Thêm một "thứ hai đen tối" khi VN-Index bốc hơi 33 điểm, cổ phiếu thép - chứng khoán - bất động sản đồng loạt "trắng bên mua"
Tính chung trên toàn thị trường, có tới 159 cổ phiếu giảm sàn, trong đó HoSE có 114 mã, HNX có 39 mã và UPCoM có 6 mã.
Thị trường chứng khoán chỉ còn một tuần giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán. Phiên đầu tuần này - 24/1 diễn ra không mấy tích cực khi chỉ số VN-Index chìm sâu trong sắc đỏ toàn bộ thời gian giao dịch.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 33,18 điểm (-2,25%) xuống mức 1.439,71 điểm - lần nữa xuyên thủng mốc 1.440 điểm. Đây cũng là phiên T+3 của các cổ phiếu được bắt đáy từ giữa tuần trước, do đó áp lực bán càng được đẩy lên cao. Thanh khoản toàn thị trường cải thiện so với phiên cuối tuần trước, lên ngưỡng 29.000 tỷ đồng.
Số mã giảm điểm trên sàn HoSE lên tới 419 mã, áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng vỏn vẹn 66 cổ phiếu. Riêng nhóm VN30, 24 cổ phiếu trong rổ này điều chỉnh giảm trong phiên hôm nay (đặc biệt SSI, GVR, POW giảm hết biên độ), chỉ có một vài cổ phiếu ngân hàng như VCB, TCB, ACB, MBB, CTG hay bluechips bán lẻ PNJ giữ được sắc xanh.
Tính chung trên toàn thị trường, có tới 159 mã giảm sàn, trong đó HoSE có 114 mã, HNX có 39 mã và UPCoM có 6 mã.
Đáng chú ý trong phiên hôm nay là sự lao dốc của nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán hay bất động sản. Cổ đông thép dường như vẫn chưa thể tìm lại thời hoàng kim khi hàng loạt cổ phiếu ngành thép vẫn đang lao dốc mạnh kể từ vùng đỉnh xác lập vào hồi tháng 10. Hầu hết cổ phiếu thép lại chìm sâu trong sắc đỏ, thậm chí giảm hết biên độ trong phiên hôm nay.
Dẫn đầu chiều giảm là HSG, SMC, NKG khi "bốc hơi" kịch biên độ 7% trong một phiên. Với HSG, từ mức đỉnh 49.850 đồng vào ngày 18/10/2021, mã này quay đầu, "miệt mài" giảm xuống mức 30.050 đồng/cổ phiếu vào phiên 24/1/2022, tương đương mức giảm 40%; SMC hay NKG cũng không tránh khỏi tình cảnh tương tự khi cổ đông nếu chẳng may "đu đỉnh" hồi tháng 10/2021, hiện tại giá trị cổ phiếu trong danh mục đã "bốc hơi" tới hơn 40%.
Cổ phiếu của "anh cả" HPG cũng đỏ lửa khi lao nhanh, xuyên thủng hàng lạt mốc hỗ trợ, kết phiên hôm nay tại mức 40.700 đồng/cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu HPG đã mất đi 31% giá trị trong khoảng 4 tháng, tương ứng vốn hóa bị thổi bay tới gần 80.000 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu thép khác cũng đồng loạt giảm mạnh như TLH giảm 6,7%, TVN giảm 6,3%, POM giảm 6%, VGS giảm 5,8%,...
Cùng chung tình cảnh là nhóm cổ đông nắm giữ cổ phiếu chứng khoán. Tưởng như triển vọng tươi sáng sẽ đến với cổ phiếu nhóm ngành này trong bối cảnh kênh đầu tư chứng khoán vẫn đang thu hút lượng lớn nhà đầu tư, tuy nhiên giá cổ phiếu chứng khoán vẫn loay hoay chưa thể tìm ra xung lực bứt phá trở lại. Sau những dấu hiệu điều chỉnh từ cuối tuần trước, sang phiên hôm nay thì cổ phiếu chứng khoán đồng loạt điều chỉnh với 16/25 mã giảm hết biên độ và 8/25 mã đỏ lửa. Đà giảm này cũng khiến chứng khoán lọt vào top ngành giảm nhiều nhất nhiều nhất trên thị trường hôm nay khi mất tới 7,24%.
Không chỉ những cổ phiếu vừa và nhỏ như SHS, VIG, TCI, HBS, MBS, CSI, PSI, EVS chịu điều chỉnh mạnh mà hàng loạt ông lớn đầu ngành như VCI, VND, SSI, HCM cùng giảm hết biên độ. Sắc xanh tăng giá ghi nhận duy nhất tại mã VDS với tỷ lệ tăng 0,6% lên 34.200 đồng/cp.
Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đồng loạt ghi nhận sắc "xanh sàn" khi kết phiên, đặc biệt là những mã có chuỗi tăng "siêu nóng" trước đó.
CEO có thời điểm đã đụng giá trần trong phiên hôm nay, tuy nhiên áp lực bán ra quá mạnh khiến thị giá giảm nhanh, thậm chí gần chạm sàn với mức 9,1% về 57.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, những mã DIG, CII, HQC, NLG, QCG, DXG, LCG, DRH, LDG, NBB, VCG giao dịch trên HoSE đồng loạt giảm sàn "trắng bên mua", nhiều cổ phiếu dư bán tại giá sàn hàng triệu đơn vị.
Tuy nhiên, không chỉ những mã "tăng sốc" bị "giảm sâu", nhiều mã vốn hóa lớn không tăng mạnh trước đó cũng phải chịu chung áp lực bán ra mạnh khiến giá cổ phiếu giảm. KDH giảm 3,3% về 49.100 đồng/cp, DPG giảm 16% xuống 69.300 đồng/cổ phiếu, VIC giảm 0,5% về mức 95.000 đồng/cổ phiếu.
Có thể thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa bớt hoang mang khi lực bán vẫn đang tỏa ra trên diện rộng sau những sự cố trên sàn chứng khoán thời gian qua. Lực đỡ đến từ sắc xanh le lói tại các mã nhà băng là không đủ với sự điều chỉnh đồng loạt của nhiều nhóm ngành khác.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến gần đây, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam đa đưa ra ý kiến về đà tăng "nóng" kèm thanh khoản tăng cao của nhóm cổ phiếu bất động sản. Ông Tuấn cho rằng điều này có lý do, bởi nhiều nhà đầu tư thường dựa vào quỹ đất của doanh nghiệp sở hữu nhân giá để ra doanh thu. "Tuy nhiên, ai làm trong ngành bất động sản sẽ hiểu mọi thứ không hề đơn giản như vậy", ông Tuấn cho hay
"Những cổ phiếu BĐS tăng "nóng" 5-7 lần thực sự nằm ngoài mọi phân tích của chúng tôi.... Tôi không dám khuyên có nên mua những cổ phiếu bất động sản đầu cơ đã chiết khấu 30 - 40% và đang có dấu hiệu phục hồi. Bản thân Dragon Capital sẽ chỉ đầu tư vào những cổ phiếu mà chúng tôi tin là có mức định giá phù hợp, có mức chiết khấu dòng tiền hợp lý", chuyên gia đến từ Dragon Capital nêu quan điểm
Trong khi đó, nhận định về cổ phiếu ngành thép, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng Phòng Phân tích & Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng đây là hệ quả của việc ngành này đang thiếu đi sức bật tăng trưởng của năm 2022 khi không còn được hưởng lợi từ sự tăng giá và nhu cầu cao của các thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Khoa vẫn đánh giá cao triển vọng sản lượng của thị trường nội địa khi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước dần hồi phục và thích nghi với diễn biến dịch bệnh. Tổng hòa lại, chuyên gia đến từ Agriseco nhận định triển vọng chung toàn ngành thép trong năm 2022 là không quá nổi bật nhưng sẽ là câu chuyện phân hóa mạnh mẽ vào từng doanh nghiệp, cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng riêng.