Thêm chi tiết trong chiếc điện thoại 'cây nhà lá vườn' mới của Huawei khiến giới công nghệ 'choáng': 'Greentooth' thay cho bluetooth, kiêm luôn cả wifi

26/09/2023 11:03 AM | Kinh doanh

Đằng sau chiếc điện thoại mới ra mắt của Huawei là rất nhiều những câu chuyện khiến thế giới công nghệ ngỡ ngàng.

Thêm chi tiết trong chiếc điện thoại 'cây nhà lá vườn' mới của Huawei khiến giới công nghệ 'choáng': 'Greentooth' thay cho bluetooth, kiêm luôn cả wifi - Ảnh 1.

Huawei – đối thủ ở Trung Quốc của Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh và là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về cơ sở hạ tầng viễn thông đang chứng minh rằng họ không chỉ sống sót sau những chiến dịch trừng phạt của Mỹ mà còn nổi lên như một thế lực tiên phong trong việc tự lực công nghệ của nước nhà.

Chiếc điện thoại thông minh tốc độ cao mới của Huawei xuất hiện đã cho thấy rằng Trung Quốc có thể tự xoay chuyển khi mà Mỹ nỗ lực cấm họ tiếp cận những công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, vào thứ 2 vừa qua Huawei tiếp tục ra mắt mẫu máy tính bảng mới nhất, đồng hồ thông minh và tai nghe – được hỗ trợ bởi một loạt các công nghệ “cây nhà lá vườn” vốn kỳ vọng là đối trọng của Bluetooth và wifi – những tiêu chuẩn giao tiếp không dây toàn cầu.

Ban đầu được đặt tên là “Greentooth”, công nghệ này sau đó được đổi tên thành “NearLink”, một công nghệ không dây tầm ngắn mà công ty cho biết kết hợp các tính năng tốt nhất của cả Bluetooth và Wi-Fi. Giao thức này cung cấp khả năng kết nối nhẹ, tiêu thụ ít năng lượng giống như Bluetooth, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về tốc độ cao, đường truyền lớn và kết nối chất lượng cao giống như Wi-Fi. Huawei cho biết NearLink chuyển đổi giữa các chế độ tùy theo tình huống.

Trong bối cảnh các hạn chế ngày càng tăng của Mỹ, phía Trung Quốc đã tăng gấp đôi nỗ lực nhằm đạt được khả năng tự cung cấp các công nghệ quan trọng. Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang đã đến thăm các công ty tư nhân trong đó có Huawei vào tháng trước, kêu gọi họ theo đuổi sự xuất sắc quốc tế và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường thông qua cải tiến công nghệ và sản phẩm.

Bluetooth và Wi-Fi đều là công nghệ giao tiếp không dây, cho phép truyền ảnh, tài liệu và dữ liệu khác giữa các thiết bị tương thích. Phát triển công nghệ truyền thông không dây đòi hỏi chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, bao gồm xử lý tín hiệu, giao thức truyền thông không dây và phát triển phần mềm.

Apple đã dành nhiều năm và hàng tỷ USD để cố gắng tạo ra chip không dây của riêng mình nhưng cho đến nay vẫn không thành công. IPhone mới nhất vẫn phụ thuộc vào Qualcomm cho thành phần đó.

Huawei nắm giữ hàng chục nghìn bằng sáng chế về các công nghệ thiết yếu để truyền dữ liệu trên điện thoại. Để truy cập mạng tốc độ cao, các nhà sản xuất thiết bị cầm tay phải xin giấy phép từ hoặc cấp phép chéo với các công ty như Qualcomm và Huawei.

Theo bảng xếp hạng gần đây của IPR Daily, một cơ quan truyền thông có trụ sở tại Trung Quốc, từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2023, Huawei chỉ đứng sau Qualcomm về số lượng bằng sáng chế công nghệ mạng truyền thông không dây mà hãng đã công bố, nắm giữ hơn 8.000 bằng sáng chế, Ericsson đứng thứ ba. Ericsson là nhà phát minh ra Bluetooth, hiện được giám sát bởi Bluetooth Special Interest Group, hay Bluetooth SIG, tổ chức tiêu chuẩn cấp phép công nghệ này cho các nhà sản xuất.

Trong trường hợp của Huawei, công ty này bị hạn chế quyền truy cập vào một số hiệp hội công nghệ lớn trên toàn cầu sau các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nếu không có quyền truy cập đầy đủ, các thiết bị của công ty, bao gồm điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay, có thể gặp phải những hạn chế trong việc sử dụng các tính năng quan trọng như Bluetooth và Wi-Fi.

Giám đốc điều hành Huawei Wang Jun cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với truyền thông Trung Quốc, mặc dù sau đó đã được khôi phục nhưng họ vẫn quyết định phát triển công nghệ của riêng mình.

Bluetooth SIG từ chối bình luận về các vấn đề liên quan đến tư cách thành viên của mình. Liên minh Wi-Fi cho biết vào thời điểm đó rằng họ đang tuân thủ lệnh của Bộ Thương mại Mỹ bằng cách hạn chế sự tham gia của Huawei vào một số hoạt động nhất định, nhưng họ không thu hồi tư cách thành viên.

Huawei cho biết NearLink sử dụng ít hơn một nửa năng lượng của Bluetooth, nhanh hơn sáu lần, có độ trễ bằng 1/30 hoặc thời gian để dữ liệu truyền từ điểm này đến điểm khác và hỗ trợ gấp 10 lần số lượng thiết bị trong mạng.

Công nghệ NearLink được giới thiệu vào tháng 12/2021, tập trung vào các ứng dụng dành cho ô tô. Vào tháng 8, Richard Yu, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đã tuyên bố tích hợp vào hệ sinh thái hệ điều hành mà họ tự phát triển dành cho các thiết bị tiêu dùng. Khi trình bày bài thuyết trình đó, các biểu tượng Bluetooth và Wi-Fi thường thấy trên điện thoại thông minh đã hội tụ trên màn hình phía sau thành biểu tượng “NearLink” màu xanh lá cây.

Yu cho biết hôm thứ hai, công nghệ này đã tìm thấy các ứng dụng trong điện tử tiêu dùng, xe điện, sản xuất công nghiệp… cung cấp khả năng kết nối cho hệ sinh thái “cây nhà lá vườn” của Huawei. NearLink đang cho thấy tầm quan trọng khi Huawei phải vật lộn để đối phó với tác động của các lệnh trừng phạt gây khó khăn cho việc tìm nguồn chip tiên tiến cần thiết để cung cấp năng lượng cho các thiết bị của mình.

Yu đã không giới thiệu các thiết bị cầm tay tốc độ cao mới nhất trong buổi thuyết trình hôm thứ hai mà chỉ nói rằng công ty đang phải làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Một báo cáo từ nền tảng thông tin bán dẫn TechInsights của Canada cho biết nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International, đã sản xuất chip lõi bên trong điện thoại thông minh mới của Huawei nhưng vẫn chứa các thành phần bộ nhớ từ SK Hynix của Hàn Quốc.

Sự trỗi dậy công nghệ của Trung Quốc gắn chặt với tham vọng toàn cầu của nước này, tận dụng những tiến bộ để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. Một ví dụ là Beidou, hệ thống thay thế cho Hệ thống Định vị Toàn cầu dựa trên vệ tinh của Mỹ. Trung Quốc cũng đã đặt ra tiêu chuẩn trong nước cho cách thiết kế chip mới, trong khi các gã khổng lồ chip toàn cầu cũng thành lập liên minh để tạo ra chúng.

Vào tháng 9/2020, Trung Quốc đã thành lập một liên minh cho các công nghệ không dây tầm ngắn của chính nước này, hiện bao gồm hơn 300 công ty và tổ chức- chủ yếu là trong nước - bao gồm các nhà mạng viễn thông thuộc sở hữu nhà nước cũng như các nhà sản xuất thiết bị thông minh và ô tô như Huawei, Oppo và BYD.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Dell'Oro Group, Huawei vẫn là nhà bán thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tập đoàn Dell'Oro cho biết tập đoàn này chiếm khoảng 1/3 thị trường toàn cầu, với doanh số gấp đôi so với các nhà cung cấp xếp thứ hai và thứ ba là Nokia và Ericsson.

Theo: WSJ 

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM