Thấy người trẻ sống vật vờ, chán nản, cố chủ tịch tập đoàn Daewoo từng nhắn nhủ: Lịch sử thuộc về những người dám mơ ước!

30/06/2020 15:39 PM | Kinh doanh

Kim Woo Choong đã thiết lập mạng lưới toàn cầu cho tập đoàn Daewoo, mở rộng 589 ngành doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho hơn 150.000 người trên thế giới: Hãng sản xuất ôtô, tàu biển, các thiết bị điện tử và có nhà máy trên khắp thế giới.

Kim Woo Choong (1936 -2019), cựu chủ tịch, sáng lập viên Tập đoàn Daewoo, có thể được ghi nhận là một trong những nhân vật mâu thuẫn nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại. Ông là một người hiểu về kinh doanh toàn cầu, thâm nhập bạo dạn vào thị trường nước ngoài trong thập kỉ 70. 

Với sự chăm chỉ và hoạt động kinh doanh không ngừng nghỉ, Cựu chủ tịch Daewoo từ việc mua một công ty dệt may nhỏ vào cuối những năm 1960 và 30 năm sau xây dựng nó trở thành tập đoàn công nghiệp lớn thứ hai Hàn Quốc và là một trong những tập đoàn có tên tuổi trên thế giới, góp phần vào đưa kinh tế Hàn Quốc phát triển. 

Kim đã thiết lập mạng lưới toàn cầu cho tập đoàn Daewoo, mở rộng 589 ngành doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho hơn 150.000 người trên thế giới: Hãng sản xuất ôtô, tàu biển, các thiết bị điện tử và có nhà máy trên khắp thế giới.

Tư tưởng kinh doanh rộng mở của ông được ghi lại trong cuốn tự truyện Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm. Sau đây là đoạn trích về tâm sự của ông về hành trình gây dựng lên Daewoo.

Thấy người trẻ sống vật vờ, chán nản, cố chủ tịch tập đoàn Daewoo từng nhắn nhủ: Lịch sử thuộc về những người dám mơ ước! - Ảnh 1.

Khi còn đi học, tôi rất nghèo, nhưng tôi không phải là đứa trẻ duy nhất như vậy. Thời đó, ai cũng nghèo cả: 30 năm trước (thời điểm 2013 lúc Kim Woo Choong viết cuốn sách), thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ khoảng 50 đô-la. Giờ đây, con số này là gần 5.000 đô-la, cho nên các bạn có thể hình dung được cuộc sống lúc đó với chúng tôi khó khăn như thế nào. Dĩ nhiên, ngày nay vẫn có một số người nghèo, nhưng vào thời kỳ ngay sau Chiến tranh Triều Tiên, tình trạng nghèo khó kinh khủng lan tràn khắp nơi.

Khi đó, chúng tôi sống tại khu Changchung-dong của Seoul. Tôi phải đi bộ hai tiếng tới Đại học Yonsei, cách nhà khoảng 10 cây số. Tôi không có lấy một xu dính túi, nhưng tôi có những ước mơ. Tôi vẫn không thể quên cái cảm giác chế ngự tôi khi tôi bước ra khỏi thư viện vào lúc đêm khuya, hoặc khi tôi ngước nhìn lên bầu trời trong lúc lê bước về nhà.

Dường như thế giới là của riêng tôi, và tôi có thể ôm cả vũ trụ trong vòng tay mình. Với tôi, dường như chẳng có gì là không thể. Sức sống của tuổi trẻ tràn trề trong tôi, và nó dâng đầy trong tim tôi những ước mơ. Chẳng có gì có thể ngăn cản tôi.

Trong mọi điều đi cùng với tuổi trẻ, ước mơ là quan trọng nhất. Những người có ước mơ không hề biết đến nghèo khó, vì một người luôn giàu có như những giấc mơ của mình. Tuổi trẻ là giai đoạn cuộc đời khi mà bạn chẳng có gì để đố kỵ nếu bạn có những ước mơ, dù cho bạn không hề sở hữu một thứ gì.

Lịch sử thuộc về những người dám mơ ước.

Ước mơ là sức mạnh thay đổi cả thế giới. Tôi đánh cược rằng tất cả những người làm nên lịch sử thế giới ngày nay đều đã có những ước mơ lớn lao khi còn trẻ. Hoa Kỳ, với một lịch sử chỉ hơn 200 năm, đang định hình lịch sử cả thế giới ngày nay. Và như chúng ta đều biết, chính những giấc mơ vĩ đại của những người đi tiên phong với tinh thần kiên cường mới đem lại sức mạnh cho sự phát triển như vậy.

Nhưng hiện nay, tôi thường nghe nói rằng thanh niên không còn những ước mơ về tương lai nữa. Hoặc là những ước mơ họ có đều "trói chặt" với hiện tại. Nếu đúng như vậy thì chẳng còn gì đáng buồn hơn nữa, không chỉ với từng cá nhân mà thậm chí với cả dân tộc.

Những ước mơ thường làm nên con người. Chúng điều khiển nhân cách, công việc và thậm chí là số phận của người đó. Ước mơ giống như bánh lái của một con tàu đang căng buồm.

Bánh lái có thể nhỏ bé và chúng ta không hề thấy nó, nhưng nó điều khiển hải trình của con tàu. Cho nên, một cuộc đời thiếu ước mơ giống như con tàu không có bánh lái, sẽ mất phương hướng và lênh đênh cho tới khi mắc kẹt vào đám rong biển.

Thấy người trẻ sống vật vờ, chán nản, cố chủ tịch tập đoàn Daewoo từng nhắn nhủ: Lịch sử thuộc về những người dám mơ ước! - Ảnh 2.

Ước mơ sai lệch cũng nguy hiểm chẳng khác gì không có ước mơ. Một người mà những ước mơ không vượt qua được sự thỏa mãn cá nhân đối với hiện tại thì cũng đáng khinh chẳng khác gì một người không hề có ước mơ: Người đó không nhận ra được giá trị lớn nhất của tuổi trẻ. Nếu các bạn có ước mơ, và tôi hy vọng là như vậy, hãy nuôi dưỡng nó hết mức, vì ước mơ của bạn chính là bánh lái sẽ quyết định hướng đi và hải trình con tàu cuộc đời của bạn.

Tôi đã từng có một ước mơ khi 5 chúng tôi gây dựng Công ty Công nghiệp Daewoo. Ước mơ đó là đóng góp cho sự phát triển xã hội thông qua hoạt động kinh doanh. Chúng tôi bắt đầu chỉ với 10.000 đô-la trong một căn phòng nhỏ tồi tàn, thuê ở góc một tòa nhà, nhưng tôi có một ước mơ thậm chí còn lớn hơn cả vũ trụ.

Ước mơ đó bắt đầu trở thành hiện thực khi công ty phát triển lên, và chỉ trong 10 năm, tôi đã có tòa nhà lớn nhất Hàn Quốc, chính là Trung tâm Daewoo ngày nay. Tuy nhiên, lúc đó, tôi cũng có những e ngại về việc xây dựng Trung tâm Daewoo. Tôi nghĩ có thể tốt hơn nếu đầu tư vào các cơ sở sản xuất giúp đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế tức thời.

Tôi cũng sợ rằng công ty sẽ bị chỉ trích vì đầu cơ bất động sản.

Tuy nhiên, tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình, và bắt đầu một ước mơ mới, ước mơ mở rộng công ty đến mức người của Daewoo có thể lấp kín cả tòa nhà khổng lồ. Khi đó, một kỳ tích như vậy thật sự là không thể tưởng tượng nổi; nhưng tôi đã thực hiện được ước mơ đó trong vòng 5 năm. Giờ đây, đội ngũ nhân sự của Daewoo là hơn 100.000 người, đủ để lấp kín ba tòa nhà như vậy.

Giờ tôi lại có một ước mơ khác, đó là tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất thế giới suốt cả đời mình. Tôi đã lập được nhiều kỷ lục thế giới, bến cảng đơn lớn nhất thế giới tại Xưởng đóng tàu Daewoo Okpo; nhà máy may mặc lớn nhất thế giới tại Busan; doanh số bán hàng may mặc lớn nhất thế giới. Nhưng vẫn còn thứ gì đó mà chúng tôi chưa đạt được, đó là tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất thế giới.

Tôi vẫn để dành ước mơ này. Sản phẩm đó có thể là bất kỳ thứ gì, miễn là nó được biết đến như sản phẩm tốt nhất thế giới loại đó – giống như bút mực Parker hay máy ảnh Nikon, và miễn là người ta còn nói rằng nó do Kim Woo-Choong làm ra. Đó là ước mơ của tôi. Nhưng có vẻ như đó là một ước mơ sẽ không thể dễ dàng đạt được trong tương lai gần. Có lẽ nó sẽ chỉ xảy ra sau khi tôi đã bàn giao lại Daewoo cho một người kế nhiệm xuất chúng.

Tôi vẫn còn một ước mơ nữa, ước mơ lớn nhất của tôi, đó là được nhớ về như một doanh nhân đáng kính. Tôi không muốn được người ta biết đến vì giàu có hay kiếm ra nhiều tiền.

Theo truyền thống Hàn Quốc, doanh nhân không được kính trọng; thay vào đó, họ là những người đáng khinh hoặc cần tránh xa. Có lẽ có rất nhiều lý do giải thích cho điều này, và có lẽ lý do lớn nhất là truyền thống thứ bậc xã hội Khổng giáo đã ăn sâu bén rễ: trí, nông, công, thương, trong trật tự đó, thương nhân ở dưới đáy. Một lý do khác có thể thấy trong những xu hướng gần đây hơn, trong đó, với một số doanh nhân, mục đích – tích lũy tài sản – biện minh cho phương tiện. Nhưng tôi không thấy lý do tại sao một doanh nhân lại không thể có được sự trọng vọng giống như một giáo sư hay một nghệ sĩ.

Tôi muốn được ghi nhớ như một chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực của mình, và ước mơ cuối cùng của tôi là giúp tạo ra một xã hội trong đó doanh nhân được kính trọng. Và tôi tiếp tục nỗ lực biến ước mơ đó thành hiện thực.

Tuổi trẻ không có ước mơ thì không phải là tuổi trẻ. Ước mơ rất quan trọng, cần thiết cho tuổi trẻ. Tuổi trẻ là những ước mơ. Và lịch sử thuộc về những người dám mơ ước.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM