Thêm một công việc "hào nhoáng" bị tước đoạt vào tay trí tuệ nhân tạo: Không ai thoát khỏi AI, cố đòi lại nhưng vô vọng!

18/05/2023 09:59 AM | Sống

Trí tuệ nhân tạo AI đang tiếp tục cướp đi một trong những công việc có vị thế và tiếng nói rất lớn trong ngành giải trí.

Đến biên kịch phim cũng sợ mất việc vì AI

Xét trên mọi tiêu chí, John August là nhà biên kịch thành công. Anh chính là người viết những bộ phim như "Big Fish", "Charlie's Angels" (Những thiên thần của Charlie) và "Go." Nhưng ngay cả một người làm việc trong ngành phim ảnh kỳ cựu, August vẫn lo ngại AI sẽ tác động đến công việc của mình.

Một loạt công cụ AI mới mạnh mẽ, được đào tạo trên kho dữ liệu trực tuyến khổng lồ, giờ đây có thể tạo các bài tiểu luận, lời bài hát và các tác phẩm viết để đáp lại yêu cầu của người dùng.

Mặc dù có những giới hạn về tính hiệu quả trong việc tạo ra những câu chuyện sáng tạo hấp dẫn, nhưng AI đang ngày càng trở nên tiên tiến hơn, khiến các cây viết như August phải cảnh giác.

"Các nhà biên kịch lo ngại về việc kịch bản sẽ trở thành tài liệu trung chuyển đưa vào hệ thống để biến tấu ra các kịch bản khác, cách xử lý và viết ý tưởng câu chuyện", August, thành viên ủy ban của Hiệp hội Nhà văn Mỹ (WGA), nói với CNN.

"Công việc chúng tôi làm không nên để bị thay thế bởi những hệ thống như vậy".

August là một trong số hơn 11.000 thành viên của WGA đã đình công trong tháng này, khiến quá trình sản xuất một số chương trình truyền hình phải tạm dừng, gây ra sự trì hoãn ra mắt các mùa mới vào cuối năm nay.

Thêm một công việc "hào nhoáng" bị tước đoạt vào tay trí tuệ nhân tạo: Không ai thoát khỏi AI, cố đòi lại nhưng vô vọng! - Ảnh 1.

WGA đang yêu cầu Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình (AMPTP) thực hiện một loạt thay đổi, từ việc tăng lương cho đến hướng dẫn trong hợp tác với các dịch vụ phát trực tuyến. Bên cạnh đó, WGA cũng đang đấu tranh để bảo vệ sinh kế khỏi AI.

Trong một đề xuất được công bố trên trang web của WGA trong tuần này, hội cho biết AI nên được quy định để "không thể viết hoặc viết lại tài liệu văn học, không được sử dụng làm tài liệu nguồn" và tác phẩm của các nhà văn "không thể được sử dụng để huấn luyện AI".

WGA cho biết đề xuất này đã bị AMPTP từ chối.

Nỗ lực mặc cả về AI của giới biên kịch có lẽ là trận chiến lao động cấp cao nhất nhằm giải quyết những lo ngại về ảnh hưởng của công nghệ kể từ khi ChatGPT được phát hành ra công chúng.

AI trong điện ảnh và truyền hình

AI đã có chỗ đứng ở Hollywood trong nhiều năm. Trong bộ phim nổi tiếng của Marvel – "Avengers Infinity Wars" năm 2018, khuôn mặt của Thanos – nhân vật do nam diễn viên Josh Brolin thủ vai – được tạo ra một phần nhờ công nghệ này.

Đám đông và cảnh chiến đấu trong các bộ phim như "Chúa tể những chiếc nhẫn" và "Meg" cũng sử dụng AI, và bộ phim Indiana Jones gần đây nhất đã sử dụng công nghệ để giúp nhân vật của Harrison Ford trông trẻ hơn.

Thêm một công việc "hào nhoáng" bị tước đoạt vào tay trí tuệ nhân tạo: Không ai thoát khỏi AI, cố đòi lại nhưng vô vọng! - Ảnh 2.

Công cụ cũng được sử dụng để hiệu chỉnh màu sắc, tìm kiếm cảnh quay nhanh hơn trong quá trình sản xuất hậu kỳ và thực hiện các cải tiến như loại bỏ vết trầy xước và bụi khỏi cảnh quay.

Nhưng AI trong viết kịch bản vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Vào tháng 3, một tập phim "South Park" có tên "Deep Learning" do ChatGPT đồng sáng tác và công cụ này cũng trở thành trọng tâm trong cốt truyện.

August cho biết các biên kịch phần lớn đều sẵn sàng kết hợp với công cụ mới, miễn là chúng được sử dụng làm nền tảng hỗ trợ hoặc nghiên cứu, trong khi biên kịch vẫn được ghi nhận và trọng dụng trong suốt quá trình sản xuất.

"Chúng tôi đã chuyển từ máy đánh chữ sang phần mềm xử lý văn bản một cách vui vẻ và điều này giúp tăng năng suất làm việc. Nhưng chúng tôi không cần một chiếc máy đánh chữ kỳ diệu có thể tự gõ tất cả các kịch bản", August nói.

Bởi vì các mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo trên văn bản mà con người đã viết trước đó nên các mối quan tâm về quyền sở hữu trí tuệ cũng tồn tại.

"Chatbot hoàn toàn có thể tạo ra một kịch bản theo phong cách của một nhà làm phim hoặc nhà viết kịch bản cụ thể mà không có sự đồng ý trước của nghệ sĩ gốc hoặc hãng phim Hollywood nắm giữ bản quyền", David Gunkel, giáo sư tại khoa truyền thông tại Đại học Bắc Illinois, cho biết.

Ví dụ: Người dùng có thể yêu cầu ChatGPT tạo một bộ phim truyền hình về ngày tận thế zombie theo phong cách của David Mamet.

Dù các hãng phim có phản ứng thế nào, thực trạng khó thay đổi ở Hollywood. August cho biết hợp đồng của các diễn viên điện ảnh và truyền hình sẽ hết hạn vào tháng 6 và nhiều người lo lắng về việc khuôn mặt, cơ thể và giọng nói của họ cũng sẽ bị thay thế bởi AI.

Theo Mạnh Kiên

Cùng chuyên mục
XEM