Thanh Vũ - người phụ nữ "bơi 38km, đạp xe 1800km, chạy 450km": Tôi sống trong nỗi sợ hàng ngày. Nhưng khi sống cùng nó cũng có nghĩa là ta sẽ hiểu để đi cùng nó
Năm 2017, Thanh Vũ là người phụ nữ châu Á đầu tiên chạy qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Sahara, Gobi, Atacama, Nam Cực ở giải chạy siêu bền quốc tế 4 Deserts Grand Slam. Trong giải chạy này, người tham gia sẽ phải chạy đường trường qua 4 sa mạc, với tổng chiều dài lên đến 1000km trong suốt 4 tháng, với mỗi chặng lên đến 250km kéo dài trong 7 ngày.
Năm 2022, Thanh Vũ trở thành nữ vận động viên Việt Nam đầu tiên vô địch cuộc đua 3 môn phối hợp The Deca Ultratriathon, sau khi vượt qua quãng đường 2.260km, trong đó cô đã bơi 38km, đạp xe 1800km và chạy bộ 422km. Để dễ hình dung, khoảng cách từ cực Bắc tới cực Nam của đất nước chúng ta là 1650km tính theo đường chim bay, còn đường bờ biển là 3444km.
Đầu năm 2024, Thanh Vũ tiếp tục hoàn thành 500km trên tuyết trong giải chạy khắc nghiệt Montane Lapland Arctic Ultra tại Thụy Điển, dưới nhiệt độ -10 độ c.
Đó chỉ là một vài cột mốc mà người phụ nữ phi thường này đã đạt được. Nhưng cô vẫn chưa muốn dừng lại. Năm 2024 này, Thanh Vũ sẽ tham gia giải chạy marathon tại núi Everest vào tháng 5, và tiếp tục thử thách mình với Triple Deca - giải dài nhất trong lịch sử 3 môn phối hợp - vào tháng 9.
Với Thanh Vũ, mọi thành tích và cột mốc chỉ là một phần trong hành trình bền bỉ của cuộc đời. Tháng 12 vừa rồi, cô đã đi trữ đông trứng để có thể chủ động với những dự định trong tương lai. Sau những giải chạy, Thanh trở lại là một nhân viên công sở nhiệt huyết và cũng phải đối mặt với những áp lực riêng của công việc. Chinh phục những đường chạy khắc nghiệt giống như một phép ẩn dụ về cách cô lên kế hoạch cho cuộc đời mình và hoàn thành chúng.
Từ khi tôi tham gia những giải thách thức sức bền từ cuối năm 2015 đến bây giờ, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Trước đây, tôi hay bị gồng gánh mọi thứ một mình, có những giai đoạn không dám chia sẻ về những mục tiêu với bất cứ ai, dù là đồng nghiệp hay sếp. Mãi sau tôi mới hiểu rằng, nếu không biết cách chia sẻ những mục tiêu thì cũng có nghĩa là những mục tiêu ấy chưa đủ lớn với bản thân. Bởi chỉ khi mục tiêu đủ lớn, nó mới tạo ra sự thôi thúc. Những nỗi lo như sợ xấu hổ, sợ quê, sợ người khác bàn tán cũng sẽ nhỏ dần đi. Mục tiêu càng lớn, mình càng cần có sự thuyết phục ở trong việc tiến tới với nó, vì càng ngày mình sẽ càng nhận ra rằng mình không thể gồng gánh hết mọi thứ một mình. Khi có sự hỗ trợ và động viên của mọi người xung quanh, tự bản thân sẽ cảm thấy niềm vui và mang sự gửi gắm đó vào mọi hành trình thách thức.
Chính xác, rất khó. Nhưng tôi may mắn được làm việc trong một tập đoàn mà ở đó mọi người được khuyến khích rằng hãy mạnh dạn đưa ra lời tuyên bố.
Không biết bạn đã từng nghe qua việc tại sao mọi người hay thất bại trong việc giảm cân chưa? Tôi thì thấy việc giảm cân hay không không quan trọng bằng việc mình cảm thấy khỏe và hưởng thụ cuộc sống. Mọi người thường thất bại bởi họ làm việc đó khá lỏng lẻo, tuyên bố nhưng không thật sự cam kết. Trong môi trường làm việc của tôi, lời tuyên bố là lời cam kết. Bởi nó là lời mình nói ra - vậy nên nó phải mang giá trị. Ngay cả khi bạn không làm được thì hãy thông báo rằng mình sẽ rời lại, thay đổi mục tiêu hay lựa chọn một cách khác. Đó là một bài học hay và tôi luôn liên tục cải thiện nhờ đó.
Khi tôi nói rằng mình muốn trở thành người Việt Nam bền bỉ nhất thế giới - không ai hiểu mục tiêu đó cả. Nhiều người hỏi: Thế có nghĩa là gì? Thế nào là người Việt Nam bền bỉ nhất thế giới? Thật ra, nó cũng giống như ý nghĩa của cuộc sống. Ta luôn phải hành động, tạo ra ý nghĩa chứ không phải ngồi một chỗ và hỏi cuộc sống có ý nghĩa gì? Tôi biết đây là một mục tiêu không có hồi kết. Hôm nay tôi chạy 100km thì mai sẽ là 101km, 200km rồi lại 300km. Đó là cả một hành trình, là việc ta luôn phải bứt phá, thách thức và đối diện với nỗi sợ hãi. Đâu phải chỉ hoàn thành xong việc chạy 500km trong tuyết là đã đạt được 50% và chỉ cần chạy thêm cho đủ 1000km là sẽ dừng lại?
Càng ngày, tôi càng thích những thách thức mới. Có những giải mà tôi tham gia nhưng rất ít được truyền thông, thậm chí chẳng ai biết đến, nhưng đó đều là những trải nghiệm mà tôi thấy đã mang lại rất nhiều giá trị cho bản thân, giúp tôi trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình ở thời điểm đó.
Khi tham gia giải chạy 100km đầu tiên, tôi đã gặp những người có số tuổi gấp đôi, gấp ba mình cũng tham gia và đoạt giải. Tôi thấy vô cùng cuốn hút khi có thể chứng kiến những nhân chứng sống cho việc không gì là không thể. Giải 500km vừa rồi chỉ có khoảng 10 vận động viên và trong đó đến 16 người ở độ tuổi trung niên trở lên, rất nhiều người ở độ tuổi 50,60 thậm chí U70. Còn lại chỉ khoảng 3 thành viên là ở độ tuổi 3x. Tôi là người trẻ nhất - 33 tuổi, một chị 35 tuổi khác đã rút lui và còn thêm một người nam 37 tuổi. Cả ba người chúng tôi đều nhìn nhau và nói rằng: Thật sự, chúng ta còn biết bao điều phải học hỏi đấy.
Tôi nhớ, ngày đầu tiên tham gia giải chạy chật vật lắm. Bởi đây là giải địa hình trên tuyết, tính tự lập đóng vai trò then chốt. Những giải trước đây tôi từng tham gia như giải Bắc Cực năm 2018 với nhiệt độ rơi xuống khoảng -35 độ, tôi thấy sợ vô cùng. Thế nhưng giải đó cứ 10km sẽ có một trạm tiếp nước, vậy nên cảm giác an toàn cũng giúp tôi tự tin hơn. Còn ở giải vừa rồi, mỗi trạm tiếp nước cách nhau những 37km, thậm chí 50km, không phải dành cho dân chuyên nghiệp nhưng chắc chắn cũng không thể là những tay mơ. Việc chuẩn bị mọi thứ, học cách nấu tuyết thành nước để chế biến thức ăn khô, dựng lều tìm chỗ trú, tránh gió… là những thứ phải trang bị kỹ càng cho bản thân.
Đây cũng là giải đua có 3 hình thức: Xe đạp bánh to, trượt tuyết và bằng chân. Dĩ nhiên là tôi đã chọn hình thức bằng chân, bởi tôi không giỏi cả đạp xe lẫn trượt tuyết. Những ngày đầu, mọi người đều nghĩ rằng sẽ rất lạnh vì tuần đầu ở đó đã -40 độ. Thế nhưng khi vào giải, nhiệt độ ấm lên, các ngày đều lên đến 2 độ. Tuyết tan và gây ra nhiều khó khăn cho việc di chuyển, bắt đầu có những hố nước chảy ra và tôi phải đối mặt với nỗi lo sẽ hụt chân xuống nước, không chỉ làm giảm tốc độ khi chạy mà còn khiến mình dễ nhiễm lạnh.
Trong những buổi luyện tập trước đó, tôi từng nghĩ đến cảnh dẫm chân xuống nước là sẽ bỏ cuộc liền vì vừa ướt, vừa lạnh, cự li lại quá dài. Nhưng ngay ở cự li đầu tiên, tôi đã thụt hố… 2 lần. Những người làm công tác đường chạy đã nhắc nhở trước rằng có rất nhiều hố tuyết bị chảy, hãy dùng giày chạy trên tuyết có bản to để không bị thụt chân. Nhưng việc sử dụng các loại giày này cũng khiến tôi phải xử lý các bước chạy khác với bình thường, lại cộng thêm sự bướng bỉnh nên tôi nghĩ rằng mình sẽ chịu được, mình từng tham gia giải âm 30 độ rồi, không sao đâu. Vậy nên tôi cứ chạy, và phải nhận không ít hậu quả từ đó.
Ở lần thụt hố đầu tiên là một hố tuyết khô, chưa có nước. Tôi nhanh chóng vực lên vì sợ bước tiếp theo cũng sẽ hụt. Ngay khi lên bờ, tôi nhanh chóng cởi giày và thay tất. Mỗi lần đi tôi mang 2 đôi, nhưng trong balo tôi chỉ chuẩn bị có 4 đôi, tức là tôi chỉ còn thay được một lần nữa. Đến lần thứ 2, thụt xuống hố nước thì tôi đã hết tất khô để thay rồi. Lúc đó chỉ còn cách vắt tất thật khô và đợi tới trạm tiếp nước để lấy thêm tất. Tôi thậm chí đã nhét tất vào đùi để tận dụng hơi ấm của cơ thể để làm khô tất. Lúc đó cảm thấy rất hoang mang, bởi đường tuyết khiến tôi di chuyển rất chậm, gặp nhiều biến cố như vậy khiến tôi xuống tinh thần và mất nhiều năng lượng, chặng đường lại kéo dài những 37km nên số lương thực mang theo cũng không còn đủ. Đến nơi, tôi vừa kiệt quệ, vừa lạnh, vừa run. Mới ngày đầu tiên đã xảy ra bao lỗi lầm khiến tôi mất hết sự tự tin vốn có. Thậm chí, những người xung quanh còn hoài nghi liệu cô gái này có vượt qua được không? Sau 37km đầu tiên đó, tôi lại liên tục mắc những lỗi cơ bản. Tôi cố đi thêm vì chưa đủ, nhưng người lại rất đuối vì thiếu năng lượng và lạnh nữa. Chỉ 5km tiếp theo nhưng tôi mất đến 7 tiếng để di chuyển, thậm chí luôn trong trạng thái ngủ gà gật. Lúc xuống dốc, có những đoạn rất cao và phải kéo theo xe đồ, thậm chí xe có thể lao xuống trước vì nặng, tôi phải thao tác mọi thứ thật cẩn thận và cần kỹ năng để điều khiển. Trong đêm tối, vừa mệt, vừa hoang mang, có những lúc tôi lao thẳng vào cây, tay chân đều bị bầm dập. Mới mấy ngày đầu nhưng những gì tồi tệ nhất đều diễn ra hết rồi, tôi lại tiếp tục rơi vào trạng thái hoang mang và chậm lại so với đoàn. Tôi nhẩm tính trong đầu, với tốc độ như thế này tôi sẽ không thể nào đuổi kịp, ngay cả nếu chỉ ngủ 1-2 tiếng mỗi ngày cũng khó mà hoàn thành. Càng ngày, tôi càng bị bỏ xa phía sau.
Đến ngày thứ 5, tôi biết cơ hội của mình không còn nhiều. Đã có những lúc tôi vừa khóc vừa chạy. Lúc này, tôi cần quyết định bản thân sẽ phải làm gì? Cần phải tăng tốc lên, cần phải thay đổi kế hoạch ăn uống. Trong trường hợp không kịp, tôi cần đi xa nhất có thể và thậm chí nghĩ đến việc rút lui. Câu hỏi này liên tục xuất hiện trong đầu tôi và hối thúc tôi đưa ra một quyết định. Vậy là tôi tìm cách cân đối lại kế hoạch của mình. Tôi rút ngắn thời gian ăn uống bằng cách không dùng nước nóng nấu đồ khô nữa mà đổ luôn lương thực vào bình giữ nhiệt, tôi sẽ ăn trực tiếp trong đó để tiết kiệm thời gian. Sức người chỉ có hạn, vậy nên việc tính toán lại chiến lược sinh hoạt sẽ rất hữu ích. Chân bắt đầu đau và nếu ngủ nhiều hơn cũng sẽ không ngủ ngon vì nhức, vậy nên tôi lựa chọn những giấc ngủ ngắn tầm 10-20 phút để cơn buồn ngủ đi qua.
Tôi nhận ra, người Việt Nam có khí chất rất hay là khi bị dồn tới bước đường cùng sẽ có sự sáng tạo và thay đổi linh hoạt. Những ngày sau, sự thay đổi bắt đầu mang đến những tiến triển tích cực hơn. Nhiệt độ thì giảm xuống -9 độ và đây cũng là nhiệt độ chạy lý tưởng khi băng bắt đầu cứng lại. Tôi thấy mình có thể chạy được và dần tìm lại cảm giác thoải mái. Tôi vận dụng tất cả các bề mặt có thể chạy, khi lên dốc sẽ cố gắng chạy nhanh nhất có thể, còn khi xuống dốc thì tận dụng để rút ngắn thời gian. Tôi bắt đầu gặp thêm các thành viên đoàn chạy ở dọc đường, rút ngắn khoảng cách với họ.
Khi cán đích, tôi chỉ cán sau người đến trước mình khoảng 3 phút thôi. Cứ mỗi tiếng là tôi lại thấy gần cô ấy hơn 1km. Đó là một người phụ nữ Thụy Điển năm nay đã 63 tuổi. Cô rất khỏe và mạnh mẽ. Trước đó, có một người phụ nữ Anh 67 tuổi chọn đi xe đạp bánh to. Những ngày đầu, những ai chọn đi xe đạp sẽ rất vất vả vì tuyết thì mềm, đạp xe không được nên họ phải đẩy chiếc xe nặng mấy chục ký, mang theo cả túi ngủ và nhu yếu phẩm. Vậy mà cô ấy chỉ chậm hơn tôi có chút xíu thôi. Khi nhìn thấy tôi thụt xuống hố nước, cô cũng rất lo lắng và luôn động viên rằng cô ở đằng sau thôi nên hãy yên tâm. Nhờ cô, tôi đã có tâm lý ổn định hơn rất nhiều.
Những ngày sau, khi tuyết bắt đầu cứng, tôi vào guồng thì cô cũng đạp xe rất nhanh, thậm chí còn vượt cả những người phía trước. Cô đã về đích trước tôi đâu đó môt ngày. Qua những chặng đường như vậy, tôi chợt nhận ra rằng có những suy nghĩ thật lỗi thời như tuổi 50, 60 là chẳng làm được gì nữa, chỉ nên ở nhà nằm thôi kẻo yếu tay chân. Thế nhưng, sự thật là con người chỉ già đi khi mình không sử dụng nó. Nếu tiếp tục rèn luyện thì cơ thể sẽ trở thành một bộ máy dẻo dai. Nhiều người thấy lạ khi nhìn tôi cứ liên tục thách thức bản thân trong những giải mang tính “ghê người” như vậy. Nhưng càng đi, tôi càng thấy đây không phải là câu chuyện của riêng mình. Thú thật, tôi là người rất giỏi nằm nhà và xem phim, nhưng tôi muốn được chứng kiến những điều kỳ diệu như vậy nhiều hơn. Bởi khi được nhìn thấy và trải nghiệm chúng rồi, khi quay trở lại đời sống thường nhật, tôi thấy rằng trên đời này, không điều gì là không thể. Cuộc sống rất quý giá, dù ở bất kể độ tuổi nào, giới tính nào, dù cho mình nghĩ bản thân đang có thiếu sót gì - đó chỉ là những rào cản để khiến ta không thể sống cuộc đời mình đáng sống. Nếu ta cho phép bản thân đối diện với sự sợ hãi và dần dần gỡ bỏ những rào cản đó, cuộc sống chúng ta hẳn sẽ chất lượng hơn nhiều.
Trước đây, khi mới ở độ tuổi hai mươi, tôi không phải kiểu người kiêu ngạo nhưng cũng chẳng hề khiêm tốn. Tôi luôn tự hỏi tại sao mình phải làm việc này? Nhưng bây giờ, tôi nghĩ về mọi chuyện với tâm thế thoải mái hơn bằng câu hỏi: Việc này có đáng làm không? Nếu nó đáng, hãy làm bất kể nó có trong phần việc của mình hay không. Trong giải chạy có rất nhiều khoảnh khắc như vậy, đầy rẫy những giây phút chẳng hề đẹp đẽ như mọi người thường thấy. Ai đó xem các video sẽ nhìn thấy người chạy trong phom dáng chuẩn, cảnh quan kỳ vỹ, nhưng đâu ai thấy lúc bò vội vàng trên tuyết để thoát khỏi hố nước trông tồi tệ thế nào? Trải qua những khoảnh khắc như vậy, tôi thấy mình rất nhỏ bé. Vậy nên hãy trân trọng mọi giây phút trong cuộc sống, và sống đời mình sao cho không hổ thẹn.
Tôi biết mình sẽ rất vui khi cán đích. Tôi không biết là do trời thương khiến điều kiện thời tiết tốt lên, hay BTC cố tình sắp xếp như vậy để tôi thấy mình như vừa từ địa ngục trở lại. Có thể là cả hai, nhưng khi cán đích tôi rất vui và háo hức. Dù ngày cuối đó, tôi còn những… 59km mới hoàn thành, có nghĩa là 1/10 của cả giải. Sự tự tin đã quay trở lại.
Tôi có đem theo một chiếc GoPro và khoảnh khắc duy nhất tôi dùng chiếc GoPro đó là khi tôi đã mệt lắm rồi và ngồi xuống nghỉ. Lúc đó, rừng tối đen, tôi dùng GoPro và nói rằng: Có khả năng đây là đoạn video cuối trước khi mình rút lui. Nhưng cho đến ngày cuối cùng, khi còn cách người chạy phía trước 12km, tôi phải dừng lại quay video vì cảnh xung quanh quá đẹp, tôi không thể nào không ghi lại khoảnh khắc này. Chưa bao giờ tôi thấy có một khoảng trời đẹp lộng lẫy đến thế.
Khi về đích, tôi trân trọng những khoảnh khắc vừa diễn ra, dẫu nó buồn hay vui. Tôi cũng có cho mình những bài học sâu sắc, thậm chí thấy bản thân hơi chủ quan vì giải sắp tới tôi tham gia sẽ còn khắc nghiệt và dài hơn nữa. Từ giờ đến lúc đó, tôi sẽ phải học hỏi và chấn chỉnh lại bản thân rất nhiều.
Thật ra, mỗi giải đấu sẽ có sự khắc nghiệt khác nhau. Khắc nghiệt nhất thì cũng chưa hẳn, nhưng nó có rất nhiều thách thức. Như vừa rồi tôi có chia sẻ, tôi rất sợ những giải mà có các trạm tiếp nước cách xa nhau quá như vậy. Tất nhiên, BTC cũng đảm bảo cho những ai tham gia đều trải qua một khóa tận huấn sinh tồn để đảm bảo thời gian khi gặp tai nạn dọc đường. Thời gian cứu hộ có thể rất dài, mấy tiếng hoặc thậm chí một ngày. Chẳng ai biết trước chuyện gì có thể xảy ra, biết đâu sẽ có một cơn bão tuyết? Vậy nên phải thông thạo các kỹ năng sinh tồn để xoay xở và chăm sóc bản thân trong ít nhất 48 tiếng. Ở những giải môi trường nóng, dù mệt đến đâu, thời gian cứu hộ cũng không quá dài và người tham gia cũng không gặp nhiều nguy hiểm khi dừng lại để nghỉ ngơi. Thời tiết quá lạnh sẽ khiến ta bị mất nhiệt rất nhanh, phải học cách dựng lều để trú trong thời gian cứu hộ tới. Vùng đất Lapland vừa rồi ở Bắc Thụy Điển chưa khắc nghiệt bằng một số vùng đất Bắc Cực hay Canada đâu. Nhiệt độ ở những nơi đó có thể rơi xuống -50 độ, rút tay ra khỏi găng khoảng 60s thôi cũng có thể khiến bạn bị hoại tử. BTC luôn nhắc rằng họ sẽ cố gắng làm tất cả để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Khả năng xảy ra chuyện không may là dĩ nhiên sẽ có. Nhưng chính bản thân mỗi người phải quý trọng mạng sống của mình, bởi đến cuối ngày, chính mình mới là người phải chịu trách nhiệm cho mạng sống của bản thân. Chẳng hạn đôi khi, bạn ra đường, bất cẩn nhìn điện thoại một phút thôi cũng có rủi ro tìm đến, hay những bạn trẻ ở độ tuổi 20 cũng có thể trải qua ung thư giai đoạn cuối, ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông. Vậy nên nhiều người có thể nghĩ rằng những thử thách này hơi quá, nhưng nếu đã chấp nhận thì hãy nỗ lực hết sức. Không phải là tôi sống mà không có nỗi sợ. Thậm chí, tôi sống trong nỗi sợ hàng ngày. Nhưng khi sống cùng nó cũng có nghĩa là ta sẽ hiểu nó để đi cùng nó, điều đó khác với việc ta sợ nó và để nó chi phối mình.
Lần đầu tiên tôi nghĩ mình thật sự có thể chết là ở sa mạc Gobi. Ngày thứ 5 là ngày kéo dài 84km còn nhiệt độ lên tới 51 độ. Tôi rất nóng, cảm giác như bị nướng sống trong một cái lò. Ngay cả việc uống nước cũng rất khó khăn khi nước còn nóng hơn nhưng không thể không uống. Tôi cũng không thể ăn được và đó là lần đầu tiên mà tôi ăn xong phải nhè ra, rồi lại cố ăn tiếp. Ăn rồi nhè, không nhè thì nôn, mà nôn thì dạ dạy lại quặn lên acid, vậy nên cố nhè ra vậy.
Ở khắp đường chạy đó không có lấy một bóng cây. Thung lũng đen ở sa mạc Gobi nổi tiếng là một thung lũng chết. Nó chỉ có những tảng đá và không có lấy một bóng râm, đôi khi có những hộc đá lớn để mọi người có thể chui vào đó. Bình thường, tôi hiếm khi gặp các bạn chạy top đầu vì họ chạy rất nhanh. Nhưng ngày hôm đó, tất cả đều liểng xiểng ở trạm tiếp nước. Nhiều người phải nằm xuống để nghỉ vài tiếng rồi mới có thể tiếp tục. Chạy càng nhanh, cơ thể càng nóng, càng phát nhiệt cao, thậm chí còn thiếu nước vì người chạy sẽ mang theo rất ít nước bên mình. Khi gặp những người mạnh nhất đoàn mà còn như vậy lại càng khiến tôi thấy hoang mang.
Trong giải chạy đó, tôi cũng có những vấn đề đòi hỏi phải chiến đấu với chính bản thân mình. Đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy sức cạnh tranh làm lu mờ sự an toàn. Dù cơ thể đang yếu đi nhưng khát khao được vào top cứ thôi thúc tôi phải chạy tiếp.Cuối cùng thì ngày hôm đó, tôi cũng có kết quả rất tốt. Nhưng sau khi về Việt Nam, ngày nào tôi cũng khóc. Tôi khóc liên tục trong 1-2 tuần vì sang chấn tâm lý. Thậm chí đã nghĩ rằng liệu mình có nên rút khỏi thử thách 4 sa mạc này không, dù đã đi được một nửa chặng đường? Nó thật sự rất khắc nghiệt và tôi cảm thấy cực kỳ hoang mang khi đã để tính cạnh tranh lấn át việc đảm bảo sức khỏe của mình. Tôi đã thật sự cân bằng được bản thân chưa? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thật may là nhờ bạn bè, tôi đã có những khoảnh khắc được chia sẻ. Tôi dần nhận ra mình vẫn rất thích bộ môn này, nó thật sự tác động rất tích cực tới bản thân và tôi cần phải cẩn trọng hơn trong những lần tiếp theo. Đó là một trong những trải nghiệm sâu sắc nhất đã khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều.
Nhìn lại quá trình này từ năm 2015 đến nay, cũng đã gần một thập kỷ, tôi rất biết ơn vì mình đã trở thành một con người hoàn thiện mỗi ngày. Hy vọng rằng những người mới chạy, những bạn tham gia chạy bộ - nếu có những khoảnh khắc hoài nghi thì tôi có một lời khuyên rằng hãy luôn giữ vững tinh thần, an toàn là trên hết. Những giải đấu vẫn còn đó, bạn vẫn còn cơ hội để tiếp tục thử thách, đừng vội vã hoàn thành một mục tiêu khi mình chưa sẵn sàng. Chạy bộ là một hành trình vui thú, đích đến chỉ là một cột mốc để giúp mình tiếp tục chứ đâu phải một điểm đến cuối cùng.
Cây số đầu tiên của tôi là vào năm lớp 9, khi đó tôi 13 tuổi. Trường học yêu cầu tất cả học sinh phải có hoạt động ngoại khóa sau giờ học chính, tôi thì chỉ biết chơi mỗi cầu lông - nhưng đó lại không phải lựa chọn nhà trường đưa ra. Tôi đành chọn bộ môn tưởng như dễ nhất - đó là chạy bộ. Khi đó, tôi nghĩ chỉ cần đôi giày, chân trước chân sau đơn giản vậy thôi. Nhưng cho tới bây giờ, tôi vẫn rùng mình nhớ lại cảm giác đó… khó như thế nào. Trong suốt những năm chạy ở trường, tôi thấy mình í ẹ lắm, lúc nào cũng về chót hoặc áp chót. Bù lại, thời gian đó dạy cho tôi ý chí vươn lên. Chỉ còn một bước nữa thôi, một chút nữa thôi. Nó cũng trở thành thói quen để rèn luyện sức khỏe mỗi khi thấy yếu mệt. Cứ khi nào thấy đi bộ lên cầu thang mà thở khò khè là tôi biết mình cần luyện tập trở lại. Chạy bộ cũng là hoạt động dễ tiếp cận và giúp giảm stress rất nhiều. Sau khi học xong, dù không ai bắt tôi phải chạy nữa nhưng tôi vẫn tiếp tục. Tôi nhận ra đây là một trải nghiệm khiến mình thấy vui và muốn phấn đấu. Việc hoàn thành một buổi chạy không chỉ giúp cơ thể có nhiều năng lượng hơn, mà còn mang đến sự tự tin đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống.
Chắc là nó đã nằm trong bản tính của tôi rồi. Ngày trung học, tôi thường đăng ký những thách thức khó hơn một chút để bản thân có sự nỗ lực. Khi hoàn thành chuỗi 4 giải sa mạc, tôi dành thời gian quan sát những người cùng tham gia và nhận ra một điều: Chỉ có khoảng 2-3 người là vận động viên chuyên nghiệp hoặc bán chuyên, còn lại đa phần là những người bình thường. Họ có thể là CEO, là bà nội trợ, luật sư, nhà báo… họ đến từ mọi ngành nghề và chỉ chạy vì đam mê. Điểm chung của họ là những người mong muốn có sự bứt phá và tạo ra những tác động tích cực trong cồng đồng quanh họ.
Mỗi khi hoàn thành xong một cuộc đua, tôi gạt nó sang một bên và nghĩ rằng đó là một cột mốc mình đã hoàn thành, sẽ còn những cột mốc tiếp theo. Chạy qua 4 sa mạc rồi tôi sẽ nghĩ đến những đường chạy qua 7 châu lục, những giải ở độ cao hơn với oxy loãng. Tôi thường đặt cho mình những mục tiêu khoảng 1-2 giải/ năm và dành sự tập trung cho nó, từ đó sẽ cam kết rèn luyện. Nhờ vậy, tôi thấy mình kỷ luật hơn rất nhiều, không chỉ trong việc tập luyện mà còn cả trong mọi khía cạnh đời sống.
Tôi luôn nghĩ rằng, mình vẫn đang noi gương các cô chú U60, U70 mình được gặp trên đường chạy. Mong muốn của tôi là khi mình ở độ tuổi đó, tôi vẫn có thể chinh phục được những thách thức như vậy. Nhưng đó cũng chỉ là một phần trong cuộc sống của tôi thôi. Tôi không muốn mình trở thành một vận động viên chuyên nghiệp 100%. Trong công việc hiện tại, tôi vẫn đang được rèn luyện và học hỏi rất nhiều, vẫn có những cột mốc, những ngọn đồi, những đỉnh núi và những hố băng mà tôi phải chinh phục. Và nếu sau này có những thách thức khác hay ho và thú vị hơn, tôi sẽ luôn giữ cái đầu lạnh để quyết định mình có sẵn sàng mở ra một chân trời mới từ đó hay không.
Tôi hiện đang làm việc ở bộ phận truyền thông của một tập đoàn nước giải khát. Công việc cũng rất thách thức những tôi thấy rằng mình đã chọn đúng môi trường mà tinh thần “không gì là không thể” luôn nằm trong DNA của tập đoàn.
Dù là cách thức hay môi trường làm việc, người ngoài nhìn vào có thể thấy nó rất khắc nghiệt, nhưng bất kỳ điều gì trong cuộc sống cũng cần có thời gian để cải thiện và thay đổi. Riêng việc tôi cho phép bản thân mình làm được, cho phép được đặt ra mục tiêu và hoài bão lớn lao - cũng là văn hóa mà công ty hướng đến. Vậy nên với mỗi lần tôi đi chạy, tôi đều nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp và các lãnh đạo. Điều đó khiến tôi rất vui bởi không phải công ty nào cũng chấp nhận việc nhân viên đôi lúc vắng mặt cả tuần để chạy ở một nơi xa xôi nào đó.
Bên cạnh đó, tôi cũng cảm nhận được sự tin tưởng từ những người đồng hành xung quanh. Tôi sắp xếp thời gian luyện tập cố định vào những buổi sáng thứ 2, 4, 6 trong tuần. Còn lại, tôi sẽ tập trung 100% để hoàn thành công việc được giao và làm việc với các bộ phận liên quan. Khi mọi người đã nắm được lịch làm việc của tôi như vậy, mọi thứ vào guồng ổn định hơn rất nhiều. Tôi rất biết ơn những người đồng nghiệp khi họ có thể thông cảm và thấu hiểu cho mình. Nhờ đó, tôi có thêm động lực mỗi khi bước vào một thử thách mới. Rất nhiều người đã nỗ lực để hỗ trợ mình, vậy nên mình càng cần phải làm hết sức.
Ngay từ lần chạy 100km đầu tiên, tôi đã thấy rằng giới hạn của con người là vô biên. Càng tham gia những giải chạy dài và khắc nghiệt hơn, tôi lại càng… chưa thấy giới hạn của con người. Mỗi lần tiếp cận, mỗi người khác nhau lại khiến tôi trầm trồ về sức mạnh và bản lĩnh của mình. Họ không phải vận động viên chuyên nghiệp, cũng chẳng phải thiên tài. Họ là bà ngoại của ai đó, bà nội của ai đó, nhưng họ có ý chí và sự kiên cường sắt đá, luôn tích cực và vui vẻ. Tôi học được rất nhiều từ họ.
Có một câu chuyện rất hay như thế này. Những ngày đầu của giải chạy, có một bạn trẻ khoảng 20 tuổi thôi tham gia ở cự ly 185km. Hiện bạn đang nắm giữ kỷ lục là người trẻ nhất đạp xe vòng quanh thế giới. Trong cuộc thi, bạn chọn phương pháp trượt tuyết và cũng gặp những khó khăn nhất định với lớp tuyết mềm của những ngày đầu. Bạn có nói với tôi rằng, bạn luôn quen thuộc với vị trí top đầu khi đạp xe, nhưng khi chuyển qua trượt tuyết ở giải này, bạn lại bị tụt xuống top cuối. Điều đó khiến bạn rất thất vọng.
Tôi chia sẻ với bạn một ý này: Liệu thứ hạng có thật sự quan trọng đến thế không? Chỉ có 2-3 người phụ nữ trong một giải như thế này, việc bạn dám tham gia đã là vượt qua hàng trăm người rồi. Và nếu bạn cứ để những suy nghĩ tiêu cực đó chi phối, nó sẽ trở thành rào cản rất lớn cho bạn. Năng lượng của bạn cần được bảo vệ để tập trung cho việc lên kế hoạch ăn, uống, ngủ, nghỉ ra sao. Tất cả những chi tiết nhỏ đó đều cần sự chú tâm để dồn vào bước đi tới vạch đích. Nếu bạn cứ nghĩ về việc những người ngoài kia đánh giá mình như thế nào thì hẳn nó sẽ khiến bạn kiệt sức. Bạn có biết cuốn sách Nhà Giả Kim không? Đó là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới và gần như ai cũng biết về nó. Thế nhưng, tác giả cuốn sách đó mặc kệ việc nó có phải là cuốn sách bán chạy nhất hay không, sau đó ông ấy vẫn viết hàng chục cuốn sách khác mà không để áp lực rằng mình phải tạo ra một tuyệt tác bán chạy hơn hoặc bằng như thế. Đó là một trong những điều khiến người ta rất ngưỡng mộ ông, bởi công việc của nhà văn là phải viết. Kể cả viết tới mấy chục cuốn mà có những cuốn chẳng ai biết đến thì cũng chẳng sao.
Điều đó cũng đúng với tất cả chúng ta. Đã là những vận động viên thì hãy cố gắng hết sức, đừng nghĩ rằng mình về thứ nhất cũng được hay thứ nhì cũng được. Chúng ta có thể đứng bét cũng chẳng sao nhưng ít nhất hãy tự hỏi mình đã cố gắng 100% chưa? Nếu chưa thì đó là một trạng thái cần phải xem xét lại. Còn nếu đã cố gắng 100% rồi mà vẫn đứng bét thì đó là do khả năng của mình. Nhưng hãy cứ hoàn thành mục tiêu. Nếu mục tiêu của bạn là đứng top 1 nhưng bạn chưa làm được - hãy về nhà và luyện tập thêm. Nếu mục tiêu của bạn là việc mình có thể chạm đích - hãy tập trung 100% vào đó. Đừng quan tâm đến những suy nghĩ tiêu cực, chúng sẽ khiến bạn cạn kiệt năng lượng và dễ dàng từ bỏ hành trình của mình.
Bền bỉ là tính cách, là phẩm chất, là thứ khiến tôi có thể sống cuộc đời này tốt hơn. Tôi biết mình không mạnh. Mạnh mẽ có nghĩa là cứng rắn, là không được yếu đuối. Trong giải chạy, tôi khóc suốt. Nhưng bền bỉ là khi bạn ngã xuống và bạn vẫn đứng lên, khóc nhưng vẫn giữ cái đầu lạnh để lên chiến lược đi tiếp.
Nếu bạn nhìn vào những câu chuyện thời chiến tranh, bạn sẽ thấy những người mẹ, người bà chẳng hề mạnh mẽ, họ còn nhỏ con hơn cả những học sinh lớp 5 bây giờ. Thế nhưng họ rất vững chí. Khi đặt vào tình huống cần thiết, họ bộc phát để bảo vệ gia đình của mình. Đối với tôi, điều này quan trọng và giúp mình đi xa hơn. Mạnh mẽ cũng rất cần thiết, nhưng việc chấp nhận sẽ có lúc mình yếu đuối và thất bại để nuôi ý chí bền bỉ đi tiếp - điều này mới quan trọng.
Thanh nghĩ, đây là một mục tiêu không đích đến. Tôi không thể nói được rằng mình đã làm được bao nhiêu phần trăm, chỉ biết rằng mình đã bước vào trận được đâu đó 10 năm rồi, và còn rất nhiều 10 năm nữa. Cho đến khi đặt đầu xuống đất, tôi vẫn giữ vững được tinh thần như vậy thì tôi tin rằng khi đó là lúc mình chạm đích.
ĐSPL