Thế giới startup khắc nghiệt: Founder suốt 7 tháng điên cuồng làm việc liên tục 18 tiếng, bỏ qua cả vệ sinh cá nhân

05/10/2024 11:56 AM | Quốc tế

Để tối ưu hóa thời gian, anh chàng thậm chí còn đặt giường ngủ cách máy tính 1m để tiện làm việc ngay sau khi thức dậy.

Thế giới startup khắc nghiệt: Founder suốt 7 tháng điên cuồng làm việc liên tục 18 tiếng, bỏ qua cả vệ sinh cá nhân- Ảnh 1.

Trong thế giới khởi nghiệp đầy thách thức, nỗ lực cống hiến phi thường của hai đồng sáng lập công ty Vaani Research Labs đã thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp, theo India Today.

Tushar S, một trong hai đồng sáng lập, đã chia sẻ trên LinkedIn về hành trình phát triển hệ thống AI giọng nói giống con người. Bài viết cho thấy người đồng sáng lập Abhinash Khare đã dành gần như toàn bộ thời gian và sức lực cho dự án trong suốt 7 tháng qua.

Abhinash, thường bắt đầu ngày làm việc từ 8 giờ sáng và kéo dài đến tận 2 giờ sáng hôm sau, có một lịch trình làm việc rất khắc nghiệt. Để tối ưu hóa thời gian, anh thậm chí còn đặt giường ngủ cách máy tính 1 m để tiện làm việc ngay sau khi thức dậy, thậm chí bỏ qua cả thói quen buổi sáng thông thường như uống nước hay vệ sinh cá nhân.

“Abhinash lao ngay vào công việc, đắm chìm trong các bài báo nghiên cứu và code. Đã gần 7 tháng trôi qua với guồng quay làm việc đến 2 giờ sáng, thức dậy lúc 8 giờ và ngay lập tức lao vào nghiên cứu và lập trình”, Tushar S kể và khẳng định bản thân không hề muốn tôn vinh văn hóa làm việc quá sức này. Chỉ là họ buộc phải nỗ lực để hiện thực hóa tham vọng.

“Xây dựng một startup đã khó, làm điều đó mà không có nguồn lực hay tài trợ còn khó hơn”, Tushar chia sẻ.

Thế giới startup khắc nghiệt: Founder suốt 7 tháng điên cuồng làm việc liên tục 18 tiếng, bỏ qua cả vệ sinh cá nhân- Ảnh 2.

Chia sẻ của Tushar S

Một số người ngưỡng mộ cặp đôi vì sự bền bỉ, song phần đông lại cho rằng chia sẻ trên dấy lên lo ngại về xu hướng làm việc độc hại. “Đây là cách mới để ca ngợi nền văn hóa độc hại. Một tâm trí và cơ thể được nghỉ ngơi có thể làm nên điều kỳ diệu. Với tư cách là người đồng sáng lập, bạn nên khuyên anh ấy giảm bớt khối lượng công việc! Hãy suy tính lâu dài!”, một người dùng cho biết.

“Đây là một văn hóa làm việc độc hại và tôi không thấy nó có ích gì để được cơ ngợi. Khởi nghiệp rất khó nhưng điều quan trọng là phải tập trung vào sự bền vững”, một người dùng khác nói.

Đáp lại, Tushar giải thích rằng với quy mô chỉ 2 nhân sự, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm việc cường độ cao.

“Tất nhiên, không ai muốn làm việc kiệt sức ngày này qua ngày khác trong nhiều tháng liền. Tuy nhiên đôi khi, bạn không còn sự lựa chọn nào khác. Cũng chẳng có nguồn lực dư dả”, anh tâm sự.

Câu chuyện của Vaani Research Labs cho thấy thực tế khắc nghiệt mà nhiều startup phải đối mặt. Nhiều người bắt đầu đặt ra câu hỏi về tính bền vững của mô hình làm việc, rằng liệu ranh giới mong manh giữa đam mê, tham vọng và sức khỏe cá nhân có quá mong manh.

Tình trạng kiệt sức trong công việc (burnout) được nhắc đến lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học người Mỹ, Herbert Freudenberger vào năm 1974. Ông cho rằng trạng thái này không chỉ là cảm giác “căng thẳng” một chút, mà là mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần do căng thẳng gây ra. Nếu không được kiểm soát, burnout rất có thể trở thành bệnh lý về thể chất, tinh thần.

Chính vì lý do đó, phần đông đều cho rằng làm việc liên tục 18 tiếng chỉ giải quyết được những vấn đề ngắn hạn. Về lâu về dài, một tinh thần kiệt quệ có thể sẽ giết chết vị founder nói trên.

Nhà tâm lý học và tác giả của cuốn sách "Is Work Killing You?" (tạm dịch: Có phải công việc đang hủy hoại bạn?), David Posen cho rằng sự kiệt sức phá hủy mọi khả năng bạn có: Trí nhớ ngắn hạn, thái độ tích cực, khả năng làm việc nhóm, phán đoán và suy luận.

Theo: India Today

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM