Thế hệ kỹ sư bán dẫn Mỹ, Hàn Quốc sắp đến tuổi hưu và cơ hội cho Việt Nam: Chưa cần đua làm chip tiên tiến nhất, hãy tập trung tái đào tạo và nâng trình độ cho lực lượng hiện có
Riêng Mỹ, đến năm 2030 có thể thiếu 23.000 kỹ sư. Trong khi đó, với đội ngũ kỹ sư công nghệ hùng hậu hiện có (khoảng 380.000 kỹ sư), nếu tập trung vào đào tạo lại, re-skill, up-skill để ứng dụng ngay vào công việc, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ có thể đi nhanh hơn.
Chiều 29/10, phòng hội nghị lớn nhất của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (NIC Cơ sở Hòa Lạc) nhanh chóng được lấp đầy bởi dòng người tham gia Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Hội nghị quan trọng này có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn trên thế giới như Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), BCG Hàn Quốc, Qualcom, Cadence, Amkor.
Sự chuyển dịch của ngành bán dẫn
Trong bài chia sẻ của mình, ông Changwook Kim - Giám đốc điều hành & Đối tác Văn phòng Seoul, Tập đoàn Boston cho biết, ngành chip bán dẫn đang chứng kiến sự chuyển dịch đáng chú ý.
Trước kia, vai trò dẫn đầu trong ngành bán dẫn được thiết lập dựa trên chi phí lao động và giá trị gia tăng. Những năm 1970s, Mỹ là quốc gia dẫn đầu. Đến những năm 1980s, vị thế này thuộc về Nhật Bản, tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, do những rào cản về công nghệ, các quy trình như sản xuất chip dưới 14nm không thể thực hiện ở một số nơi, cũng như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, năng lượng, thiếu hụt nguồn nhân lực, vai trò dẫn đầu về mặt địa lý vốn đã tồn tại trong nhiều năm đang thay đổi.
Mỹ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phi sản xuất, thương mại, trong khi Nhật Bản đầu tư cho hoạt động sản xuất, nguyên vật liệu. Do đó, đây là cơ hội để các quốc gia có thể mơ về giấc mơ phát triển ngành bán dẫn, thiết lập các chính sách để hiện thực hóa mục tiêu này. Trên thực tế, nhiều công ty bán dẫn cũng có động thái dịch chuyển nhà máy, đơn cử như việc TSMC đầu tư nhà máy sản xuất mới tại Nhật Bản, hay việc Samsung đầu tư 220 triệu USD phát triển trung tâm R&D chuyên về công nghệ phần mềm điện thoại, Marvell có kế hoạch đầu tư trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông ST Lew – Phó Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm khẳng định, không một công ty hay quốc gia độc lập nào có thể đảm nhiệm hết toàn bộ chuỗi giá trị ngành bán dẫn. Đơn cử, trong một chiếc điện thoại thông minh đã có tới 165 thiết bị bán dẫn khác nhau."Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ phải lựa chọn phân đoạn nào trong tổng thể chuỗi cung ứng, xem xét khía cạnh phù hợp", ông ST Lew nói.
Phó Chủ tịch Cadence - Michael Shih lại nhấn mạnh cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh ngành bán dẫn thế giới đang trong thiếu hụt kỹ sư. “Trong thập kỷ tới, chúng tôi tin rằng mức độ tinh vi, phức tạp của chip sẽ tăng lên gấp trăm lần. Mục tiêu doanh số 1.000 tỷ USD là con số rất tuyệt vời. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực.
Thế hệ “baby boomers” ra đời sau chiến tranh, đều đã sắp đến tuổi nghỉ hưu. Ở Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, rất nhiều kỹ sư đến tuổi về hưu. Đó là cơ hội cho Việt Nam và các bạn phải nắm lấy điều đó . Riêng Mỹ, đến năm 2030 có thể thiếu 23.000 kỹ sư. Ngoài chuyện thuê thêm kỹ sư, chúng ta cần quan tâm đến bộ não của máy, tức AI. Việc áp dụng AI cho thiết kế chip không phải ngoại lệ. Để tăng thêm năng suất hơn bội số của 10 thì cần vận dụng AI. Đó là khởi đầu của kỷ nguyên mới”, ông Michael Shih nói.
Con đường bán dẫn cho Việt Nam
Tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó cục trưởng Công nghiệp ICT - Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng là người tham gia và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn chia sẻ hướng tiếp cận với ngành công nghiệp này.
Theo đó, Việt Nam có thể đi theo hướng làm chip chuyên biệt, thay vì chạy đua theo những dòng chip cao cấp và tiên tiến nhất của thế giới. Khi định luật Moore đang gặp giới hạn, tức khả năng nâng cao hiệu năng của chip theo chu kỳ hai năm ngày càng khó, nhu cầu về những dòng chip chuyên biệt cho từng ứng dụng ngày càng tăng, đặc biệt là các dòng chip chuyên biệt dành cho IoT.
Đồng thời, với tính mở của công nghệ thiết kế chip từ các công ty như Cadence hiện nay, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn cũng như đưa các ý tưởng thành sản phẩm.
“Cơ bản Việt Nam cũng đang dần hình thành một hệ sinh thái từ thiết kế đến sản xuất, đóng gói”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn sẽ phát triển song hành, vừa thu hút doanh nghiệp FDI, vừa nâng cao năng lực trong nước."Chúng ta chưa nhất thiết phải có sản phẩm ngay, mà có thể đồng hành, tham gia hệ sinh thái của các công ty lớn, đồng thời tập trung vào phân khúc tầm thấp và tầm trung, nơi chúng ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất về giá", đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nếu đi theo hướng đào tạo từ đầu, mỗi kỹ sư mất 4 năm đào tạo thì có thể không kịp đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, với đội ngũ kỹ sư công nghệ hùng hầu hiện có (khoảng 380.000 kỹ sư), nếu tập trung vào đào tạo lại, re-skill, up-skill để ứng dụng ngay vào công việc, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ có thể đi nhanh hơn.