nghiệp “quan trọng”, rồi “mũi nhọn”?
5 năm, 3 lần điều chỉnh mức độ ưu tiên, 2 bản quy hoạch phát triển được ban hành
Tháng 12/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020” với mục tiêu chung phát triển ngành công nghiệp Ô tô Việt Nam trên cở sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, kết hợp với khai thác và từng bước nâng cao công nghệ và thiết bị hiện có, đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường ô tô trong nước, hướng tới xuất khẩu ô tô và phụ tùng.
Mục tiêu cụ thể quan trọng trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Ô tô được phê duyệt năm 2002 là đối với xe phổ thông và xe chuyên dùng tỷ lệ nội địa hóa đến năm 2005 đạt 40% và đến 2010 đạt 60%; đối với xe cao cấp tỷ lệ nội địa hóa đến năm 2010 đạt 35-40%.
Tháng 10/2004, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020” với quan điểm “ngành CN ô tô là ngành công nghiệp rất quan trọng cần được ưu tiên phát triển” và phấn đấu năm 2010 có sản phẩm xuất khẩu. Các yêu cầu về cung thị trường và tỷ lệ nội địa hóa cơ bản không thay đổi so với bản quy hoạch năm 2002.
Đến tháng 4 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt “Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 – 2010, tầm nhìn 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển” trong đó “xếp ngành công nghiệp ô tô vào ngành công nghiệp mũi nhọn.”
Để đạt được mục tiêu đề ra, hàng loạt chính sách được ban hành để hỗ trợ ngành phát triển. Kết quả là, hiện, ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu, trong đó xe khách đáp ứng tới 94%, xe tải đáp ứng tới 74%.
Tuy nhiên, sau 10 năm ưu tiên phát triển, ngành công nghiệp ô tô được cho là thất bại khi linh kiện, phụ tùng trong nước sản xuất có hàm lượng công nghệ và tỷ lệ giá trị thấp; các doanh nghiệp Việt Nam và các liên doanh chỉ đi sâu vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa dưới 10% cho xe du lịch, khoảng 25% cho xe tải và 36% cho xe chở khách.
Vậy hơn 20 năm qua kể từ khi có những doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô được hưởng những ưu đãi gì?
Một, giai đoạn trước khi Chính phủ xác định công nghiệp ô tô là ngành quan trọng.... xe ô tô sản xuất trong nước được thuế tiêu thụ đặc biệt là 0%. Kết quả là trong giai đoạn này đánh dấu sự xuất hiện của 15 liên doanh lắp ráp xe ô tô để hưởng các ưu đãi về thuế, nhân công giá rẻ, đất đai rẻ...
Ở thái cực ngược lại, chính sách đưa ra đã thu hút, lôi kéo các hãng xe ô tô danh tiếng trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, ươm mầm cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước trong tương lai. Bằng chứng là cuối giai đoạn này 2 công ty tư nhân trong nước ra đời là Ô tô Trường Hải và Ô tô Xuân Kiên.
Hai, năm 2002, cùng với việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2010, tầm nhìn 2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất các chính sách thuế nhằm khuyến khích sản xuất ô tô thông dụng và chuyên dùng.
Đồng thời, các dự án đầu tư sản xuất ô tô thông dụng, chuyên dùng theo đúng quy hoạch phát triển được hưởng một số ưu đãi về đất đai, vốn vay tín dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đầu tư ngoài hàng rào.
Đến năm 2004, quyết định của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ để khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Nhà nước có một số chính sách hỗ trợ như sau:
Không tính thuế nhập khẩu theo bộ linh kiện rời dạng CKD, IKD; tính thuế nhập khẩu theo biểu thuế đối với linh kiện và phụ tùng nhập khẩu và theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm chế thử trong thời gian một năm kể từ khi sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường.
Đến năm 2007, khi ngành công nghiệp ô tô được xếp vào danh mục ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành được hưởng ưu đãi của ngành công nghiệp ưu tiên và được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí (không quá 50% vốn đầu tư) đối với các dự án bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất.
Có thể thấy, giai đoạn sau khi có quy hoạch và “nâng cấp” lên thành ngành công nghiệp mũi nhọn, các doanh nghiệp trong ngành ngoài các ưu đãi về vốn, tín dụng, đất đai, còn được hưởng ưu đãi từ thuế: (1) Thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn, giảm); (2) Thuế nhập khẩu phụ tùng thấp, thuế nhập khẩu linh kiện CKD, IKD 0% đến mức khoảng 1/3 -1/2 thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc; (3) Thuế GTGT 5% áp cho nhóm phụ tùng, máy móc cho đến hết năm 2008; (4) thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc được đánh ở mức cao làm tăng mức độ bảo hộ xe lắp ráp trong nước 230 -300%.
Giới phân tích cho rằng, hơn 10 năm được “đầu tư nghiêm túc” thương hiệu ngành công nghiệp ô tô vẫn là con số 0, và ưu đãi của Nhà nước bị lạm dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh lắp ráp, bán hàng.
Và,
Một bản quy hoạch mới cho giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp ô tô vừa được phê duyệt. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ ra sao khi mà câu Đến năm 2020 ô tô cá nhân “Made in Vietnam” khó rẻ như ta tưởng! vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Theo Q.Nguyễn
Theo CafeF/Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!