Thị trường gà rán Việt Nam xuất hiện thêm một tay đua cứng cựa: Là biểu tượng của du lịch Đài Loan và đã có hơn 550 cửa hàng trên khắp thế giới

03/11/2019 08:28 AM | Kinh doanh

Với những ưu điểm và khác biệt mà mình có, chắc chắn sự xuất hiện của thương hiệu J&G 1973 đến từ Đài Loan sẽ khuấy động thị trường gà rán vốn đang bình lặng tại Việt Nam.

Không phải bất cứ thứ gì người phương Tây ưa chuộng thì Việt Nam cũng thế, ví dụ như món gà rán. Hiện tại, Việt Nam không thiếu thương hiệu lớn nhất nhì thế giới, từ Mỹ đến Âu Á và cả bản địa, ví dụ như KFC, Lotteria, McDonalds, Bon Chon, Burger King, Otoke…; nhưng hầu hết chúng chỉ được con nít ưa chuộng, còn người lớn thì không.

Sự ‘kỳ thị’ của người lớn Việt Nam đối với món ăn phổ biến nhất thế giới này đến từ hai nguyên nhân chính sau: món ăn chứa nhiều dầu mỡ dễ ngán, thịt gà thường mềm bở và ít có vị ngọt tự nhiên như gà tươi. Nói chung với người Việt Nam, gà rán công nghiệp đồng nghĩa với không ngon và không tốt cho sức khoẻ.

Thế nên, đã có không ít lời bàn ra tán vào khi chị Trần Thị Thu Hiền – Giám đốc Công ty CP Joy Foods quyết định đứng ra làm tổng nhượng quyền của thương hiệu gà rán Đài Loan J&G 1973 tại Việt Nam. Tuy nhiên, với tư cách là người từng được trải nghiệm món ăn của thương hiệu này ở Đài Loan cũng như nhìn vào mô hình kinh doanh của J&G 1973, chị vẫn quyết tâm làm với niềm tin là người lớn Việt Nam sẽ thay đổi quan điểm về món gà rán khi thử nó.

Sở dĩ J&G 1973 chấp nhận để Joy Foods làm tổng nhượng quyền tại Việt Nam là bởi sự đồng điệu trong khao khát cung cấp thực phẩm và thức ăn tươi sạch

Thị trường gà rán Việt Nam xuất hiện thêm một tay đua cứng cựa: Là biểu tượng của du lịch Đài Loan và đã có hơn 550 cửa hàng trên khắp thế giới - Ảnh 1.

Bên ngoài cửa hàng J&G 1973 tại Phú Nhuận.

Được bắt đầu từ một xe gà rán tại chợ đêm thành phố Taichung vào năm 1973, trải quan hơn 40 năm gầy dựng và phát triển, J&G trở thành một trong những thương hiệu gà rán lớn nhất và được yêu thích nhất Đài Loan, với 50 chuỗi cửa hàng trên khắp đảo quốc này. Ngoài ra, J&G 1973 còn có 500 cửa hàng tại Canada, HongKong, Malaysia, Philippines, Singapore, Trung Quốc, Úc…

Có thể nói, gà rán J&G 1973 hay "Gà rán 1973 thần thánh" chính là một trong những đại sứ ẩm thực của ngành du lịch Đài Loan. Các website về du lịch đều khuyến nghị du khách khi đến Đài Loan nên ăn thử món gà của thương hiệu này. Và ngay cả CNN, vào năm 2013, cũng bình chọn J&G 1973 là một trong những món du khách ‘phải thử - must try’ khi đến thăm thú đảo quốc này.

"Như mọi khách du lịch khác, tôi cũng cố thử ăn món gà rán J&G 1973 khi đến du lịch Đài Loan. Sau khi ăn xong, tôi đã cảm thấy rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao nó ngon và khác những món gà rán trước đây mình từng ăn đến như vậy. Sau đó, khi đi qua vài tiệm J&G 1973 khác, tôi luôn thấy hình ảnh khách xếp một hàng dài để chờ tới lượt mình được phục vụ. Vậy nên, ý tưởng mang thương hiệu này về Việt Nam đã manh nha trong đầu tôi ngay trong chuyến du lịch đó", chị Thu Hiền kể về cơ duyên của mình với J&G 1973.

Thị trường gà rán Việt Nam xuất hiện thêm một tay đua cứng cựa: Là biểu tượng của du lịch Đài Loan và đã có hơn 550 cửa hàng trên khắp thế giới - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Thu Hiền – Giám đốc Công ty CP Joy Foods đang chia sẻ về cơ duyên của mình với J&G 1973.

Sau khi về Việt Nam, chị đã thử nhờ những người quen ở bên Đài Loan tìm hiểu thêm về J&G 1973 cũng như phương cách nhượng quyền của thương hiệu này. Rồi từ khi chính thức tiếp xúc đến khi Joy Foods nhận được cái gật đầu đồng ý của đối tác Đài Loan là hơn 1 năm. Tiếp theo, họ tốn hơn nửa năm nữa để qua Đài Loan học tập – rèn luyện, sau đó về Việt Nam septup quán – nhân sự - quy trình – vận hành….

"Thật ra, chúng tôi không phải là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đến J&G Group đề nghị được nhượng quyền J&G 1973. Tôi nghĩ, nguyên do chính khiến chúng tôi thành công thuyết phục được họ là bởi sự đồng điệu trong khao khát cung cấp thực phẩm và thức ăn tươi sạch cho người tiêu dùng. Tất nhiên, họ cũng đánh giá những khía cạnh khác như khả năng tài chính – quản lý – tiềm lực.

Trong hơn 1 năm, không chỉ nhân viên mà cả ban quản lý của Joy Foods cũng phải đến trụ sở J&G 1973 tại Đài Loan để học tập. Lúc đó, có giai đoạn mỗi ngày chúng tôi phải chặt 40kg thịt gà. Lúc đầu tôi hỏi vì sao mình làm quản lý phải học những thứ đó, đại diện của J&G 1973 đã nói với tôi rằng: càng là quản lý càng phải học nhiều – biết nhiều.

Ở nửa năm tiếp theo, khi chúng tôi về Việt Nam để bắt đầu gây dựng J&G 1973, đối tác Đài Loan cũng đã không ít lần bay đến Việt Nam, để kiểm tra mọi thứ xem chúng tôi làm có theo đúng quy chuẩn của họ hay không, nhất là về nguồn gốc thực phẩm đầu vào. Họ đặc biệt kỹ càng về đầu vào của tất cả các loại thực phẩm", chị Thu Hiền chia sẻ thêm.

Thị trường gà rán Việt Nam xuất hiện thêm một tay đua cứng cựa: Là biểu tượng của du lịch Đài Loan và đã có hơn 550 cửa hàng trên khắp thế giới - Ảnh 3.

Các món ăn tiêu biểu tại J&G 1973 Việt Nam.

Gà rán hương vị Trung Hoa nhưng theo phong cách Nhật, được làm từ gà tươi, chiên bằng dầu nậu nành 100% và thay mới mỗi ngày

Một trong những điều khiến chị Hiền rất tự tin khi đưa J&G 1973 về Việt Nam là bởi tính khác biệt của thương hiệu này so với các thương hiệu gà rán khác trên thị trường.

Đầu tiên, gàn rán và rau củ của J&G 1973 được chiên theo phong cách tempura của Nhật – khi được áo một lớp bột khá mỏng – trong và ít thấm dầu mỡ; nhưng, hương vị lại được tẩm ướp theo bí quyết riêng của gia tộc Huang tại Đài Trung, có ngũ vị hương – gia vị truyền thống của người Trung Quốc. Gà được tẩm ướp khá đậm đà nên không có nước chấm kèm theo và các loại thức ăn đi kèm khác như khoai lang, khoai tây hay khoai mỡ sẽ không tẩm ướp gì nhằm điều vị.

Tất cả gà để làm gà rán trong cửa hàng J&G 1973 đều tươi, tức là từ lò giết mổ đến cửa hàng chỉ trong 24h; sau 3 ngày, lượng gà tươi còn lại sẽ được mang đi tiêu hủy. 100% gà rán đều được chiên bằng dầu nậu nành và được thay mới mỗi ngày. Vì là bếp mở, nên thực khách có thể quan sát được màu sắc dầu để biết các nhân viên của quán có làm đúng quy định hay không. Chỉ khi khách đặt món, thì đầu bếp của cửa hàng mới bắt đầu nấu nướng.

Thị trường gà rán Việt Nam xuất hiện thêm một tay đua cứng cựa: Là biểu tượng của du lịch Đài Loan và đã có hơn 550 cửa hàng trên khắp thế giới - Ảnh 4.

Menu và bảng giá của J&G 1973 Việt Nam.

Thế nên, cảm nhận đầu tiên của người viết khi thử ăn các món gà rán J&G 1973 tại Việt Nam là thịt gà khá tươi và ngọt, giòn rụm nhưng ít dầu mỡ, thoang thoảng mùi ngũ vị hương và không cần nước chấm vẫn đậm đà. Món đùi gà rút xương của họ tương đối đậm vị, nhưng nếu ăn kèm với các loại thức ăn khác như nấm, khoai lang, khoai tây thì sẽ cảm thấy vừa miệng hơn.

Định vị thương hiệu gà rán tươi và tốt cho sức khỏe được J&G 1973 cùng Joy Foods quán triệt khá sâu sắc, khi thay vì để thực khách uống các loại nước ngọt có gas như thông thường thì họ có Sparkling Hoa Đậu Biết – gồm soda + nước cốt hoa đậu biếc + trái cây, Sparkling Yaourt – công thức sữa lên men Nhật kèm nước cốt trái cây và các loại trà trái cây như đào -vải - thơm…

Hiện tại, Joy Foods đã mở được 2 cửa hàng J&G 1973 tại Phan Xích Long – Phú Nhuận và Nhà văn hóa Thanh Niên – Quận 1 hơn 2 tháng. Trong tương lai gần, doanh nghiệp này cho biết sẽ nhanh chóng mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng ra khắp TP. HCM cũng như các tỉnh thành trong cả nước. Về phần J&G Group, trong năm 2020, ‘ông lớn’ này đang có kế hoạch bành trướng thương hiệu J&G 1973 đến Mỹ và Thái Lan.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM