The Asset: Điểm lại loạt quỹ đầu tư tư nhân rót vốn vào Việt Nam bất chấp giai đoạn đỉnh dịch Covid-19

20/08/2021 21:42 PM | Kinh doanh

Theo trang The Asset, các quỹ đầu tư tư nhân (PE) đang ngày càng tập trung vào nhiều doanh nghiệp truyền thống của Việt Nam trong các ngành được coi là có tiềm năng, chẳng hạn như bán lẻ, chăm sóc sức khoẻ, hay giáo dục...

Báo cáo của Grant Thornton Việt Nam nhấn mạnh, bất chấp những bất định do đại dịch Covid-19 gây ra, số lượng thương vụ PE tại Việt Nam tăng từ 35 năm 2019 lên mức kỷ lục 59 vào năm 2020. Giá trị thương vụ được công bố tăng 1,9% từ 1,121 triệu USD năm 2019 lên 1,142 triệu USD vào năm 2020.

The Asset: Điểm lại loạt quỹ đầu tư tư nhân rót vốn vào Việt Nam bất chấp giai đoạn đỉnh dịch Covid-19  - Ảnh 1.

Nguồn: Bureau van DIJK và GT research

Bước sang năm 2021, giai đoạn 7 tháng đầu năm, thương vụ PE lớn nhất trên thị trường Việt Nam chính là khoản đầu tư 400 triệu USD của Baring Private Equity Asia - một trong những công ty PE lớn nhất ở châu Á, và gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba vào Tập đoàn Masan - một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, Tập đoàn Masan công bố đã hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư gồm có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia. Việc ký kết giao dịch này được công bố lần đầu tiên vào ngày 18/5/2021.

Trong lĩnh vực giáo dục, hồi tháng 6, KKR, một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới, cũng đã công bố đầu tư 100 triệu USD vào Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest. Đây là khoản đầu tư thứ tư trên toàn cầu vào lĩnh vực phát triển giáo dục và lực lượng lao động dựa trên định hướng hỗ trợ quá trình "Học tập suốt đời" của Quỹ này.

Ông Ashish Shastry - đồng Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư tư nhân ở châu Á (Asia Private Equity) và lãnh đạo bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á của KKR, cho biết, đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp của Việt Nam là một chiến lược chủ chốt của KKR tại châu Á.

"Với vị thế ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới của Việt Nam, khả năng tiếp cận các giải pháp giáo dục chất lượng cao với chi phí hợp lý là nhân tố rất quan trọng để đạt được các mục tiêu quốc gia".

Năm ngoái, nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu là Temasek đã hoàn tất giao dịch mua lại một khoản đầu tư tại CTCP Vinhomes (Vinhomes). Theo đó, nhóm nhà đầu tư KKR đã đầu tư tổng cộng 15.100 tỷ đồng (650 triệu USD), tương đương khoảng 6% cổ phần Vinhomes.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, BDA Capital Partners, quỹ đầu tư tư nhân của công ty tư vấn BDA Partners, đã "bơm vốn" vào phòng khám nhi khoa Nhi Đồng 315 tại Việt Nam mới đây. Hay như quỹ đầu tư ABC World Asia tham gia rót vốn 24 triệu USD ở vòng Series B cho Kim Dental - Tập Đoàn Nha khoa Kim chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng Việt Nam.

Tháng 6 vừa qua, Mekong Capital thông báo Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) vừa hoàn tất khoản đầu tư 10 triệu USD vào Công ty Mutosi. Trước Rever, MEF IV đã đầu tư vào công ty chocolate Marou.

Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó Tổng giám đốc Grant Thornton Việt Nam, các lĩnh vực khác thu hút đầu tư PE trong năm nay bao gồm năng lượng tái tạo, công nghệ, logistics... Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, với mục tiêu về tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản lượng điện lần lượt là 6,5% vào năm 2020; 6,9% vào năm 2025 và 10,7% vào năm 2030.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản công nghiệp được giới chuyên gia đánh giá là có tiềm năng, do dự kiến hoạt động sản xuất sẽ phục hồi ngay sau khi Việt Nam khống chế được đợt dịch lần này, nhất là ở khu vực miền Nam.

Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2021, theo đó dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam được điều chỉnh giảm xuống còn 5,8% so với mức 6,7% được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, ADB đã nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam từ 5,3% lên 5,4%.

Anh Vũ

Cùng chuyên mục
XEM