Thế hệ doanh nhân 3.0 ở Việt Nam: Lớn lên trong no đủ, vất vả trên thương trường, "động cơ" của anh là gì?

13/10/2016 11:01 AM | Kinh doanh

Thay vì (chỉ) tập trung vào lợi nhuận, thế hệ doanh nhân mới quan tâm nhiều hơn đến mô hình kinh doanh, khách hàng & phát triển cộng đồng.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, CafeBiz đã thực hiện một chuỗi bài viết về các doanh nhân, để lắng nghe những chia sẻ về môi trường kinh doanh, những câu chuyện kinh doanh, và tâm tư trăn trở của họ. Mời quý độc giả đón đọc.


Đã có một thời từ “Giám đốc” và sau đó là “Tổng Giám đốc” có uy quyền ghê gớm – có lẽ phải tương đương danh hiệu “chân dài” và “người đẹp” hiện nay.

Từ “Giám đốc” làm mọi người hình dung ra các ông sếp (bụng) bự, lúc nào cũng mặc vest hoặc áo sơ mi bỏ trong quần, đi đứng đường hoàng, trịnh trọng mỗi lần xuất hiện. Rất nhiều trong số họ làm cho hoặc gắn chặt với các công ty quốc doanh với những đặc quyền được quy định một cách đương nhiên.

Sau đó là thời của các “doanh nhân giấu mặt”. Cho đến tận khi họ trở thành ông vua trong ngành bất động sản, đứng ra thâu tóm một ngân hàng, hoặc mới đây khi lăm le trở thành tỷ phú đô la tiếp theo, người ta mới được nhìn ảnh họ hoặc thậm chí mới… nghe đến tên.

Đến thời kỳ này, cơ chế “xin cho” trước đây đã chuyển thành đấu thầu với nhiều mức độ công khai & minh bạch khác nhau. Nhưng thành công của các doanh nhân đa phần vẫn được coi là do quan hệ, thông tin và những đặc quyền đã được hợp pháp hóa.

Thế hệ tiếp theo – tạm gọi là thế hệ “doanh nhân 3.0” vất vả hơn rất nhiều. Ông Giản Tư Trung (Hiệu trưởng PACE) kỳ vọng thế hệ này sẽ biết “nhìn xa” & trông rộng” để có khả năng “sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công” ở thị trường toàn cầu.

Khoan hãy bàn đến việc liệu họ có thể sống được “đàng hoàng” hay không nhưng có thể thấy rõ ràng những doanh nhân mới không có được đặc quyền, thông tin và “quan hệ” như các thế hệ trước đó. Hầu như tất cả những gì có thể cho, đổi, bán đều đã được quyết định từ lâu – hoặc vượt quá xa khả năng tài chính của những công ty khởi nghiệp.

Nhiều người trong thế hệ 3.0 lớn lên khi cuộc sống đã tương đối no đủ & do đó có điều kiện học hành hơn hẳn các thế hệ trước. Nhưng khi họ bắt đầu lập nghiệp thì lợi thế xuất phát điểm kia đã được cào bằng trong một thị trường 90 triệu dân đang sa vào bẫy thu nhập trung bình với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường, y tế, và dân trí nói chung.

Không có cách nào khác ngoài việc cạnh tranh bình đẳng (hoặc không bình đẳng với bất lợi thuộc về họ), thế hệ doanh nhân 3.0 phải “nghĩ khác đi” rất nhiều. Họ tập trung vào mô hình kinh doanh, có ý thức xây dựng & phát triển cộng đồng của chính họ, tìm cách sửa lỗi hệ thống – điều mà những thế hệ doanh nhân trước không làm được hoặc cố ý bỏ qua.

Thế hệ 3.0 cởi mở & cá nhân hơn nhiều.

Họ thậm chí còn áp đặt được luật chơi này lên các thế hệ trước. Những “cư dân mạng” yêu thích chủ nghĩa cá nhân luôn trầm trồ mỗi khi thấy Obama mặc quần đùi hay Putin cởi trần, đã hoan nghênh nhiệt liệt khi nghe người FPT hát “Bình ơi về thôi” hoặc “Chúng ta không thuộc về nhau” của một vị Phó TGĐ công ty viễn thông quân đội Viettel mới đây.

Cộng đồng khởi nghiệp truyền nhau bí quyết học hỏi bằng cách chủ động theo dõi thông tin (follow) một số lãnh đạo tư tưởng (thought leaders) trên mạng xã hội để liên tục được cập nhật thông tin và những chia sẻ về bí quyết kinh doanh của họ.

Song song với việc thể hiện khác biệt & chủ nghĩa cá nhân, thế hệ 3.0 cũng ý thức rất rõ về sức mạnh của cộng đồng. Hàng loạt cộng đồng start-up như Launch, Group Quản trị & Khởi nghiệp, CLB Online Marketing, Vietnam Marketing & Communications Group, v.v… với hàng chục nghìn thành viên đang hoạt động cực kỳ hiệu quả để vừa phát triển cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau, vừa tạo kênh trao đổi & góp ý cho các ban ngành khi đưa ra các chính sách mới.

Bên cạnh hàng loạt các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, cộng đồng Launch mới đây cũng góp phần tích cực vào việc đối thoại & đề nghị bỏ điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015 liên quan đến cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính & mạng viễn thông.

Một ví dụ khác là ngày 14/10/2016 tới, lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đầu tiên dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp do Học viện Cán bộ TP HCM tổ chức sẽ dành riêng cho các thành viên của nhóm “Quản trị & Khởi nghiệp”.

Hoàn toàn có lý do để tự tin rằng với thế hệ 3.0, Việt Nam sẽ có một cộng đồng doanh nhân mạnh, sẵn sàng đối thoại & chung tay giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và cộng đồng. Hãy thử phỏng vấn một số gương mặt doanh nhânthế hệ 3.0 này xem “động cơ” khởi nghiệp và kế hoạch tiếp theo của họ là gì.

Nguyễn Hoài An – Trưởng Dự án 123Go.vn (Dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực thể thao của VNG)

Sau 123Phim, chúng tôi xây dựng 123Go trước hết để giúp cộng đồng tiếp cận với thể thao một cách dễ dàng hơn. 123Go phá bỏ những rào cản, quan ngại và khuyến khích các thế hệ trẻ trở nên khỏe mạnh hơn, kết nối với nhau nhiều hơn & trải nghiệm cuộc sống bên ngoài các thiết bị số.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến của người yêu thể thao toàn thế giới với cảnh quan đẹp và thời tiết lý tưởng, An tin rằng sẽ có nhiều hơn những sự kiện thể thao quy mô lớn như VNG Iron Man ở Đà Nẵng hay Vietnam Mountain Marathon. 123Go team mong có thể góp phần giúp thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh và bền vững hơn.”

Nguyễn Hải Ninh – Forbes Under 30 – Founder & CEO, The Coffee House

“Xuất phát từ niềm đam mê với cà phê, nhưng mục tiêu quan trọng nhất của Ninh & công ty là mang lại hạnh phúc cho cả khách hàng lẫn nhân viên. Nhiều người nhắc đến khác biệt của The Coffee House là cà phê sạch và không gian độc đáo ở hơn 30 cửa hàng của chúng tôi trên khắp cả nước. Nhưng chúng tôi lại nghĩ khác biệt chính của The Coffee House là mong muốn mang lại trải nghiệm về hạnh phúc cho cả nhân viên và khách hàng.

Dương Minh Việt – CEO HelloMam

“Với một doanh nghiệp muốn xây dựng mối quan hệ dài hạn với thị trường thì điểm mấu chốt là lợi ích của doanh nghiệp có hài hoà với lợi ích của cộng đồng, có cùng nhịp đập với cuộc sống của khách hàng hay không.

Tham gia liên minh “Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch”, cam kết chất lượng của chúng tôi phải nâng cao hơn, chi phí cao hơn, chịu sự giám sát độc lập và hoạt động minh bạch hơn nữa. Bằng cách đó, chúng tôi tin rằng mình đang cùng góp sức tạo ra một cộng đồng gồm cả người cung cấp và người tiêu dùng cùng tin vào giá trị của thực phẩm sạch & sức khỏe của người dân Việt Nam”.

Bùi Linh

Cùng chuyên mục
XEM