Thấy gì ở ngân hàng 0 đồng sau chuyển giao bắt buộc?

16/12/2024 21:45 PM | Ngân hàng - Tài chính

Ngân hàng 0 đồng khi chuyển giao có sự tăng trưởng tín dụng và huy động vốn. Quá trình hoạt động sau chuyển giao diễn ra suôn sẻ, an toàn, không có gián đoạn giao dịch hoặc sự cố.

Tại hội nghị ngành ngân hàng mới đây, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - cho biết, sau khi Ngân hàng Oceanbank chính thức chuyển giao ngày 17/10 đến nay, MB đã hoàn thiện mô hình tổ chức mới và kiện toàn bộ máy nhân sự chủ chốt gồm hội đồng thành viên, ban Kiểm soát, ban điều hành.

“Ngày 10/12, MB đã hoàn tất trao quyết định các nhân sự chủ chốt là hội đồng thành viên và ban kiểm soát của Oceanbank. MB đã cử gần 80 nhân sự có chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức tốt được MB lựa chọn, để bổ sung cho OceanBank, sắp xếp và đào tạo đội ngũ nhân sự Oceanbank về nghiệp vụ, kỹ năng đảm bảo thu nhập cho người lao động”, ông Thái cho biết.

Thấy gì ở ngân hàng 0 đồng sau chuyển giao bắt buộc?- Ảnh 1.

Ngân hàng OceanBank có những kết quả mới sau khi chuyển giao.

Kể từ ngày 17/10-13/12, tăng trưởng huy động vốn của OceanBank đạt 1.229 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỷ đồng. MB và OceanBank đã triển khai các khoản bán nợ quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Quá trình hoạt động sau chuyển giao diễn ra suôn sẻ, tuyệt đối an toàn, không có gián đoạn giao dịch hoặc sự cố.

Với Ngân hàng CB, kể từ 17/10 ngân hàng này chính thức là đơn vị thành viên thuộc Vietcombank, sẵn sàng cho hành trình mới.

Ngay sau chuyển giao, dưới sự quản lý, điều hành từ Vietcombank, ngoài các công việc được thực hiện khẩn trương như tổng kiểm kê kho quỹ, tài sản… việc rà soát hành lang pháp lý được triển khai. Các sản phẩm dịch vụ của hệ thống từng bước sẽ có sự tương đồng cùng hệ thống Vietcombank từ online tới offline.

Kể từ khi chính thức chuyển giao, CB đã 2 lần tăng mạnh lãi suất huy động và có nhiều chương trình tri ân khách hàng để hút vốn.

Vietcombank cho biết, việc chuyển giao bắt buộc CB cho Vietcombank được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa CB dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.

Mới đây, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình phương án chuyển giao bắt buộc với hai ngân hàng GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12. GPBank là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng trong năm 2015, trong khi DongABank là nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Lãnh đạo hai ngân hàng tư nhân là VPBank và HDBank cũng từng công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.

Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Ngân hàng Nhà nước từng cho biết khó khăn trong việc cơ cấu nhóm ngân hàng yếu kém là việc tìm kiếm ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao. Việc này kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào sự tự nguyện tham gia và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài, theo Ngân hàng Nhà nước.

Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng ngày 14/12 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Vừa qua, 2 ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc, 2 ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phê duyệt trong năm nay. “Việc này đánh dấu một giai đoạn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Theo Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM