Thấy vốn "khủng" là phải nghi!

28/02/2020 09:36 AM | Kinh doanh

Theo luật hiện hành, khi mở công ty, chủ doanh nghiệp muốn đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu cũng được. Sự thông thoáng này đã bị lợi dụng, gây hậu quả nghiêm trọng

Những ngày gần đây, dư luận bất ngờ khi một doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với số vốn "khủng", lên tới 144.000 tỉ đồng.

Cổ đông chuyên bán... nước đóng bình

DN kể trên là Công ty CP Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (gọi tắt là USC), có trụ sở ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội; được thành lập vào ngày 17-1-2020. Công ty đăng ký 59 ngành, nghề kinh doanh như xây dựng, bất động sản, vận tải, buôn bán máy móc thiết bị, buôn bán kim loại, quặng, kinh doanh nội thất... Đáng chú ý, công ty còn ký kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục từ cấp mẫu giáo đến đào tạo đại học, đào tạo thạc sĩ, đào tạo tiến sĩ. Trong tháng 1-2020, cả nước có 8.276 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 267.178 tỉ đồng, riêng công ty này đã chiếm tới 53,9%.

 Thấy vốn khủng là phải nghi!  - Ảnh 1.

Ngôi nhà ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội được đăng ký làm trụ sở của Công ty CP Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC có vốn đăng ký 144.000 tỉ đồngẢnh: Minh Chiến

USC được thành lập với 3 cổ đông, gồm: bà Kim Thị Phương (trú thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) góp 43.200 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ; ông Nguyễn Hoàn Sơn (trú thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) góp 57.600 tỉ đồng (40%); cổ đông còn lại, đại diện pháp luật cho công ty là ông Trần Gia Phong (SN 1979, trú huyện Đan Phượng), góp 43.200 tỉ đồng (30%).

Khi được báo chí hỏi, cổ đông Kim Thị Phương rất bất ngờ về số vốn "khủng" của DN có tên bà sáng lập. Căn nhà của bà Phương tại thôn Lai Xá là địa điểm đăng ký kinh doanh của công ty có số vốn 144.000 tỉ đồng này. Theo bà Phương, bà được "rủ" thành lập công ty nên tham gia, đưa chứng minh thư cho người khác đi đăng ký, sau đó bà ký tên vào hồ sơ, không hề biết số vốn đăng ký lớn như vậy. 

Bản thân bà Phương làm nghề phân phối nước đóng bình ở huyện Hoài Đức, cuộc sống khá bình thường ở ngoại thành TP Hà Nội. Hiện bà Phương chưa góp đồng vốn nào vào công ty này. Hai cổ đông còn lại, ông Nguyễn Hoàn Sơn cũng làm nghề phân phối nước đóng bình như bà Phương; ông Trần Gia Phong làm nghề đồ gỗ ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng. Theo lời bà Phương, ông Sơn và ông Phong, họ chẳng khá giả gì!

Về trường hợp bất thường này, lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết phía cơ quan cấp đăng ký kinh doanh sau khi nhận thấy số vốn lớn đã xác nhận lại với người đại diện pháp luật của công ty đó và họ khẳng định số vốn đăng ký nêu trên là đúng. Tuy nhiên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã thông báo cho các cơ quan thuế, thanh tra, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để phối hợp theo dõi, quản lý.

Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, các cổ đông có nghĩa vụ góp đủ số vốn kê khai trong đăng ký kinh doanh trong thời hạn 90 ngày từ thời điểm cấp đăng ký kinh doanh theo điều 112 Luật DN. Nếu không góp đủ vốn trong hạn định thì sẽ bị phạt hành chính...

Lợi dụng kẽ hở pháp lý

Theo luật sư Bùi Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), pháp luật hiện hành về lập DN có kẽ hở khiến nhiều cá nhân lợi dụng nhằm mục đích xấu. Cụ thể, theo Luật DN, việc đăng ký vốn điều lệ là do DN tự kê khai, cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm thông qua một số công cụ như báo cáo tài chính, báo cáo thuế. Trong khi đó, việc giám sát góp vốn thực của DN rất khó khăn, không ít DN sử dụng chiêu trò để làm đẹp hồ sơ nhằm trục lợi. Điển hình là trường hợp Công ty CP Địa ốc Alibaba "hét" tổng vốn điều lệ lên tới 1.600 tỉ đồng (góp vốn bằng tiền mặt) và từ hàng chục dự án "bánh vẽ", cả ngàn nhà đầu tư đã sập bẫy khi góp tiền cho Alibaba để mua đất dự án. Nhờ đó, theo cơ quan chức năng, Alibaba đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 2.500 tỉ đồng của đối tác góp vốn.

Cách đây không lâu, tại tỉnh Sóc Trăng, công an đã điều tra, làm rõ vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến Công ty CP Đầu tư thế giới Thiên Cổ Tự. Công ty này do 2 cá nhân thành lập với số vốn điều lệ đăng ký lên tới 2.000 tỉ đồng. Từ khi thành lập, DN không  góp vốn điều lệ, không báo cáo kinh doanh và kê khai thuế theo quy định. Dù vậy, 2 cá nhân nói trên đã quảng cáo nhiều dự án bất động sản, kêu gọi người góp vốn đầu tư nhưng thực sự các dự án này đều không có. Bằng cách đánh bóng hình ảnh thông qua lượng vốn "khủng", nhóm đối tượng đã chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của những người đầu tư. "DN dù chỉ đăng ký vốn trên giấy nhưng vẫn thực hiện các hợp đồng làm ăn với đối tác, từ đó nảy sinh các tranh chấp, lừa đảo" - luật sư Bùi Anh Tuấn phân tích.

Rất đáng lo ngại!

Trái với thực trạng đó, mức chế tài xử phạt hành vi khai khống vốn - theo luật hiện nay - còn nhẹ, chỉ 10-20 triệu đồng, kèm theo việc buộc DN đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã góp.

Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kế toán Đồng Hưng, cho biết Luật DN đã có quy định rõ thời gian góp vốn tối đa của một DN là 90 ngày sau khi đăng ký kinh doanh. Nếu quá thời hạn này, DN không góp vốn đủ thì phải giảm vốn đăng ký. Tuy nhiên, vẫn có những kẽ hở như việc không bắt buộc cá nhân góp vốn phải chuyển khoản qua ngân hàng mà chỉ bắt buộc điều này với tổ chức. Do đó, việc kiểm soát còn nhiều khó khăn. Hoặc nhà nước có thể chặn vốn ảo bằng cách yêu cầu góp vốn thực tế nhưng DN sau khi góp vốn sẽ lách luật để hợp thức hóa bằng cách chi trả khống lương cho nhân sự, khai khống đầu tư, rút vốn...

Cũng theo ông Tiến, đáng lo ngại nhất hiện nay là các cơ quan nhà nước thiếu sự kiểm tra, giám sát và xử phạt đối với các trường hợp lợi dụng kẽ hở chính sách, kê "khống" số vốn với mục đích riêng, như khuếch trương tiềm lực của DN để tận dụng cơ chế ưu đãi, vay vốn, đất đai… Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc quản lý đăng ký kinh doanh hiện nay còn khá lỏng lẻo. Sự việc có thể không chỉ dừng lại ở sự gian dối của DN mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến chính sách chung của nhà nước, dẫn đến việc chính sách bị lợi dụng sai mục đích. Chưa kể, việc khai vốn ảo có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch về nền kinh tế ở tầm vĩ mô, ảnh hưởng đến việc ban hành chính sách hoặc các mục tiêu phát triển tương ứng.

Để ngăn chặn tình trạng kể trên, theo luật sư Bùi Anh Tuấn, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bịt các lỗ hổng để tránh bị lợi dụng, đồng thời tăng mức xử phạt theo hướng số tiền phạt sẽ tỉ lệ với số vốn đăng ký ảo. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường, giám sát việc thực hiện góp vốn của DN để kịp thời phát hiện, xử lý. 

Tìm hiểu kỹ khi hợp tác

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN có quyền tự kê khai số vốn, cơ quan nhà nước trong trường hợp phát hiện những bất thường về vốn thì nên có các biện pháp giám sát chặt hơn. Hiện nay, hệ thống đăng ký kinh doanh tập trung đã tạo thuận lợi để phát hiện các trường hợp bất thường vốn, từ đó khoanh vùng, có phương án giám sát.

Đánh giá việc giám sát sau khi phát hiện bất thường về vốn là giải pháp quan trọng, ông Đậu Anh Tuấn cho biết những trường hợp sau khi đã bị xử phạt hành chính về việc đăng ký vốn ảo sẽ bị đưa vào đối tượng rủi ro và khi thành lập DN mới, hệ thống ghi nhận tiền sử không tốt.

"Trước khi hợp tác, cần tìm hiểu kỹ DN đó, không chỉ đơn thuần là vốn điều lệ mà còn năng lực, quy mô, uy tín trên thị trường..." - ông Tuấn khuyến cáo.

Theo Minh Chiến - Hoài Dương

Cùng chuyên mục
XEM