Thêm ngân hàng cảnh báo chiêu lừa đánh cắp tiền trong tài khoản

02/05/2020 14:30 PM | Xã hội

Dù các ngân hàng liên tục cảnh báo thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao lừa đánh cắp mã OTP, yêu cầu đăng nhập website giả mạo ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng, nhưng vẫn có không ít người bị sập bẫy.

Agribank vừa tiếp tục cảnh báo các thủ đoạn giả mạo thương hiệu, website, người thân, cán bộ ngân hàng, nhân viên bưu điện, cơ quan thực thi pháp luật… với nhiều kịch bản nhằm đánh cắp thông tin tài khoản của khách hàng, chiếm đoạt tiền.

Mới đây, một người bán hàng online ở Hà Nội đã bị kẻ gian lừa đảo bằng những thủ đoạn đã được cảnh báo. Theo Agribank, chị N., (ngụ TP Hà Nội) thường xuyên bán hàng online, nhất là trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Mới đây, khi có khách đặt hàng, chị đã chủ động yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền trước rồi mới giao hàng. Kẻ gian thông báo đã chuyển cho chị qua ví điện tử, và gửi link trang web trangdientu.com để xác nhận nhận tiền.

Đây là một trang website lừa đảo, yêu cầu chị xác nhận tên, mật khẩu đăng nhập vào Internet Banking/Mobile Banking và từng bước xác thực mã OTP báo về điện thoại và bị rút tiền.

"Tuy là "nhận tiền" vào tài khoản nhưng các bước thực hiện của chị N., chính là thao tác "rút tiền" từ tài khoản của chính mình" - đại diện Agribank cảnh báo.

 Thêm ngân hàng cảnh báo chiêu lừa đánh cắp tiền trong tài khoản  - Ảnh 1.

Ngân hàng cảnh báo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Ảnh: Linh Anh

Một thủ đoạn khác đã từng được cảnh báo nhưng vẫn có người sập bẫy là đối tượng lừa đảo gọi đến số điện thoại của nạn nhân và nói có liên quan đến một tổ chức tội phạm mà cơ quan công an đang điều tra, yêu cầu chuyển tiền.

Cuối tháng 3-2020, chị H., (ngụ tỉnh Bắc Giang) nhận được điện thoại từ số máy lạ +882363822300, 0348010030 nói rằng đây là số máy của công an ở TP Đà Nẵng đang điều tra về một đường dây buôn bán ma túy, trong đó chị H., có liên quan. Để chứng minh không tham gia đường dây này, chị H., phải chuyển ngay hơn 940 triệu đồng vào tài khoản của một ngân hàng tại Đà Nẵng, nếu không sẽ bị bắt. Từ đó, đối tượng liên tục điện thoại hối thúc chị chuyển tiền.

"Nghe xong, chị H., vội vàng qua Agribank tỉnh Bắc Giang để rút sổ tiết kiệm chuyển khoản. Nhận biết đây là một trong những chiêu thức lừa đảo, lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã chủ động mời công an TP Bắc Giang đến làm việc, hướng dẫn chị lên phòng chức năng của công an tỉnh để được giúp đỡ. Số điện thoại lạ kia cũng không liên lạc với chị H., nữa" - đại diện Agribank kể lại.

Một số ngân hàng cho biết từ đầu năm đến nay, không ít trường hợp khách hàng nhận được những cuộc gọi mạo danh nhằm lừa khách hàng chuyển tiền. Thủ đoạn cũ nhưng chiêu thức ngày càng tinh vi hơn.

Vietcombank cũng vừa cảnh báo thủ đoạn mới khi kẻ gian lợi dụng dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp để lừa đảo. Một số thủ đoạn phổ biến của kẻ gian như giả mạo cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế... để gửi thư điện tử (email) có chủ đề liên quan Covid-19 như "Cập nhật thông tin về Covid-19", "Bán bộ kit test nhanh Covid -19" hoặc "Khai báo y tế liên quan đến Covid -19"…

Những email này đính kèm tệp tin chứa virus, mã độc hoặc đường link dẫn tới địa chỉ website, ứng dụng có lưu trữ các tệp tin chứa virus, mã độc. Khi người nhận email truy cập vào, mã độc sẽ lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của người nhận, đánh cắp thông tin rồi thực hiện giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó.

Để tránh mất tiền oan, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng thực hiện đúng các hướng dẫn giao dịch an toàn, tuyệt đối bảo vệ thông tin cá nhân từ mã tài khoản, mật khẩu đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, số thẻ, ngày hết hạn thẻ, số CVV thẻ, mã OTP… Không cung cấp những thông tin bảo mật này cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các link giả mạo, email, điện thoại, tin nhắn.

Theo Thái Phương

Cùng chuyên mục
XEM