Thêm một khoản đầu tư đình đám ngành tài chính dính bê bối, SoftBank sắp mất trắng 2 tỷ USD vốn đầu tư

14/03/2021 15:27 PM | Kinh doanh

Cũng giống như Wirecard và Wework, Greensill được đánh giá cao ở ý tưởng, tuy nhiên cách thực hiện của họ là không tốt; đồng thời việc cố gắng che đậy những điểm sai sót ấy (được tiếp tay bởi chính Softbank) càng làm họ sa lầy và dẫn đến việc không thể tránh khỏi đó là phá sản.

Softbank là một trong những ngân hàng đầu tư thuộc loại hàng đầu thế giới. Dưới sự lãnh đạo của CEO Masayoshi Son, công ty đã thành lập quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) và tham gia vào rất nhiều thương vụ đầu tư trên toàn cầu vào nhiều công ty start – up, nổi bật là Wework và Wirecard.

Điểm chung của cả 2 công ty này đó là đều làm ăn vô cùng thành công trong thời gian đầu và được định giá rất cao, tuy nhiên sau đó, người ta đã phát hiện ra sự gian dối trong cách làm ăn của họ.

Mặc dù có vẻ ngoài hào nhoáng, nhưng tình hình kinh doanh của những doanh nghiệp nêu trên đều đã sa sút và lâm vào khủng hoảng, song vẫn được che đậy bởi rất nhiều chiêu trò. Mới đây nhất, một thương vụ đầu tư nữa của Softbank là Greensill Capital cũng đã tuyên bố tình trạng mất khả năng trả nợ và có nguy cơ bị bán lại trong thời gian tới.

Được thành lập từ năm 2011 bởi tỷ phú Lex Greensill, Greensill Capital cung cấp dịch vụ tài chính chuỗi cung ứng (supply chain financing – hay còn gọi là bao thanh toán ngược – reverse factoring) và một số sản phẩm khác tại Châu Âu, châu Mỹ Latin, Bắc Mỹ và châu Á.

Công ty có trụ sở tại London này cũng làm việc với nhiều ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức để được cung cấp nhiều nguồn tài trợ vững chắc cho những dịch vụ mà họ cung cấp. Trong những loại hình dịch vụ của Greensill, nổi bật nhất là "bao thanh toán ngược" và các sản phẩm tài chính phái sinh.

Đối với bao thanh toán, một nhà cung cấp sẽ bán các hóa đơn đã xuất cho khách hàng với một bên thứ ba. Bên thứ ba này sẽ chịu trách nhiệm trong việc thu hồi số tiền nợ này từ những khách hàng đó.

Tuy nhiên, đối với bao thanh toán ngược, bên thứ ba này sẽ thanh toán các khoản nợ cho nhà cung cấp trước với một mức chiết khấu sau đó mới thu hồi nợ của các công ty – khách hàng của họ. Quá trình này diễn ra nhanh chóng và tiện lợi hơn rất nhiều cho các bên, đặc biệt là đối với nhà cung cấp khi nó giúp họ dễ dàng quản lý được dòng tiền cũng như giảm chi phí đối với khoản phải thu.

Ngoài ra, bao thanh toán ngược là một cơ chế ngoại bảng, do đó, nó giúp báo cáo tài chính của các công ty "đẹp" hơn, đặc biệt ở các chỉ số vòng quay vốn lưu động, vòng quay khoản phải trả...

 Thêm một khoản đầu tư đình đám ngành tài chính dính bê bối, SoftBank sắp mất trắng 2 tỷ USD vốn đầu tư  - Ảnh 1.

So sánh bao thanh toán ngược với bao thanh toán và thanh toán truyền thống (Ảnh: Moody’s)

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng phương pháp này có thể được sử dụng nhằm ngụy tạo dòng tiền, che giấu các khoản nợ trên báo cáo tài chính cũng như gây áp lực tới những nhà cung cấp khi họ sẽ buộc phải chấp nhận chiết khấu trên những hóa đơn của mình. Hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty không thể thanh toán được những khoản nợ ấy cho bên thứ ba - mà ở đây là Greensill?

Điều này sẽ dẫn đến thua lỗ nặng nề cho công ty và những ngân hàng đứng sau tài trợ, khi mà Greensill không có khả năng thanh toán được những khoản vay cho ngân hàng mà họ sử dụng để thanh toán trước tiền cho các nhà cung cấp.

Và vấn đề này đã thực sự diễn ra khi mà một trong những đối tác của họ, đồng thời cũng là công ty được tài trợ bởi quỹ Tầm nhìn- Start up xây dựng Katerra - không có khả năng trả nợ. Mặc dù được thanh toán trước cho các nhà cung cấp bởi Greensill cũng như được chính công ty này bỏ ra tới 435 triệu USD để mua lại 5% cổ phần cộng với 200 triệu USD tài trợ thêm của Softbank vào cuối năm ngoái, song với sự yếu kém của mình, Katerra đã không thể thanh toán được khoản nợ này. Điều này đã tạo bước ngoặt đối với Greensill, khiến khả năng trả nợ cho các ngân hàng đã rót vốn cho họ trở nên vô cùng mờ mịt.

 Thêm một khoản đầu tư đình đám ngành tài chính dính bê bối, SoftBank sắp mất trắng 2 tỷ USD vốn đầu tư  - Ảnh 2.

Start – up xây dựng Katerra không có khả năng trả nợ cho Greensill là hồi chuông đầu tiên về cách thức hoạt động của doanh nghiệp này (Ảnh: Global Construction Review)

Năm 2019, Softbank được cho là đã đầu tư tới 1.5 tỷ USD vào Greensill và thêm 400 triệu USD nữa vào cuối năm 2020 nhằm giúp công ty này hoạt động. Ngoài ra, Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn nhất ở Thụy Sĩ, cũng liên kết với công ty thông qua một quỹ tài trợ trị giá tới 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, tới tháng 3 năm 2021, Credit Suisse đã đóng băng quỹ nêu trên, trong khi Softbank nhiều khả năng sẽ ghi nhận khoản đầu tư của họ vào Greensill là... 0 đồng. Đồng thời, Greensill cũng được Credit Suisse yêu cầu hoàn trả khoản vay trị giá 140 triệu USD (100 triệu bảng Anh) và bị công ty bảo hiểm của họ từ chối gia hạn hợp đồng trị giá 4.6 tỷ USD. Do đó, Greensill chính thức điền vào đơn phá sản cách đây chỉ vài ngày vì không có khả năng thanh toán các khoản nợ.

Họ sẽ phải tái cấu trúc lại toàn bộ công ty, và có tin nhà đầu tư tới từ Hoa Kỳ Apollo Global đang có kế hoạch mua các bộ phận của Greensill với giá 59,5 triệu USD (khoảng 43 triệu bảng Anh) tiền mặt. Khoảng 50,000 nhân viên hiện đang làm cho Greensill đứng trước khả năng mất việc.

 Thêm một khoản đầu tư đình đám ngành tài chính dính bê bối, SoftBank sắp mất trắng 2 tỷ USD vốn đầu tư  - Ảnh 3.

Greensill hoàn toàn không có khả năng trả nợ và sẽ được mua lại với giá gần... 60 triệu USD (Ảnh: Financial Times)

Có thời điểm, Greensill được định giá tới 4 tỷ USD (2.8 tỷ bảng Anh), với doanh thu năm 2019 đạt 420 triệu USD (tăng 79% so với năm 2018). Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, khoản tiền của Softbank rót vào công ty này có nguy cơ mất trắng khi chính ngân hàng này cũng đã có những động thái ghi nhận giá trị đầu tư vào Greensill là 0 đồng.

Phạm Tiến Đạt

Từ khóa:  Softbank
Cùng chuyên mục
XEM