Thế giới Di động đóng cửa 200 điểm bán hàng trước Tết, các cửa hàng tại Indonesia có bị ảnh hưởng?
Trong quý 4/2023, Thế giới Di động dự kiến sẽ đóng cửa khoảng 200 cửa hàng không hiệu quả, không đạt chỉ tiêu doanh thu/lợi nhuận.
Kế hoạch đóng cửa 200 cửa hàng
Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động (MWG) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh với doanh thu thuần 9 tháng năm 2023 đạt 86.858 tỷ đồng (giảm 15,5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 78 tỷ đồng (giảm 97,8% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 giảm tương ứng 5,4% và 95,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu sụt giảm chủ yếu do bị ảnh hưởng bởi mức giảm 23,3% so với cùng kỳ của chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh mặc dù Bách hóa Xanh có tăng trưởng.
Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm mạnh chủ yếu xuất phát từ biên lợi nhuận gộp thu hẹp và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần tăng mặc dù có sự đóng góp đáng kể của lợi nhuận tài chính (tăng từ 0,3 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022 lên 426 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023, nhờ thu nhập lãi).
Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của MWG giảm xuống 18,8% trong 9 tháng năm 2023 trong khi tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần tăng lên 18,7% trong 9 tháng năm 2023, mặc dù tổng chi phí chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 5,8% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm doanh thu của Thế giới Di động và Điện máy Xanh với biên lợi nhuận gộp thu hẹp mạnh là những yếu tố chính dẫn đến các kết quả này.
Hàng tồn kho tại cuối tháng 9/2023 không thay đổi nhiều so với cuối tháng 6/2023 (tăng 3%) nhưng giảm 11% so với cuối năm 2022 nhờ tồn kho các thiết bị điện tử giảm 25,7% so với cuối 2022.
Ngoài việc thúc đẩy doanh thu, việc kiểm soát/giảm hàng tồn kho được công ty và các nhà bán lẻ khác tăng cường chú ý trong bối cảnh sức mua của người tiêu dùng yếu. Thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (25,8%) trong tồn kho của MWG tính đến cuối tháng 9/2023, tiếp theo là điện thoại di động (25,4%), thiết bị gia dụng (16,3%),thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, đồ uống và tạp hóa (8,8%).
Doanh thu Thế giới Di động và Điện máy Xanh (bao gồm Topzone và DMS) giảm 23,3% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023 và 21,7% so với cùng kỳ trong 10 tháng năm 2023 do sức mua của người tiêu dùng yếu và chiến lược cạnh tranh về giá giữa các nhà bán lẻ sản phẩm CNTT.
Dù vậy, mức sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ của các chuỗi và doanh thu cùng cửa hàng đã thu hẹp trong quý 3/2023 so với quý 1 và quý 2/2023. Trong tháng 10/2023, doanh thu của Thế giới Di động và Điện máy Xanh chỉ giảm 5,3% so với cùng kỳ, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 4/2023, nhờ đóng góp của các sản phẩm iPhone mới và nền thấp của năm trước khi tình trạng sức mua yếu bắt đầu có tác động rõ ràng hơn.
Hầu hết các sản phẩm chính đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023 ngoại trừ máy lạnh (tăng trưởng cao nhờ mùa nắng nóng năm nay gay gắt hơn). iPhone 15 được kỳ vọng sẽ phần nào cải thiện tăng trưởng doanh thu của các nhà bán lẻ trong bối cảnh thị trường ảm đạm, ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ và giúp công ty nâng thị phần iPhone lên 50% từ 25 - 30% thời điểm đầu năm 2023, theo ước tính của MWG.
Tính đến cuối tháng 10/2023, Thế giới Di động (bao gồm Topzone) có 1.158 cửa hàng, giảm 32 cửa hàng so với cuối 2022, trong khi Điện máy Xanh có 2.281 cửa hàng, giảm 3 cửa hàng so với cuối 2022.
Trong quý 4/2023, MWG dự kiến sẽ đóng cửa khoảng 200 cửa hàng không hiệu quả, không đạt chỉ tiêu doanh thu/lợi nhuận, đồng thời thực hiện một số hoạt động tái cấu trúc, hướng tới năm 2024 chỉ giữ lại các cửa hàng hiệu quả. Việc giảm quy mô mạng lưới này có thể giúp hai chuỗi nâng cao hiệu quả chi phí khi doanh thu dự kiến sẽ chưa thể tăng đột phá trong vài tháng tới.
Đối với chuỗi điện máy EraBlue ra mắt tại Indonesia vào tháng 12/2022, MWG đang chuẩn hóa mô hình kinh doanh để mở rộng, đặt mục tiêu đạt 30 cửa hàng vào cuối năm 2023 và 100 cửa hàng trong 2024, từ 16 cửa hàng hiện tại. Như vậy, việc đóng cửa 200 cửa hàng không ảnh hưởng đến các kế hoạch của MWG tại Indonesia.
Bách hóa Xanh tăng trưởng mạnh, An Khang vẫn phải bù lỗ
Bách hóa Xanh tăng trưởng doanh thu 11,8% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023 và 13,9% so với cùng kỳ trong 10 tháng năm 2023. Doanh thu BHX trong quý 3/2023 tăng 18,2% so với quý 2 nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ của ngành hàng thực phẩm tươi sống (khối lượng và giá trị hàng bán tăng 25 - 30%), hàng FMCG cũng ghi nhận mức tăng tích cực (doanh thu tăng 15%) và tăng số lượng hóa đơn (tăng 15% trong khi giá trị hóa đơn đã có cải thiện nhẹ). Nhóm hàng tươi sống đóng góp 30 - 40% doanh thu Bách hóa Xanh.
Bên cạnh những cải thiện về doanh thu, khoản lỗ ròng của BHX cũng đã giảm 20% trong quý 3/2023 và 60% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp nhẹ về 25% trong quý 3/2023 được giải thích bởi tỷ trọng hàng tươi sống (biên lợi nhuận thấp hơn hàng FMCG) tăng cao và tỷ lệ hàng hủy/giảm giá tăng trong mùa mưa. Tính đến cuối T10/2023, BHX có 1.706 cửa hàng đang hoạt động, giảm 22 cửa hàng so với cuối 2022.
An Khang có doanh thu tăng trưởng liên tục trong những tháng qua mặc dù mức đóng góp còn khiêm tốn. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng/tháng hiện đạt 0,42 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm 2023 dù vẫn thấp hơn nhiều so mức 1 tỷ đồng của chuỗi Long Châu.
Tính đến tháng 10/2023, An Khang có 540 cửa hàng (cuối 2022 có 500 cửa hàng), so với 1.384 cửa hàng Long Châu (tính đến tháng 9/2023) và 936 cửa hàng Pharmacity (tính đến 31/5/2023).
Tương tự như mô hình kinh doanh của Long Châu, An Khang tập trung vào các sản phẩm dược phẩm hơn là sản phẩm FMCG. Trong khi Long Châu đã có lợi nhuận ròng, Pharmacity và An Khang vẫn chưa. An Khang ghi nhận khoản lỗ 234 tỷ đồng trong 9 tháng 2023.