Thế giới sắp bùng nổ "cơn khát" với thứ kim loại quen thuộc: Việt Nam có mỏ khủng nhất ĐNÁ
Mỗi chiếc xe điện cần tới 6-8km dây đồng, và nhu cầu xe điện đang có xu hướng bùng nổ trong tương lai.
Tương lai của xe điện
Tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch ngừng bán các loại xe chạy bằng động cơ diesel và xăng mới vào năm 2030. Nhiều quốc gia khác cũng đang hướng tới việc sử dụng xe điện.
Đức gần đây đã công bố ngân sách phục hồi trị giá 130 tỷ euro, trong đó đặc biệt bao gồm các khoản trợ cấp cho người mua xe chạy bằng pin trong khi không có quỹ nào được phân bổ cho xe động cơ đốt trong.
Israel đã tuyên bố họ cũng sẽ loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, trong khi Trung Quốc công bố một kế hoạch tương tự vào năm 2035. Giữa lúc đó, Na Uy có kế hoạch loại bỏ các phương tiện truyền thống chạy bằng xăng vào năm 2025.
Với dự báo về việc sử dụng xe điện ngày càng tăng, mọi con mắt đều đổ dồn vào các kim loại để sản xuất pin điện, bao gồm coban, lithium và nickel. Tuy nhiên, đồng cũng là một kim loại đặc biệt cần thiết. Đồng không chỉ được sử dụng trong quá trình sản xuất xe mà còn được sử dụng trong các yếu tố khác nhau của cơ sở hạ tầng xe điện.
Sử dụng đồng trong xe hybrid và xe điện
Độ dẫn điện của đồng nguyên chất chỉ đứng sau bạc. Với sự ra đời của xe hybrid và xe điện chạy bằng pin, số lượng dây đồng được sử dụng để cung cấp năng lượng cho ô tô đã tăng lên. Nhìn chung, có ba loại xe điện, mỗi loại yêu cầu nhiều đồng hơn loại xe đốt trong truyền thống.
Trạm sạc
Nhu cầu tăng cao của xe điện sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện - hay các trạm sạc. Mặc dù bản thân bộ sạc không có nhiều đồng, nhưng các dây được sử dụng để kết nối bộ sạc với bảng điện cũng như cáp sạc chính chủ yếu sử dụng đồng. Wood Mackenzie ước tính đến năm 2030, sẽ có hơn 20 triệu điểm sạc xe điện trên toàn cầu, tiêu thụ lượng đồng nhiều hơn 250% so với năm 2019.
Nguồn cung cấp đồng
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), năm 2019, dự trữ đồng toàn cầu ước tính đạt 830 triệu tấn, với nhu cầu hàng năm là 28 triệu tấn. Ngoài ra, các mỏ đã phát hiện và chưa phát hiện dựa trên khảo sát địa chất, bao gồm cả trữ lượng, ước tính có tổng cộng trên 5 tỷ tấn (USGS, 2014, 2017).
Khi quá trình điện khí hóa của ngành công nghiệp ô tô tăng tốc, nhu cầu đối với các kim loại cho phép chuyển từ xe động cơ đốt trong truyền thống sang xe điện tăng lên. Cho dù đó là đồng cho hệ thống dây điện và cáp, thép và nhôm cho khối động cơ hoặc khung xe hay lithium và coban cho các thành phần pin, thị trường tương lai luôn tồn tại để phòng ngừa rủi ro trước những biến động của thị trường.
Điều đó rất quan trọng vì nếu dự báo của các chuyên gia là chính xác, thì nhu cầu đối với những kim loại này sẽ tăng lên trong những năm tới. Đồng kim loại sẽ chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu trên thế giới.
Tiềm năng cực khủng về đồng
Việt Nam có tiềm năng lớn về đồng. Theo Báo chính phủ, mỏ đồng Sin Quyền nằm sát biên giới Việt-Trung, thuộc huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Mỏ được phát hiện lần đầu tiên năm 1961, năm 1969 tiến hành công tác thăm dò, đến năm 1974 thì hoàn thành công tác đánh giá trữ lượng, hàm lượng đồng (Cu) và các kim loại cộng sinh khác có trong quặng.
Theo tài liệu báo cáo của Đoàn Địa chất 5 (Tổng cục Mỏ-Địa chất), mỏ đồng Sin Quyền có trữ lượng là 56 triệu tấn, tổng trữ lượng quặng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ khoảng hơn 100 triệu tấn. Qua thăm dò các vỉa quặng mới ở độ sâu âm 350 m đã phát hiện gần 20 triệu tấn quặng. Hơn 30 triệu tấn quặng còn lại nằm tại phân vùng 5 thuộc địa phận thôn Vi Kẽm, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát. Mỏ đồng Sin Quyền được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á và đứng "top" đầu châu Á.
Theo Báo Nhân dân, khu tổ hợp sản xuất đồng ở Lào Cai là khu mỏ lớn nhất nước và duy nhất ở Đông Nam Á khai thác quặng, tinh tuyển và chế biến sâu thành đồng kim loại ngay tại chỗ, với sản lượng lớn. Khu tổ hợp này bảo đảm việc làm cho hơn 1.500 lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng, đóng góp khoảng hơn 600 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Tinh quặng được nấu chảy trong lò hỏa luyện. Ảnh: Báo Nhân dân
Đồng thô được đưa đi tinh luyện trong lò phản xạ (mỗi ngày ra lò 28 tấn đồng dương cực) bằng phương pháp hỏa tinh luyện để tách các tạp chất: Fe, Pb, Bi, Sb, As... sản xuất tấm dương cực hợp quy cách. Đồng dương cực đem đi điện phân nhận được đồng âm cực (99,95% Cu) và bùn dương cực.
Công nhân xếp đồng kim loại đạt 99,95% Cu thành từng khối có trọng lượng một tấn. Ảnh: Báo Nhân dân
Khó khăn trước mắt
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng công nghệ sản xuất đồng mới quyết định giá trị của các sản phẩm đầu ra.
Mới đây, Giám đốc điều hành Ngu Tieng Ung của nhà sản xuất dây đồng Ta Win Holdings có trụ sở tại Malaysia đã chia sẻ một số thông tin về đồng sử dụng trong xe điện. Cụ thể, công nghệ chiếu xạ chùm electron cho phép sản xuất các sản phẩm dây và cáp liên kết bằng bức xạ có khả năng chịu được nhiệt độ lên đến 300 độ C.
Đây là mức chịu nhiệt cao hơn đáng kể so với dây và cáp điện tiêu chuẩn có lớp cách điện bằng vật liệu nhựa, thường chỉ chịu được nhiệt độ lên đến 105 độ C trước khi bắt đầu nóng chảy.
"Mỗi chiếc xe điện cần từ 6 đến 8 km dây điện bằng đồng, trong đó có tới 70% là loại dây điện áp cao", ông Ngu cho biết.
Theo các nhà sản xuất dây dẫn chiếu xạ, loại dây và cáp điện này có tuổi thọ lên đến 25 năm, so với 5-7 năm của các sản phẩm cách điện tiêu chuẩn. Loại dây mới cũng có khả năng chống cháy, chống mài mòn, dầu và axit tốt hơn.
Có thể thấy, mặc dù có trữ lượng đồng lớn, nhưng Việt Nam cần những công nghệ tiên tiến để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ đồng của các nhà sản xuất xe điện. Đây là điều cần thiết khi Đông Nam Á đang dần trở thành trung tâm sản xuất xe điện của thế giới.
"Là nhà sản xuất dây đồng điện áp cao tư nhân đầu tiên trong khu vực, chúng tôi có cơ hội cực lớn. Các đơn đặt hàng đã bắt đầu xuất hiện," ông Ngu cho hay.
Theo thống kê của InsideEVs, doanh số xe điện toàn cầu trong năm 2021 đạt gần 6,5 triệu xe, trong đó có 4,6 triệu xe chạy pin thuần điện (BEV) và 1,9 triệu xe plug-in hybrid (PHEV), cao gấp đôi so với năm 2020 (3,1 triệu xe). Thị phần xe điện cũng đã đạt mức 9% tổng lượng xe bán ra toàn cầu, so với mức 4% của năm 2020.