Thế cục tại Vinaconex trước thềm đại hội: Có 'bóng dáng' của tỷ phú Vietjet?

09/01/2019 09:17 AM | Kinh doanh

Chủ tịch Vinaconex đã có những dự liệu về việc không hòa hợp giữa các cổ đông sau đợt đấu giá cổ phần.

Trong một chia sẻ gần đây, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) đã bày tỏ lo ngại rằng, các nhóm nhà đầu tư sau đấu giá sẽ khó có thể hòa hợp.

Hiện tại, 3 cổ đông lớn của Vinaconex đã hoàn toàn lộ diện, trong đó có 2 nhà đầu tư mua cổ phần từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Viễn Thông quân đội (Viettel), 1 nhà đầu tư mua cổ phần từ PYN Elite Fund, quỹ đầu tư Hà Lan.

An Quý Hưng – Nhiều duyên nợ với Vinaconex

Trong đợt đấu giá cuối tháng 12, An Quý Hưng đã chi 7.366 tỷ đồng mua toàn bộ 57,71% vốn Vinaconex từ SCIC, vượt qua 3 nhà đầu tư khác là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, CTCP Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC và cá nhân ông Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1980).

 Thế cục tại Vinaconex trước thềm đại hội: Có bóng dáng của tỷ phú Vietjet?  - Ảnh 1.

Chủ tịch An Quý Hưng, ông Nguyễn Xuân Đông

Sau khi nhận chuyển giao vốn, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ doanh nghiệp sở hữu 70% vốn của An Quý Hưng đã được bầu làm người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc của Vinaconex. Ông Đông hiện cũng là thành viên HĐQT của CTCP Hải Phát. Trước đó, ông Đông từng có thời gian là thành viên HĐQT của Vimeco (công ty con trước của Vinaconex).

Mặt khác, An Quý Hưng cũng đang có khoản công nợ với Vimeco tại dự án CT4. Đến cuối tháng 8/2018, giá trị khoản này là 22,72 tỷ đồng, theo báo cáo kiểm toán Nhà nước.

Năm trước, Vinaconex đã có dự định bán 41% vốn Vimeco nhưng thương vụ vẫn bỏ ngỏ sau quá trình đàm phán.

Bất động sản Cường Vũ – Đích ngắm An Khánh

Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ là doanh nghiệp trúng lô cổ phần 21,3% vốn Vinaconex từ Viettel với giá hơn 2.000 tỷ đồng, gấp 100 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Cường Vũ được thành lập tháng 11/2017, cùng khoảng thời gian đấu giá cổ phần VCG lần đầu của SCIC diễn ra. Công ty đặt trụ sở tại 64 đường 85, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM, do ông Vũ Xuân Cường làm người đại diện theo pháp luật.

Sau khi, nhận chuyển giao lô 21,3% vốn, doanh nghiệp này đã đề nghị Viettel hỗ trợ gửi đề xuất 4 cá nhân tham gia HĐQT và BKS.

Cường Vũ đề cử ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà vào HĐQT. Theo Tiền Phong đưa tin, ông Nguyễn Quang Trung là Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long. Trong khi đó, ông Thân Thế Hà là Phó Tổng giám đốc Vinaconex và Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Cả 2 cá nhân này đều liên quan đến dự án khu đô thị Bắc An Khánh của Vinaconex. Hiện nay, An Khánh JVC có 2 cổ đông lớn gồm Địa ốc Phú Long – doanh nghiệp thành viên của Sovico Holding thuộc sở hữu tỷ phú Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo nắm 50% vốn và Vinaconex.

Bên cạnh đó, Cường Vũ cũng đề cử 2 cá nhân vào Ban kiểm sát gồm ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh.

Star Invest – Hụt lô 57,71% vốn

Star Invest là doanh nghiệp xuất hiện cuối cùng trong danh sách cổ đông lớn của Vinaconex. Tại phiên đấu giá cổ phần VCG của SCIC, Star Invest là 1 trong 4 doanh nghiệp tham gia tranh mua cổ phần, tuy nhiên đã thất bại trước An Quý Hưng.

Ngày 28/12, Star Invest bất ngờ gây chú ý trên thị trường khi mua toàn bộ 7,57% vốn Vinaconex do Pyn Elite Fund sở hữu với giá 840 tỷ đồng, tương đương bình quân 25.000 đồng/cp.

Doanh nghiệp trên được thành lập vào tháng 11/2018, ngay trước thềm đấu giá cổ phần Vinaconex với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Người đại diện là ông Đặng Thế Anh Đức sinh năm 1985.

Star Invest đăng ký địa chỉ Tầng 5, Tòa nhà Sentinel Place, 41A Lý Thái Tổ, Hà Nội. Theo tìm hiểu của phóng viên NDH, văn phòng của công ty vẫn đang trong quá trình lắp đặt, biển tên doanh nghiệp chưa được dán tại sảnh tầng 5 của tòa nhà, dù lễ tân xác nhận công ty này có đăng ký văn phòng tại địa chỉ trên.

Giằng co

Ngày 11/1 tới đây, Vinaconex sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bầu nhân sự HĐQT và BKS, như những lời Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi đã cam kết tạo điều kiện hỗ trợ hết sức, nhanh nhất để nhà đầu tư trúng giá tiếp cận và quản trị phần vốn tại doanh nghiệp.

Với 57,71% vốn đang sở hữu, An Quý Hưng đang có lợi thế hơn so với những cổ đông lớn khác. Tuy nhiên, con số này chưa thể quyết định sự thành công trong việc bầu nhân sự mới và những quyết sách quan trọng khác của Vinaconex.

Theo quy chế của Vinaconex, cổ đông lớn (sở hữu trên 5% vốn) phải nắm giữ ít nhất 6 tháng mới có thể đề cử ứng viên HĐQT và BKS. Như vậy, cả An Quý Hưng và Đầu tư Star Invest đều không có quyền đề cử người mà cần “lách luật” như Cường Vũ, nhờ cổ đông lớn “cũ” đề cử hộ và chờ đến ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua.

Điều lệ của Vinaconex đề cập, thành viên HĐQT và BKS mới được bầu chỉ khi tối thiểu 65% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua. Do đó, diễn biến tại ĐHĐCĐ bất thường tới đây vẫn là một dấu hỏi lớn cho nhà đầu tư.

Theo Lê Hải

Cùng chuyên mục
XEM