Thị trường BĐS "nóng", khách “chốt” đất online ầm ầm
Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua bất động sản của không ít nhà đầu tư. Nếu như trước đây, để mua một miếng đất, nhà đầu tư phải đến tận nơi, xem trực diện, giao dịch thì đến hiện tại, họ sẵn sàng cọc tiền, thực hiện thủ tục giao dịch mà không cần gặp trực tiếp.
Bất chấp dịch bệnh, thị trường nhà đất trong vài năm qua liên tục có những cơn sốt đất. Trong đó, cơn sốt đất lan rộng vào cuối năm 2020 đầu năm 2021. Sau gần một năm chững lại do tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 thì nay thị trường BĐS lại được quan tâm trở lại.
Batdongsan.com.vn ghi nhận, thị trường bất động tiếp tục là kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm sau mỗi đợt Covid-19. Cụ thể, sau đợt dịch Covid-19 thứ nhất, mức độ quan tâm tới bất động sản tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 tăng 62%, sau Covid-19 lần 3 mức tăng là 376% và lần thứ 4 là 105%.
Nhiều nơi có giá đất tăng mạnh trong năm qua. Đơn cử như Hà Nội tăng 19%, Thái Nguyên tăng 123%, Lào Cai tăng 94%, Hòa Bình tăng 53%, Hưng Yên tăng 45%, Bắc Ninh tăng 41%, Quảng Ninh tăng 40%. Còn tại Đà Nẵng tăng 9%, TP. HCM giảm 8%...
Tưởng như dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội đã khiến việc mua, bán bất động sản trở nên khó khăn. Thế nhưng, mỗi khi thị trường lên cơn sốt không ít nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền online.
Anh N.M, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội đã "chốt" mua một lô đất tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) ngay cả khi thời điểm Hà Nội đang thực hiện giãn cách. Theo đó, nhà đầu tư này thông qua môi giới tại Bảo Lộc, quay video call trực tiếp để quan sát lô đất dự tính mua. Sau khi trao đổi qua điện thoại với chủ đất, anh N.M quyết định mua. Anh thực hiện uỷ quyền để môi giới làm thủ tục sang nhượng mua bán giúp và chuyển sổ đỏ.
Bất chấp dịch bệnh, một doanh nghiệp tại Hà Nội vẫn có khách cọc tiền mua đất nền tại Phú Thọ hay Bình Phước. Anh Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing chia sẻ, thay bằng hình thức xem trực diện, công ty anh thực hiện "đóng gói" hình ảnh của dự án đầy đủ bao gồm cả video, hình ảnh chi tiết đầy đủ.
Vì dịch khách hàng không thể lên được tận nơi xem, họ có thể quan sát, tìm hiểu sản phẩm thông qua video, hình ảnh thực tế, hình ảnh 360 này. Bằng phương án này, doanh nghiệp của anh Thắng vẫn "chốt" khách hàng. Anh Thắng chia sẻ, có nhiều khách hàng chỉ nhìn thông qua ảnh, video đã sẵn sàng cọc tiền.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, khó ai có thể nghĩ rằng, việc mua bán bất động sản online lại trở nên dễ dàng như vậy. Bởi với một bất động sản có giá trị lớn hàng tỷ đồng, giờ đây, hoạt động giao dịch đã không còn phải trải qua quá nhiều thủ tục cầu kỳ như xem kỹ lô đất, gặp mặt thương thảo giá trị sản phẩm, quyết định xuống tiền cọc, tiến hành chuyển nhượng tại văn phòng công chứng.
Một khảo sát từ Tập đoàn Property Guru cho thấy, trải qua giai đoạn Covid-19, người mua nhà ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng tìm kiếm bất động sản thông qua các kênh online ngày càng phổ biến. Nếu 5-10 năm trước, việc tìm mua một bất động sản thường qua giới thiệu từ người quen, bạn bè, môi giới thì hiện nay kênh Network này bị thay thế bởi nền tảng mạng xã hội, các chuyên trang thông tin.
Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam - VRES 2021, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực TP.HCM đặt ra vấn đề,trước đây câu hỏi về việc liệu có thể mua bán một sản phẩm có giá trị lớn như bất động sản thông qua hình thức online hay không? Liệu chúng ta có thể tổ chức một sự kiện bán hàng online mà không có sự hiện diện trực tiếp của khách hàng và việc thông qua các kênh trực tuyến để quảng bá, giới thiệu một sản phẩm bất động sản thay vì đi thực tế tận nơi để khảo sát dự án có khả thi?
Theo ông Tuấn, câu trả lời đã có trong năm 2021 vừa qua. Hiện nay chỉ cần ngồi trước màn hình, người mua người bán nhà thông qua các dịch vụ hỗ trợ vận hành đã có thể tham gia giao dịch mà không cần gặp gỡ trực tiếp.
Vị chuyên gia này nói, từ thời điểm 2020 tất cả các trải nghiệm mua nhà của khách hàng đã bắt đầu tiến vào số hóa. Con người dần quen với việc thông qua ứng dụng công nghệ để tìm hiểu sản phẩm, tiến hành giao dịch và chốt các đơn hàng thay vì thông qua các bước mua – bán truyền thống trước kia.
Ông tuấn cho rằng, công nghệ đã giúp thị trường đi nhanh hơn, giúp trải nghiệm khách hàng tốt hơn và giúp người kinh doanh bất động sản. có thêm con đường để phát triển trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Trong tình hình dịch bệnh, các công đoạn giao dịch này bị đảo lộn, không vận hành như thông thường và công nghệ mở ra giải pháp cho vấn đề này.