Thế giới sắp đón cơn bão giá dầu?
Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi hôm 12-10 nhấn mạnh việc cắt giảm sản lượng dầu là quyết định thuần túy về kinh tế, nhằm ổn định giá dầu thế giới.
Theo tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi, Riyadh cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu phục vụ lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, gọi là OPEC+, hôm 5-10 nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô khoảng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11, động thái vấp phải sự phản đối của Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cho biết quyết định của OPEC+ có tính đến sự cân bằng cung cầu nhằm mục đích kiềm chế sự biến động của thị trường. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cho hay chính phủ bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu không dựa trên thực tế và rời xa bối cảnh kinh tế thuần túy của mình.
Theo đó, Ả Rập Saudi đã nói rõ thông qua các cuộc tham vấn liên tục với chính quyền Mỹ rằng tất cả các phân tích kinh tế đều chỉ ra rằng việc trì hoãn quyết định của OPEC + trong một tháng sẽ gây ra những hậu quả kinh tế tiêu cực.
Ả Rập Saudi cũng đang tìm cách hạ thấp vai trò trung tâm của mình khi cho rằng quyết định này là sự nhất trí của các thành viên OPEC+.
Trong khi giá xăng bắt đầu tăng trở lại ở Mỹ, quyết định của OPEC+ đã làm trầm trọng thêm vấn đề giá nhiên liệu, đặc biệt là trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.
Đối với Tổng thống Joe Biden, quyết định này là đặc biệt tiêu cực sau khi ông đã nỗ lực trong suốt mùa hè để hàn gắn quan hệ với Ả Rập Saudi.
Theo trang Oil Price, Nhà Trắng cảnh báo việc cắt giảm sản lượng dầu thô và hệ quả là giá dầu tăng sẽ dẫn đến 3 kết quả đặc biệt nguy hiểm đối với thế giới như gây lạm phát toàn cầu, nguồn thu ngân sách của Nga sẽ tăng đáng kể vì Nga là nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt lớn, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11 sẽ bất lợi cho ông Biden, khiến chính phủ của ông ít có khả năng đối phó hiệu quả với những thách thức an ninh do Nga và Trung Quốc đặt ra.
Trong khi đó, một số quan chức chính quyền ông Biden ngày càng lo ngại rằng kế hoạch áp trần giá dầu Nga có thể phản tác dụng. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga dự kiến sẽ duy trì sản lượng dầu ở mức 9,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10 khi phương Tây áp trần giá dầu Nga. Tổng thống Vladimir Putin gọi quyết định trên là "mối đe dọa đối với hàng tỉ người trên thế giới". Ông nhấn mạnh rằng Nga sẽ không bán dầu cho những nước áp trần giá dầu của Nga.
Theo Bloomberg, một số quan chức Mỹ lo ngại rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC + đã làm gia tăng sự biến động trên thị trường dầu và động thái áp trần giá dầu Nga do Mỹ thúc đẩy có thể khiến giá dầu tăng đột biến.