Thấy gì từ lá đơn "cầu cứu" Thủ tướng của công ty Ba Huân?
Khi "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" trong mối quan hệ dân sự, doanh nghiệp gửi đơn lên Thủ tướng, nhờ hỗ trợ. Nội tình, có thể chưa được làm rõ, nhưng "cầu cứu" Thủ tướng trong trường hợp này để lại nhiều câu chuyện cần nghiên cứu.
Tiền lệ xấu cho môi trường kinh doanh
Vừa qua, CTCP Ba Huân đã có công văn gửi Thủ tướng nhờ hỗ trợ trong việc chấm dứt hợp tác với VinaCapital sau nửa năm có sự hợp tác do có những bât đồng. Thậm chí, được phía Ba Huân nhận định là một cuộc "thôn tính".
Vụ việc đến chiều tối ngày 7/8 đã phần nào được giải quyết, khi phía VinaCapital phát đi thông báo dừng tham gia đầu tư vào công ty Ba Huân. Nghĩa là chưa có sự can thiệp của Chính phủ, doanh nghiệp đã tự thoả thuận được với nhau.
Câu chuyện dù khép lại nhưng cũng để lại nhiều suy ngẫm trong cách hành xử của doanh nghiệp cũng như tác động về môi trường kinh doanh.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Võ Trí Hảo, giảng viên Khoa Luật, ĐH Kinh tế TP. HCM cho biết việc doanh nghiệp gửi kiến nghị lên Thủ tướng trong sự vụ này là không đúng, trên góc độ pháp lý. Những tranh chấp kinh doanh thương mại, giữa hai doanh nghiệp, hoặc tự thoả thuận, giải quyết tại toà án hoặc trọng tài thương mại.
Thủ tướng nếu can thiệp, sẽ là trong một số trường hợp có vi phạm pháp luật rõ ràng đến từ phía cơ quan Nhà nước hoặc các vấn đề về chính sách nhằm bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh. Mối quan hệ được điều chỉnh ở đây sẽ giữa doanh nghiệp và nhà nước, về chính sách, quy phạm pháp luật chứ không phải sự kiện đơn lẻ cụ thể. Điều này chưa được chỉ ra trong vụ việc của Ba Huân.
Một số kiến nghị đã được Chính phủ trả lời qua website doanhnghiep.chinhphu.vn
Mặt khác, giả sử Thủ tướng can thiệp vào vụ việc, như đơn kiến nghị vừa qua, sẽ tạo ra một thông lệ không tốt khi sự độc lập xét xử của toà án bị ảnh hưởng. Tiền lệ xấu về sự bình đẳng của công dân trước luật pháp cũng được hình thành. Ví dụ, nếu có vụ việc tương tự xảy ra, được kiến nghị lên Thủ tướng, nếu không được xử lý, sẽ là sự phân biệt đối xử. Như vậy, môi trường kinh doanh về cơ bản mất đi tính công bằng.
Cuối cùng, ông Hảo cho rằng đây là sự việc "vụn vặt", không cần bàn tay của Thủ tướng, vốn giải quyết những vấn đề vĩ mô. Thực tế, các nước cũng không có thông lệ này. Và quả thực, các doanh nghiệp đã phải ngồi lại với nhau để kết thúc những tranh cãi, bất đồng.
Case study cho doanh nghiệp Việt
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng câu chuyện của Ba Huân là một "case study" cần nghiên cứu kỹ.
Trong bối cảnh các thương vụ M&A, các thương vụ rót vốn dần phổ biến hơn, ông Lộc nhận định doanh nghiệp trong quá trình làm ăn với đối tác cần phải có tinh thần "vừa cởi mở, vừa thận trọng về các vấn đề pháp lý".
Việc tranh chấp phát sinh là điều không tránh khỏi, theo ông Lộc, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt phải hết sức chặt chẽ về pháp lý nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của doanh nghiệp, tránh tình trạng "há miệng mắc quai", rơi vào thế bí.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ: "Chúng tôi cũng mong muốn quỹ đầu tư khi vào Việt Nam phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác Việt".
Tuy nhiên, ngược với quan điểm của ông Võ Trí Hảo, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng doanh nghiệp vướng mắc gửi kiến nghị lên Thủ tướng là chuyện hoàn toàn bình thường.
"Quan trọng là căn cứ vào pháp luật trong nước và quốc tế để giải quyết một cách hợp tình hợp lý, hợp pháp cho doanh nghiệp", ông nói và cho biết đó cũng là một biện pháp doanh nghiệp tự bảo vệ mình.