Theo chân dân công sở Hà Nội đi làm bằng xe đạp gấp, tàu điện và xe bus: Tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi tháng!
Trong bối cảnh bão giá như hiện nay, nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là dân công sở đang chuyển dần sang sử dụng phương tiện công cộng để đi làm để tiết kiệm chi phí đổ xăng.
4h30 sáng, khi tiếng chuông báo thức vang lên trong ngôi thuộc khu phố sầm uất ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), anh Phan Chí Hiếu bắt đầu thức dậy. Sau 30 phút chuẩn bị, chàng thanh niên xách ba lô, dắt xe đạp ra ngoài.
Hiếu ra khỏi cổng, trời đã sáng như ban ngày. Khí trời sáng sớm mùa hè thật trong mát bởi ít xe cộ, hai bên đường, nhiều ngôi nhà vẫn còn đang đóng cửa kín mít. Hiếu hít một hơi thật sâu để tận hưởng. Hôm nay, Hiếu về quê.
Hành trình từ Hà Nội về thị trấn Lương Sơn (Hoà Bình) khoảng 40km, không khói bụi, không tắc đường thu bé lại bằng những tiếng kêu của líp xe đạp gấp.
Chuyến đi này được Hiếu dự định mất khoảng 3 tiếng nhưng thực tế mất thêm 30 phút nữa vì anh chưa tính những lần dừng nghỉ. Sau hành trình đó, Hiếu trở thành người tạo cảm hứng cho người thân, bạn bè xung quanh.
Từ ngày giá xăng liên tục lập đỉnh, quay cuồng trong bão giá, Hiếu đi xe đạp nhiều hơn vừa để rèn luyện sức khoẻ vừa là một cách tiết kiệm chi phí đổ xăng.
Anh Phan Chí Hiếu chụp ảnh cùng chiếc xe đạp gấp
Những chiếc xe đạp gấp trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Với công việc làm trong lĩnh vực truyền thông, một tuần, anh Hiếu đổ xăng mất khoảng 200.000 nghìn đồng. Cách đây một tháng, khi tình trạng giá xăng tăng không ngừng, anh dần thay đổi phương tiện di chuyển.
"Ở Hà Nội, khi ra đường thường xuyên gặp cảnh ùn tắc giờ cao điểm, kèm theo nắng nóng và khói bụi, giá xăng ngày một tăng khiến tôi nghĩ đến phương tiện mới là xe đạp", anh Hiếu nói và cho biết, lúc mới chuyển về dùng xe đạp như thời học sinh, anh thấy khó khăn vì phải dùng nhiều sức.
"Thời gian sau, tôi đã quen và dần sử dụng chiếc xe đạp gấp thường xuyên. Chiếc xe đạp giúp tôi thay thế chiếc xe máy trong việc đi lại hàng ngày với lộ trình ngắn khoảng 7-8 km trong nội thành. Thậm chí đã có lần tôi đi xe đạp về quê.
Đi xe đạp vừa nhẹ nhàng lại tiết kiệm được chi phí đổ xăng, bảo vệ môi trường", anh Hiếu nói thêm.
Ngoài ra, anh Hiếu cũng chia sẻ, chiếc xe đạp của anh có thể gấp gọn và cho lên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện. Đây là xu thế nhiều người trên thế giới lựa chọn.
Giống như anh Hiếu, mỗi ngày trên tàu điện Cát Linh – Hà Đông có hàng chục người đang kết hợp sử dụng xe đạp, xe scooter điện (xe trợ lực điện gấp) để đi làm.
Từ 7h00 sáng, các toa của tàu điện luôn trong tình trạng chật kín, nhân viên công sở ngoài việc mang theo túi xách, hộp cơm, nhiều người mang theo xe đạp gấp.
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông luôn chật kín khách vào mỗi buổi sáng
"Điểm xuống của tàu điện cách công ty tôi 3km, tôi đi xe trợ lực vào công ty, tính cả quãng đường đi tàu vào tới công ty mất khoảng 30 phút. Nếu như bình thường đi xe cá nhân, tôi mất từ 1-2 tiếng tính cả tắc đường", chị Thu Hà cho hay.
Việc sử dụng kết hợp phương tiện giúp chị Thu Hà vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và vừa đảm bảo sức khoẻ.
Chị Thu Hà (ngoài cùng bên trái) kết hợp xe điện trợ lực gấp với tàu điện để đi làm
"Nếu như mỗi tháng tôi mất khoảng 600.000 đồng cho việc đổ xăng thì đến nay đã rút bớt được chi phí, đặc biệt là những ngày giá xăng tăng cao như hiện nay. Ngoài ra, đi làm như thế giúp tôi không còn thấy mệt mỏi nữa", chị Thu Hà nói.
Là admin của một nhóm xe đạp gấp có hơn 1.000 thành viên tại Hà Nội, anh Trần Thế Nam cho biết, mỗi ngày có hàng chục thành viên yêu cầu tham gia vào nhóm.
Theo anh Nam, sau Covid-19, người dân có nhu cầu rèn luyện sức khoẻ nên tìm đến xe đạp gấp. Bên cạnh đó, tàu điện trên cao đã mở rộng khai thác nên nhiều người gần cung đường hưởng ứng tham gia phương tiện giao thông công cộng bằng cách kết hợp với xe đạp gấp.
"Đặt trong bối cảnh tắc đường, do có đặc điểm nhỏ, gọn, dễ luồn lách nên dùng xe đạp gấp có thể kết hợp đi làm với tập thể dục. Đạp xe đạp có thể giúp người dân giảm bớt các bệnh văn phòng, đau vai, gáy, tê chân tay…", anh Nam nhận định.
Anh Nam đánh giá, việc giá xăng tăng sẽ thúc đẩy người dân quan tâm đến loại hình xe công cộng nhiều hơn. Tuy vậy, giá xăng tăng chỉ mang tính thời điểm bởi với nhu cầu hiện nay, dù giá xăng không tăng nhưng xu hướng đi xe đạp đi làm đã bắt đầu xuất hiện.
Tuy nhiên, không phải cứ mua xe đạp gấp là sẽ tiết kiệm được chi phí trong thời điểm bão giá như hiện nay. Trên thị trường hiện nay, một chiếc xe đạp gấp có giá trung bình từ 2-5 triệu đồng chưa kể phụ kiện.
Những chiếc xe đạp gấp có giá trung bình là vài triệu đồng nhưng có nhiều loại có giá trị hàng trăm triệu
Nếu chỉ với mục đích tiết kiệm trong thời gian ngắn, sẽ rất ít người chấp nhận để bỏ ra số tiền này. Ngoài ra, phải là người có niềm đam mê thể thao, nếu số phận của chiếc xe đạp mua về cũng có thể nằm gọn trong góc nhà.
Trên trang Trí thức trẻ, chị Bích Ngọc (34 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ, sau khi đọc báo chồng chị cũng quyết định mua một chiếc xe đạp với mục đích "giảm tiền xăng, tăng sức khỏe".
Thế nhưng, sau gần 3 tuần, chồng chị Ngọc vẫn chưa đạp đi làm được buổi nào. Theo chị Ngọc, chồng chị lý do "đau chân", "sợ cảm nắng"…và đợi cho đủ phụ kiện mua kèm theo gắn vào xe mới bắt đầu phục vụ cho những chuyến hành trình sắp tới.
"Thú thực là tiền xăng tiết kiệm chưa thấy đâu nhưng số tiền chồng tôi bỏ ra để mua "đồ chơi" cho xe đạp đã "kha khá" rồi", chị Ngọc nói.
Giao thông ở Việt Nam khiến nhiều người có tâm lý ngại đi xe đạp
Hiện tại, tuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông vừa được khai thác, cộng thêm việc xăng tăng giá kỷ lục có thể là thời điểm "vàng" để phát triển loại phương tiện công cộng này.
Xe đạp gấp có kích thước, trọng lượng được phép đưa lên tàu điện
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, giá xăng "lập đỉnh" được xem là một trong những nguyên nhân thời vụ gia tăng hành khách trong thời điểm này.
Thời gian qua, tàu điện Cát Linh - Hà Đông ghi nhận lượng người mang xe đạp gấp lên tàu ngày một nhiều, nói về việc này, ông Trường cho hay, đơn vị đã có quy chế theo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải về những hành lý có kích thước, trọng lượng được phép đưa lên tàu. Những chiếc xe đạp gấp, kích thước nhỏ gọn nằm trong danh mục được phép.
"Tuy vậy, trong trường hợp người dân không gấp xe, để cồng kềnh, thì chúng tôi không khuyến khích", ông Trường nói.
Đi làm bằng xe bus, tiết kiệm hàng triệu đồng
Từ ngày nghe đồng nghiệp trong công ty truyền tai nhau về phương tiện công cộng, chị Giang (ở Gia Lâm, Hà Nội, hiện là nhân viên tại một ngân hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh) không còn lái ô tô đi làm vào mỗi sáng nữa.
Cách đây 2 tháng, khi giá xăng bắt đầu tăng phi mã, chị Giang đã tìm hiểu về những chuyến xe bus điện đi qua nhà ở. "Tôi đã thử đi xe bus điện thì thấy chỉ với 1 chuyến xe có thể đến được văn phòng làm việc nên tôi quyết định chuyển phương tiện ngay.
Giá vé tháng của xe bus điện là 100.000 đồng liên tuyến. Trước đây, tôi đi ô tô đến công ty 1 tháng chi phí hết gần 3 triệu tiền xăng, chưa kể chi phí gửi xe, rửa xe, bảo dưỡng…".
Xe bus điện được nhiều người chuyển sang sử dụng làm phương tiện để đi làm
Theo chị Giang, từ ngày sử dụng phương tiện công cộng, chị vừa tiết kiệm được chi phí, vừa được thư giãn trước mỗi buổi làm việc và tránh được cảnh tắc đường.
"Nhược điểm lớn nhất của việc đi xe bus là giờ cao điểm phải đợi chuyến và thời gian đến công ty lâu hơn trước đây nên lịch sinh hoạt bị thay đổi. Nếu như đi xe riêng, tôi mất 1 tiếng, đi xe điện mất thêm 30 phút nữa", chị Giang cho hay.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (ở Sơn La) cho biết, công việc của anh thường xuyên phải xuống Hà Nội, trung bình mỗi tuần từ 2-3 lần. Trước đây, anh Tuấn di chuyển bằng xe ô tô cá nhân hết khoảng 1 triệu đồng/chuyến đi thì hiện tại hết khoảng 2 triệu/chuyến.
Để tiết kiệm chi phí, sau khi xuống Hà Nội, anh Tuấn gửi xe ô tô ở nhà bạn và di chuyển bằng xe bus. "Tôi buộc phải chọn phương án này vì giá xăng tăng, số tiền cho mỗi chuyến đi tăng gấp 2 lần ngày trước. Tôi sợ cảnh tắc đường ở Hà Nội, đi xe bus lại giúp tôi không còn phải đối mặt với nó", anh Tuấn nói.
Ngoài việc giảm chi phí, người dân sẽ không phải đối diện với tắc đường khi ngồi trên xe bus
Không chỉ người đi làm, dân công sở, trong hoàn cảnh bão giá như hiện nay, một bộ phận giới trẻ đang là sinh viên cũng chuyển sang đi xe bus như một cách để tiết kiệm chi phí.
Mỗi khi di chuyển với quãng đường từ 5-7km, em Nguyễn Văn Thảo, sinh viên trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công Nghiệp luôn chọn xe bus. Thảo tính nhẩm mỗi tháng đi xe bus chỉ mất 100.000 đồng còn đi xe máy sẽ mất 400-500.000 đồng.
"Sử dụng phương tiện công cộng rất sạch sẽ, giảm chi phí và tiện lợi. Tôi đang là một sinh viên, việc tiết kiệm được hàng trăm nghìn mỗi tháng có thể giúp được tôi làm nhiều việc khác", Thảo nói.
Clip: Người dân đi làm bằng phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí thời kỳ bão giá